Cuộc duyệt binh được tiến hành giữa lúc đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành ở Nga - nơi tổng số ca nhiễm virus corona được ghi nhận lên tới hơn 606.800 trường hợp, cao thứ 3 trên toàn thế giới, sau Mỹ và Brazil. Quyết định dời ngày tổ chức duyệt binh kỷ niệm chiến thắng phát xít được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố trong cuộc họp trực tuyến cùng Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu vào ngày 26/5. (Nguồn: RIA Novosti) |
Tổng thống Putin quyết định chọn tổ chức duyệt binh vào ngày 24/6 vì đây cũng là ngày diễn ra cuộc duyệt binh chiến thắng lịch sử của Hồng quân Liên xô tại Quảng trường Đỏ vào năm 1945 có sự tham gia của cả những chiến sĩ Hồng quân đã tham gia bảo vệ Leningrad, cố thủ tại Stalingrad, các đơn vị giải phóng châu Âu và lực lượng đã đánh bại phát-xít Đức ngay tại Berlin.
Show diễn các phương tiện chiến đấu mới
Tại Hồng trường, ngoài các quân nhân Nga, các xe tăng T-34 và pháo tự hành chống tăng Su-100 huyền thoại, quân đội của 13 quốc gia khác (Azerbaijan, Armenia, Belarus, Ấn Độ, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Moldova, Mông Cổ, Serbia, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan) cũng tham gia diễu hành. Tổng thống Abkhazia, Kazakhstan, Moldova, Serbia, Uzbekistan, Belarus, Serbia cũng nhiều lãnh đạo cấp cao đã tham dự buổi lễ theo lời mời của Tổng thống Putin. (Nguồn: RIA Novosti) |
Năm nay, tại Moscow, cuộc diễu hành kết thúc với màn trình diễn của 75 máy bay và trực thăng của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga. Các máy bay cất cánh từ 8 sân bay của Nga, chia làm 16 đội hình bay qua Quảng trường Đỏ. Phần trình diễn các loại vũ khí hiện đại như các loại tên lửa, súng, pháo, cối tự hành và xe kéo các phương tiện kỹ thuật đặc chủng…
Cùng với các phương tiện huyền thoại, có 24 mẫu thiết bị quân sự mới lần đầu xuất hiện, trong đó có hệ thống tên lửa nhiệt áp bắn loạt Tos-2 "Tosochka", xe rà mìn từ xa “Zemledelie”, xe tăng T-90M "Proryv" và T-80BVM, pháo phòng không tự hành 2C38 "Derivatcia-PVO", hệ thống tên lửa phòng không mới nhất “Pantsir-SM”, hệ thống tên lửa phòng không dùng cho vùng Bắc Cực “Pantsir-SA”…
Đây cũng là lần đầu tiên tham gia diễu hành của mô-đun chiến đấu được điều khiển từ xa "Okhotnik" được gắn trên xe bọc thép “Taiphun-K”, xe bọc thép BMP T-15 trên nền tảng Armata với modul chiến đấu “Dagger” được trang bị súng 57 mm, BMP Kurganets-25 với mô-đun chiến đấu “Epoch” cũng được trang bị súng 57 mm, và BMP-2M được hiện đại hóa với khoang chiến đấu "Berezhok", xe chiến đấu bọc thép BMP “Terminator” xe bọc thép “Tiger-M”.
Ngoài ra, lần đầu tiên trên Quảng trường Đỏ, 4 hệ thống tên lửa phòng không tự hành Buk-M3 (SAM) và 4 SAM Tor-M2 của tổ hợp sản xuất quốc phòng Almaz-Antey sản xuất; các hệ thống tên lửa phòng không S-350 “Vityaz” và S-400 “Triumph” đã được ra mắt. Tổng cộng, có 234 đơn vị xe máy, thiết bị quân sự hiện đại và lịch sử đã tham gia cuộc diễu hành ở Moscow trong đoàn cơ giới.
Hệ thống tên lửa bắn loạt TOS-2 của Lực lượng Phòng chống Hóa-xạ-sinh. (Nguồn: RIA Novosti) |
Hệ thống tên lửa bắn loạt TOS-2, vốn dự kiến biên chế cho các đơn vị Phòng chống hóa-xạ-sinh, có thể đốt cháy và phá hủy nhanh chóng các tòa nhà và các cơ sở quân sự. Cũng giống như TOS-1, TOS-2 sử dụng rocket 200mm với độ hủy diệt cao. Khả năng hủy diệt của hệ thống phun lửa hạng nặng dựa trên hiệu ứng vụ nổ của bom chân không (nhiệt độ cao, áp suất lớn bé và songs xung kích). Diện tích tổn thương là từ 1.000-2.000 m2, tầm bắn từ 3.600-6.000m, tùy thuộc vào loại tên lửa.
Pantsir-SA là hệ thống Pantsir-S2 được tối ưu hóa để sử dụng trong điều kiện Bắc Cực, gồm 18 ống phóng tên lửa đất đối không 57E6. Chúng có thể được sử dụng để chống lại máy bay trực thăng, máy bay và vũ khí dẫn đường chính xác. Pantsir-SA có cự ly phát hiện 32-36 km đối với một máy bay có mặt cắt radar rộng 2 m2, phạm vi theo dõi 24-28km. Hệ thống này có khả năng tấn công mục tiêu trong phạm vi từ 200 m đến khoảng 20km và độ cao 5m đến 15km đối với vũ khí dẫn đường chính xác có tốc độ lên tới 1000m/giây và máy bay có tốc độ lên tới 500m/giây.