TIN LIÊN QUAN | |
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Bên ngoài “sóng gió” nhưng ASEAN có một nơi “trú ẩn” an toàn | |
Nửa thế kỷ ASEAN từ góc nhìn của Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan |
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan. |
Tôi xin mạn phép “đặt tên” cho năm Canh Tý như vậy vì trong năm nay, nước ta gánh vác hai trọng trách đa phương ở tầm khu vực và tầm toàn cầu: đó là Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Có thể có người nói, đó là niềm vinh dự lớn song Chủ tịch ASEAN là theo cơ chế luân phiên, còn Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thì nhiều nước khác cũng được bầu chứ đâu chỉ có nước ta?
Vấn đề ở đây không chỉ là vị thế mà điều chính yếu là thực hiện những vai trò đó thế nào để đóng góp tốt nhất cho cộng đồng khu vực và toàn cầu. Chắc chắn rằng, các cơ quan hữu quan đã dầy công chuẩn bị để thực thi nhiệm vụ trọng yếu đó; về phần mình tôi chỉ xin chia sẻ đôi điều suy ngẫm về lĩnh vực ngoại giao đa phương.
Đã từng làm công tác đối ngoại suốt 50 năm ròng song chủ yếu là về quan hệ song phương chứ rất ít khi được tham gia các hoạt động đa phương. Thú thật, đã có thời tôi từng thành kiến với lĩnh vực này: Sao họp hành lắm thế? Văn kiện chất thành núi, không biết có ai đọc không chứ chưa nói tới việc thực hiện? Chi phí tốn kém để làm gì?
Nhưng rồi tôi mới vỡ dần ra tầm quan trọng của lĩnh vực này thông qua hoạt động trong SEV, ASEAN, ASEM, APEC, các tổ chức trong hệ thống Liên hợp quốc, Hội nghị các chính Đảng…
Qua đó dần dần tôi ngộ ra rằng, quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc ngày càng mở rộng và ngày càng nảy sinh lắm vấn đề; không cụm lại với nhau thì khó bề tháo gỡ và không thể phát triển. Chính vì vậy các tổ chức, diễn dàn đa phương đã ra đời để giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia, các cuộc xung đột, chiến tranh; điều tiết quan hệ kinh tế và phát triển các ngành công nghệ mới; ứng phó với các vấn đề xã hội - nhân đạo; hình thành các luật lệ ứng xử… Chẳng thế mà ngày nay trên thế giới tồn tại hàng nghìn các tổ chức, diễn đàn thuộc mọi lĩnh vực, thành phần khác nhau.
Trong các tổ chức và diễn đàn đa phương thường diễn ra sự tập hợp lực lượng rất đa dạng nhằm tìm kiếm đồng minh, dung hòa mâu thuẫn, ứng phó với các quan điểm, thế lực không có lợi đối với mình, phấn đấu cho ước vọng cao cả của loài người như hòa bình, độc lập, dân chủ, tiến bộ xã hôị. Đây chính là nơi chúng ta có thể thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với các vấn đề nóng bỏng của nhân loại, đồng thời vận dụng phương châm “ứng vạn biến”.
Lần đầu được dự một cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, tôi rất ngạc nhiên thấy trong phòng họp còn rất nhiều chỗ trống, trong khi đó ở ngoài hành lang, tại các quán cà phê thì đông nghịt người! Hóa ra các tổ chức, diễn đàn đa phương đồng thời là địa điểm lý tưởng để giao lưu, tiếp xúc, móc nối quan hệ hoặc dàn xếp các khúc mắc song phương. Qua các hội nghị, diễn đàn đa phương diễn ra ở Việt Nam, chúng ta đều tiếp đón nhiều nhà lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế kết hợp thăm song phương. Theo dõi quan hệ quốc tế, ta có thể thấy lãnh đạo nước này, nước khác gặp gỡ song phương để giải quyết khúc mắc trong lúc chưa thể tiến hành các cuộc thăm song phương.
Thông qua hoạt động ngoại giao đa phương, ta có thể tranh thủ được những nguồn tài trợ đáng kể. Trong thời kỳ bị bao vây, cô lập, nước ta đã thông qua các tổ chức thuộc Liên hợp quốc vận động được khá nhiều dự án tài trợ; trong thời kỳ đổi mới, các tổ chức tài chính – tiền tệ lớn như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á… trở thành các nhà tài trợ lớn đối với nước ta bên cạnh các khoản tài trợ của các tổ chức đa phương khác, nhất là về các vấn đề xã hội như xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sống, phát triển y tế, giáo dục… Một sự tài trợ “vô hình” không kém phần quan trọng là những ý tưởng phát triển như “phát triển bền vững”, “phát triển bao trùm”… mà chúng ta đang vận dụng trong công cuộc xây dựng đất nước.
Hồi nước ta mới tham gia ASEAN, với tư cách “quan chức cao cấp” (SOM) tôi cứ phải lang thang đi họp ở hết thành phố này tới thành phố khác rất vất vả. Hóa ra các hoạt động đa phương còn có tác dụng quảng bá hình ảnh đất nước, tranh thủ phát triển du lịch! Đối với nước ta, các sự kiện đa phương đều là những điểm hích làm cho bạn bè hiểu rõ hơn đất nước và con người Việt Nam, từ đó thúc đẩy sự hợp tác phát triển.
Xem như vậy có thể thấy việc nước ta thực hiện thành công vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ đem lại biết bao lợi ích cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao hơn nữa vị thế của nước ta! Với ý nghĩa ấy, mỗi người chúng ta đều có thể đóng góp, chí ít là qua thái độ cởi mở, mến khách, tinh thần tự trọng vốn có, làm cho cái tên “Việt Nam” một lần nữa rực sáng!
| Ông Vũ Khoan: “Thực chất ta đang tụt hậu rồi” Theo Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Trung ương đặt ra nhiệm vụ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng là đúng đắn rồi, ... |
| Chiếc “gối đầu giường” mới của người làm ngoại giao Chiều 9/10, buổi giao lưu giữa tác giả và bạn đọc về cuốn sách “Vài ngón nghề ngoại giao” của nguyên Phó Thủ tướng Vũ ... |
| Tạo dựng chỗ đứng của Việt Nam Nhân dịp Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 và Ngoại vụ 18, phóng viên Báo TG&VN đã cuộc trao đổi với nguyên Phó Thủ ... |