📞

Mạng lưới Di cư khu vực Mekong kêu gọi ASEAN hỗ trợ lao động di cư trong đại dịch

An Chu 16:43 | 11/11/2020
TGVN. Nhân dịp Diễn đàn Lao động Di cư ASEAN lần thứ 13 (AFML) do Việt Nam đăng cai tổ chức từ 10-12/11, Mạng lưới Di cư khu vực Mekong (MMN) đã chỉ ra những vấn đề lo ngại đang ảnh hưởng tới người di cư trong đại dịch hiện nay cũng như đưa ra các khuyến nghị cụ thể.
Bất chấp những đóng góp xã hội và kinh tế quan trọng của lao động di cư ở cả nước gốc và nước đến, nhóm người này vẫn nằm trong số những nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong khủng hoảng hiện nay. (Nguồn: Báo Công thương)

Mạng lưới Di cư khu vực Mekong (MMN), một mạng lưới với hơn 40 tổ chức xã hội dân sự cùng làm việc nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền của người di cư, tiếp tục kêu gọi ASEAN và chính phủ các nước thành viên phải hành động ngay để hỗ trợ về phúc lợi cho người di cư và gia đình họ trong đại dịch Covid-19.

Từ khi dịch bùng phát, MMN đã liên tục theo dõi tình hình và thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về ảnh hưởng của đại dịch lên những cộng đồng di cư khắp Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS).

Từ kết quả của những nghiên cứu trên và nhân dịp AFML 13 với chủ đề "Hỗ trợ lao động di cư trong đại dịch hướng tới một cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng", MMN đã đưa ra những khuyến nghị cụ thể cho chính phủ các nước thuộc GMS và ASEAN.

Thách thức chưa từng có

Trong những tháng gần đây, người di cư dọc GMS đã đối mặt với những thách thức chưa từng có bởi đại dịch Covid-19. Người di cư vẫn ở trong số những nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong khủng hoảng hiện nay.

Nhiều người di cư làm việc trong những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và đã mất việc làm hoặc bị ép làm việc với mức lương bị cắt giảm sâu. Vấn đề càng trầm trọng hơn khi phần lớn những người di cư và gia đình họ có ít hoặc không có tiếp cận với những lưới an sinh xã hội.

Đáng tiếc, những gói cứu trợ kinh tế mà chính phủ các nước Mekong triển khai nhìn chung không bao trùm người không phải công dân nước tiếp nhận. Nhiều di dân ở Mekong mất việc làm do hậu quả của đại dịch đã bị chủ lao động từ chối bồi thường trong khi các cơ quan có thẩm quyển từ chối trợ cấp thất nghiệp.

Nhiều người không có đủ tiền tiết kiệm để sống qua ngày và phải vay mượn để chi trả những khoản phí thường nhật. Cú sốc kinh tế đã làm cho tình trạng bấp bênh của họ nay lại càng nguy nan, tới mức nhiều người phải đối mặt với tình trạng nghèo cùng cực và vô gia cư.

Tìm kiếm một công việc mới trong tình trạng hiện tại là vô cùng khó, khi nền kinh tế đã bị suy yếu và bởi những quy định chặt chẽ hạn chế người di cư thay đổi công việc. Nhiều người đang tìm đến những công việc tạm thời như lao động công nhật hưởng lương theo ngày để sinh sống.

Trong khi đó, lựa chọn trở về nước lại đặt ra một loạt khó khăn riêng, cả trong việc tìm cách sắp xếp hồi hương khi đi lại bị hạn chế, lẫn những khó khăn kinh tế sau khi trở về nhà.

Sau khi hồi hương, nhiều người di cư nói rằng họ không nhận được sự hỗ trợ nào, trong khi vẫn phải cố sống qua ngày ở quê hương.

Mặc dù dân cư ở GMS có tính lưu động cao, hiện tại các nước trong khu vực có ít hoặc chưa có cơ chế an ninh xã hội liên thông. Thực tế này đã ngăn cản những người di cư hồi hương nhận được những lợi ích từ những khoản họ đã đóng góp vào chương trình an ninh xã hội khi đang làm việc ở nước ngoài.

Nỗ lực giảm thiểu khó khăn cho lao động di cư

Ba quốc gia Campuchia, Myanmar và Việt Nam đã thể hiện quyết tâm xây dựng các cơ chế an ninh xã hội liên thông với các nước đến quan trọng.

Thành lập năm 2003, Mạng lưới Di cư Khu vực Mekong (MMN) là một mạng lưới tổ chức xã hội dân sự và viện nghiên cứu cùng làm việc nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền của người di cư và gia đình họ ở Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng.

Việt Nam đã đưa vào dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sửa đổi một số yếu tố của an sinh xã hội liên thông. Tuy nhiên, những bước tiến nhỏ này chưa thể thay đổi được thực tế là các nước phái cử di cư ở GMS chưa thành công trong việc thiết lập bất cứ cơ chế nào giúp người lao động di cư thụ hưởng những lợi ích mà có thể được chuyển giao từ nước họ đến.

Hồi tháng 5, các bộ trưởng lao động ASEAN đã ra Tuyên bố chung về ứng phó với các tác động của dịch Covid-19 đối với lao động và việc làm, trong đó, nhất trí "cung cấp sự trợ giúp và hỗ trợ phù hợp cho người lao động di cư ASEAN bị ảnh hưởng bởi đại dịch ở mỗi quốc gia hoặc ở các nước thứ 3, bao gồm việc triển khai hiệu quả đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư, hướng tới bảo đảm sức khỏe, hạnh phúc và an toàn của họ cũng như tạo điều kiện cho họ di chuyển và đoàn tụ họ với gia đình".

Dựa trên những nghiên cứu chuyên sâu để đảm bảo thực thi hoàn chỉnh những cam kết mà các chính phủ và ASEAN theo đúng tinh thần hợp tác khu vực phản ánh trong Thông cáo chung trên, MMN đã đưa ra một số khuyến nghị như sau:

Đối với chính phủ của quốc gia phái cử: Một là phải đảm bảo xuất cư an toàn bằng việc cung cấp cho người chuẩn bị di cư những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 như thông tin về thủ tục cách ly và kiểm tra sức khỏe bắt buộc khác; những biện pháp sức khỏe và an toàn lao động; cơ chế báo cáo khiếu nại; cách tiếp cận công lý, và quyền an ninh xã hội và y tế được hưởng ở nước di cư đến;

Hai là cung cấp thông tin rõ ràng và đầy đủ về việc hồi hương cho người di cư, trong đó bao gồm chi phí cách ly, thủ tục cần thiết và địa chỉ liên lạc hỗ trợ có ích; nỗ lực giữ bất kể chi phí nào ở mức thấp nhất.

Ba là củng cố sự trợ giúp của các phái bộ ngoại giao và tuỳ viên lao động trong việc tăng cường cung cấp thông tin cho người di cư qua nhiều kênh thông tin khác nhau; bảo đảm đầy đủ nhân sự để hồi đáp những câu hỏi và khiếu nại của người di cư; và tăng hiệu quả cũng như năng lực của các dịch vụ hỗ trợ đến từ đại sứ quán.

Bốn là giám sát những cơ sở tuyển dụng lao động để đảm bảo những lao động muốn nhưng không thể xuất cư có thể chấm dứt hợp đồng và được hoàn lại tiền và giấy tờ tùy thân mà họ đã nộp.

Đối với chính phủ của quốc gia tiếp nhận, cần đảm bảo người sử dụng lao động đền bù toàn bộ số tiền dư thừa mà họ phải trả cho người di cư lao động; cho phép người di cư lao động được linh động hơn trong việc làm và thực hiện những biện pháp cứu trợ kịp thời và hợp lý nhằm giúp đỡ cho tất cả lao động di cư bị mất việc làm.

Đối với cả quốc gia phái cử và quốc gia tiếp nhận, cần hợp tác nhằm thực hiện mô hình không phí tuyển dụng, trong đó toàn bộ chi phí di cư được người sử dụng lao động chi trả hoặc được chính phủ hỗ trợ; Nhấn mạnh việc ứng phó theo hướng sức khỏe công và nhân đạo đối với đại dịch, trong đó hướng đến việc cung cấp những biện pháp cách ly với chi phí thấp và kiểm tra y tế tại cửa khẩu, chứ không phải tăng cường quân đội hóa đường biên giới.

Ngoài ra, cả hai bên cần xây dựng gấp cơ chế liên thông cho hệ thống an sinh xã hội và phối hợp thực hiện kế hoạch chuẩn bị trong đại dịch bao gồm các nội dung như bảo đảm hồi hương và tái xuất cư an toàn và chi phí trong khả năng chi trả của người di cư; tiếp cận những phúc lợi an sinh xã hội; đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ về sức khỏe và pháp lý cho người di cư lao động và đảm bảo tiếp cận công lý.

Đối với khu vực ASEAN, MMN khuyến nghị liên tục đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến dân di cư và xác định những lĩnh vực cần một giải pháp ứng phó ở tầm khu vực, đồng thời giám sát và điều phối việc thi hành những cam kết được liệt kê trong Tuyên bố chung về ứng phó với các tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với lao động và việc làm, đồng thuận vào tháng 5/2020.