Lý Liên Kiệt trong phim “Romeo phải chết”, bộ phim Hollywood đầu tiên mà nam diễn viên võ thuật Trung Quốc đóng vai chính. (SCMP) |
Giống như những đồng hương gốc Hong Kong (Trung Quốc) khác như Thành Long, Châu Nhuận Phát hay đạo diễn Ngô Vũ Sâm, tại Mỹ, Lý Liên Kiệt đã tham gia đóng chính trong nhiều bộ phim hành động giải trí của Hollywood như Romeo phải chết (năm 2000), nhưng những cảnh hành động và võ thuật trong điện ảnh Mỹ dường như không thực sự phù hợp với lối diễn xuất của Lý Liên Kiệt, như cách mà ông thể hiện rất thành công trong các bộ phim Hong Kong.
Bất đồng trong cách làm phim
Lý Liên Kiệt “chào sân” điện ảnh Mỹ vào năm 1998, khi vào vai phản diện trong phim Vũ khí tối thượng 4 của Warner Bros. Vai diễn thành công này (được thể hiện qua số liệu nghiên cứu thị trường về lượng người hâm mộ) giúp Lý Liên Kiệt có được vai chính trong bộ phim hành động Romeo phải chết – vốn được “đo ni đóng giày” cho ông.
Sau đó, nhà sản xuất của Romeo phải chết Joel Silver đề nghị Lý Liên Kiệt tham gia series Ma trận (Matrix), nhất là khi Viên Hòa Bình – cũng là một người bạn của Lý – đảm nhận chỉ đạo diễn xuất cho phim này. Dù vậy, Lý đã từ chối tham gia, với lý do được cho là thù lao cho ông thấp hơn nhiều so với những ngôi sao phương Tây. Sau đó, Lý tham gia vào những phim có chất lượng trung bình nhưng mang tính giải trí như Nụ hôn của rồng (2001) hay Kẻ độc tôn (2001).
Lý Liên Kiệt trong phim truyền hình "The One". (Nguồn: ZUMA Press) |
Sự thể hiện không trọn vẹn của Lý Liên Kiệt trong các bộ phim Mỹ là kết quả của việc giới làm phim Hollywood tiếp cận với thể loại phim hành động. Phim hành động Mỹ nhìn chung nhanh gọn, với các thế đánh ít hoa mỹ hơn phim Hong Kong. Bên cạnh đó, các đoàn làm phim Mỹ cũng có ít kinh nghiệm trong việc quay các cảnh đánh đấm như các đồng nghiệp Hong Kong.
“Ở Hong Kong, khán giả muốn xem các màn giao đấu có độ dài lên đến 5 phút”, Lý Liên Kiệt nói khi quay phim Romeo phải chết. “Họ muốn xem cách di chuyển và phong cách của diễn viên. Thế nhưng trong văn hóa Mỹ, giống như quyền Anh, khán giả chỉ muốn xem ai thắng. Nếu một người đánh hạ một người khác trong 30 giây, khán giả sẽ thấy rất tuyệt vời”.
Thậm chí, khi ông làm việc với một người bạn lâu năm, đạo diễn Corey Yuen Kwai, giữa họ vẫn thường xảy ra nhiều bất đồng.
Ở Hong Kong, các nhà chỉ đạo diễn xuất thường nắm quyền kiểm soát việc quay các pha hành động và làm việc một cách tự do. Tuy nhiên, ở Hollywood, họ không có vị trí cao trong đoàn phim, đồng thời phải tuân thủ định hướng chung của đạo diễn bộ phim.
Võ thuật thể hiện tính cách nhân vật
Kẻ độc tôn cũng là một trong số các bộ phim giải trí khá có tiếng vang ở Lý Liên Kiệt trên đất Mỹ. Do James Wong làm đạo diễn, Kẻ độc tôn là câu chuyện viễn tưởng khắc họa hình ảnh một Lý Liên Kiệt “chính nghĩa” đánh nhau với một bản sao Lý Liên Kiệt “hiểm ác” vốn bước ra từ một thế giới song song với thế giới thực.
Bộ phim này ban đầu tính mời Dwayne Johnson làm vai chính, với những cảnh đánh nhau theo kiểu ẩu đả đường phố. Tuy nhiên, sau khi Johnson rút lui để dành thời gian đóng “Vua bọ cạp”, Lý Liên Kiệt được chọn, kéo theo việc các cảnh đánh nhau cũng được điều chỉnh theo hướng võ thuật hơn.
Lý Liên Kiệt đã làm việc rất vất vả để thể hiện đồng thời tính cách của hai nhân vật theo hai trường phái võ thuật khác nhau. Ông đã trình diễn “Hình ý quyền” (xingyiquan) cho vai phản diện và “Bát quái chưởng” (baguazhang) cho vai chính diện.
Lý Liên Kiệt trong vai Hoàng Phi Hồng. (Nguồn: Fyine) |
“Kẻ xấu sử dụng ‘Hình ý quyền’ vì muốn phá hủy mọi thứ”, ông từng với tác giả Martha Burr trong cuốn sách Bước ra khỏi bóng tối: Những người châu Á trong điện ảnh Mỹ. Diễn viên gốc Hong Kong chia sẻ thêm: “Tập luyện những phương thức võ thuật này rất khó. Bạn cần phải tập trong 10 năm mới có thể kiểm soát cơ thể từ trong ra ngoài. Mọi thứ phải hòa nhịp cùng nhau”.
Mặc dù bộ phim dựa nhiều vào hiệu ứng kỹ xảo đặc biệt, nhà chỉ đạo diễn xuất Corey Yuen cũng phải nỗ lực để phô diễn khả năng võ thuật của Lý Liên Kiệt. “Khán giả sẽ tập trung vào cách Lý đánh nhau”, ông Yuen chia sẻ.