📞

Macau: Đỏ đen & trầm mặc

12:49 | 28/09/2008
Với mật độ 1 sòng bạc/km2, từ năm 2006, đặc khu hành chính Macau của Trung Quốc đã chính thức vượt mặt Las Vegas, trở thành cụm casino lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, không phải tất cả đều giàu lên trong những canh bạc lớn.

Macau là thành phố dội tiếng âm thanh của tiền. Cuộc ganh đua quyết liệt không ngơi nghỉ của hàng triệu thẻ bài sấp ngửa cùng sự huyên náo của đám đông khách du lịch đã làm khách sạn 5 sao và căn hộ sang trọng mọc lên như nấm. Đây là âm thanh của sự bùng nổ sòng bạc lớn nhất trong lịch sử. Những sòng bạc ở Macau ngày nay còn thu lợi nhuận nhiều hơn cả Las Vegas Strip và Atlantic City cộng lại.

 

Mặt sau không lung linh

 

Nhưng có một Macau khác, nơi có nhiều người nghèo đang sinh sống. Bắt một cuốc taxi từ trước cửa khách sạn Wynn Macau tới khu lao động Hac Sa Wan gần đó, bạn có thể gặp Ng Iat-keong, một trong nhiều người Macau nghèo vì sự bùng nổ của sòng bạc. Ng, 45 tuổi, là công nhân từng xây nhiều sòng bạc, khách sạn ở Macau, trong đó có sòng bạc lớn nhất - Venetian của Las Vegas Sands. Ng chua chát nói: “Chúng tôi là những người xây dựng nên các tòa nhà cao đẹp, nhưng chúng tôi không có nhà của riêng mình”. Vợ chồng anh và hai con trai đang trọ trong căn nhà chật hẹp (28m2), tường đã long vữa, nhưng giá tăng gấp ba, lên 150 USD/tháng từ năm 2004. Nhưng vì dòng người lao động nhập cư đổ vào Macau rất đông, Ng không thể kiếm đủ việc làm. Năm nay, anh tính ra chỉ có khoảng 50% việc so với vài năm trước.

 

Có nhiều cơ hội việc làm trong ngành giải trí này, nhưng Ng lại thiếu kỹ năng. Anh không bắt kịp với sự thay đổi ở Macau. Quả thực, công nghệ sòng bạc đã đánh thức thuộc địa cũ đang ngủ say của Bồ Đào Nha. Trong năm 2004-2006, 3,3 tỉ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào thành phố chỉ có 540.000 dân này đã tỏ ra hiệu quả. Kể từ năm 2003, GDP trên đầu người đã tăng gấp đôi, lương tăng 2/3 và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống một nửa. Chỉ riêng năm 2007, kinh tế tăng 27%.

 

Nhưng sự tăng trưởng nhanh cũng đặt ra những sức ép vô hình trong xã hội Macau, tạo nên cơn lốc tăng giá bất động sản, tình trạng lao động không ổn định, hạ tầng quá tải và sự bất bình ngày càng tăng trong dân cư như Ng, những người chỉ cảm thấy cuộc sống ngày càng tồi tệ hơn trước.

 

Người thắng, kẻ thua

 

Tất nhiên, nhiều người Macau đã thu lợi từ làn sóng đầu tư và du lịch. Nhưng những cái đạt được không đủ che lấp những lo lắng mà Macau - nơi từng cân bằng việc làm giữa ngành chế tạo và ngành du lịch - giờ đã trở thành nền kinh tế phù hoa nhờ vào sòng bạc. Thuế sòng bạc hiện chiếm tới ¾ lợi nhuận của Macau. Từ 2003-2007, số nhân viên làm trong sòng bạc và các ngành giải trí tăng gần gấp ba, nhưng nhiều việc làm mới lại do người lao động nhập cư chiếm giữ. Năm 2003, trong 10 việc làm thì có 1 thuộc về người nhập cư trong khi tính đến quý I/2008, tỷ lệ này đã tăng lên là ¼.

 

Mặc dù nhiều vị trí chỉ dành riêng cho dân bản địa như tất cả vị trí chia bài trong các sòng bạc phải là người Macau, song sự gia tăng dòng lao động nhập cư đã dẫn tới những phàn nàn rằng người ngoài đang được hưởng lợi từ sự bùng nổ của Macau. Chan Chi-wan, công nhân xây dựng 50 tuổi, phàn nàn: “Những người dân địa phương chúng tôi đang mất việc làm và chính quyền không thể không quan tâm”. Thêm nữa, trong nhiều trường hợp, những lần tăng lương lại được “bù” bằng lạm phát tăng.

 

Chiếc ghế nóng

 

Người phải khắc phục những phần không hiệu quả trong sự bùng nổ sòng bạc là người đã khởi động nó: Ông Hà Hậu Hoa (Edmund Ho), cựu kế toán viên 53 tuổi, người đã trở thành Trưởng Đặc khu Hành chính Macau khi thành phố này được trả về cho TQ năm 1999.

 

Khi ông Hoa nhậm chức, Macau như một thành phố đang ngủ yên. Chỉ trong vài năm, ông đã làm cho Macau khởi sắc. Ông trấn áp tội phạm và quan trọng hơn, với chính sách xóa bỏ độc quyền cấp giấy phép cho các sòng bạc, cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực béo bở này, kinh doanh cờ bạc đã bùng nổ mạnh mẽ tại Macau từ năm 2001, chấm dứt sự độc quyền nhiều năm trước đó của tỷ phú cờ bạc Stanley Ho. Tuy chỉ là một rẻo đất bé xíu ở phía Đông TQ, song đến thời điểm này, Macau hiện có 29 sòng bạc, với mật độ 1 casino/km2 (Macau chỉ có hơn 28km2, với khoảng 2km2 lấn biển). Doanh thu từ sòng bạc trong Quí I/2008 đã tăng lên 3,8 tỉ USD, tương đương doanh thu của cả năm 2003. Vì vậy, ông Hoa được xem như một anh hùng.

 

Các sòng bạc Macau có tuổi đời khoảng 158 năm và mỗi năm thu hút tới hơn 20 triệu tay chơi. Sòng bạc lớn nhất tại Las Vegas cũng chỉ bằng 1/3 so với Venetian. Một sòng lớn ở Macau là Sands mỗi ngày thu về hơn 2,5 triệu USD, trong khi doanh thu trung bình của một sòng bạc lớn ở Las Vegas cũng chỉ khoảng trên dưới 1 triệu USD/ngày. Phòng VIP ở Sands không dành cho những người yếu tim hoặc có ví mỏng. Khách hàng phải đặt 62.500 USD ra trước mặt để có một chỗ ngồi bên bàn bacara, rồi đặt cược tối thiểu 1.250 USD cho mỗi lần chơi bài. Nhờ vậy, với thuế suất 35% đánh vào các sòng bài, chính quyền địa phương đã thu về được 3/4 tổng ngân sách hàng năm của đặc khu.

Tuy nhiên, một thực tế không ai có thể phủ nhận là cờ bạc luôn đi kèm với các tệ nạn xã hội. Gái làm tiền đứng đầy các góc phố Macau ngày nay. Ma tuý và thuốc gây nghiện tràn ngập các sòng bài, vũ trường và có thể mua bán dễ dàng ở nhiều điểm nhỏ lẻ… Ngoài ra, tình trạng bạo lực cũng xảy ra như cơm bữa giữa các băng xã hội đen.

 

Có lẽ thế nên vòng hào quang quanh ông Trưởng Đặc khu mờ dần. Những người thuộc phe chính trị đối lập phê phán ông không đủ phản ứng nhanh trước những vấn đề đang nổi lên của Macau. Một hệ thống đường sắt cần thiết để giảm tắc nghẽn giao thông được đề xuất từ năm 2003, nhưng đến nay vẫn chưa khởi công. Các nhà tư vấn lao động đã yêu cầu chính quyền hạn chế hơn nữa sự cạnh tranh của luồng lao động nhập cư, xây dựng nhà ở và tăng lương tối thiểu để giảm bớt tình trạng căng thẳng tài chính trong tầng lớp lao động. Vì vậy, chính quyền đang bắt tay vào các vấn đề địa phương như xem xét lại Luật lao động để bảo vệ nhân công bản xứ. Không chỉ kêu gọi giới chủ sòng bài giao những vị trí quản lý cao hơn cho người Macau, hồi tháng 4, chính quyền còn tạm ngừng cấp phép cho các sòng bạc mới nhằm hạ nhiệt tốc độ phát triển điên cuồng nơi đây.

 

Và một xã hội thất học?

 

Lei Ka-ling, 20 tuổi, đã bỏ trường đại học và đăng ký tham gia một khóa đào tạo người chia bài cho sòng bạc do Trung tâm Công việc Sòng bạc và Du lịch Macau tổ chức miễn phí. Lei có ít sự lựa chọn. Cha cô, một thợ sửa máy móc ở khách sạn, còn mẹ chuyên trông coi tại các công trường xây dựng, không thể nuôi sống gia đình khi giá cả tăng cao. Làm người chia bài, lương của Lei sẽ là 1.900 USD/tháng, gấp đôi thu nhập của cả gia đình. Những chuyện như của Lei rất phổ biến, khiến chính quyền lo rằng các sòng bạc sẽ tạo ra những tầng lớp người Macau thất học.

 

Trong căn hộ chật hẹp, Ng lo lắng hai con trai nhỏ cũng sẽ bị cuốn theo những lá bài để mưu sinh thay vì trở thành những nhân viên ngân hàng hay cảnh sát. Ng phân bua: “Làm việc trong sòng bạc sẽ ảnh hưởng xấu đến con”. Mặc dù vậy, đó là việc anh có thể làm.

 

Bruce Springsteen, trong ca khúc kinh điển Atlantic City về sự hỗn tạp nguy hiểm giữa tật xấu và niềm hy vọng mà các sòng bạc mang tới thành phố New Jersey (Mỹ), đã hát: “Xuống đây, đó chỉ là những người thắng và kẻ thua và đừng để bị lái nhầm đường”. Ở Macau, có quá nhiều người đã đứng nhầm bên.                     

 

Huỳnh Hạnh(Theo Time, CNNMoney)