Kiên cường bám trụ
Vào những ngày đầu năm mới 2017, bất chấp cái lạnh “cắt da cắt thịt” khi nhiệt độ ngoài trời ở thủ đô Moscow có lúc xuống âm 30 độ, chúng tôi vẫn quyết định thực hiện chuyến công tác tìm hiểu cuộc sống của bà con cộng đồng người Việt Nam đang làm ăn và sinh sống tại một số thành phố nằm dọc dòng sông Volga thơ mộng.
Từ Moscow, để đến được thành phố Ulyanovsk có thể đi bằng nhiều phương tiện khác nhau. Tuy nhiên để được trải nghiệm nhiều hơn, chúng tôi chọn phương án đi máy bay xuống thành phố Kazan, Cộng hòa Tatarstan.
Chủ tịch Hội người Việt Nam đoàn kết tỉnh Ulyanovsk, ông Trịnh Văn Quế. (Nguồn: Vietnam+) |
Thật không ngờ chuyến “mở hàng” đầu năm mới của chúng tôi lại may mắn đến thế. Không chỉ được Hội người Việt Nam ở Kazan tiếp đón ân cần, chu đáo mà còn “điều” cho một chuyến xe taxi, tiếp tục hành trình đến với quê hương lãnh tụ Lenin.
Anh lái xe tên Lý tỏ ra rất thích thú khi biết điểm đến là thành phố Ulyanovsk. Anh tươi cười mời chúng tôi lên xe và tự giới thiệu “tôi là dân Uli (Ulyanovsk) chính gốc.” Hóa ra, anh Lý sang Nga được hơn 30 năm. Lúc đầu anh làm việc và sinh sống tại thành phố Ulyanovsk trong nhiều năm liền, nhưng về sau phải lòng cô gái người Việt ở Kazan nên buộc phải đi “ở rể” bên nhà vợ.
Suốt chặng đường dài hơn 200 km, chúng tôi như được sống lại theo những cung bậc thăng trầm của cộng đồng người Việt ở Ulyanovsk qua lời kể hóm hỉnh nhưng không kém phần truyền cảm của anh Lý.
Theo anh Lý, “nòng cốt” cộng đồng người Việt đang sinh sống tại thành phố này đều sang Nga vào những năm 1980 của thế kỷ trước và làm việc trong các nhà máy với nhiều ngành nghề khác nhau. Sau khi Liên Xô tan rã (năm 1991), hầu hết các nhà máy bị đóng cửa hoặc buộc phải cắt giảm công nhân nên người Việt phải ra ngoài bươn chải kiếm sống.
Không giấy tờ, không vốn liếng, bà con phải xoay xở đủ nghề để kiếm sống. Khi đó, hàng hóa khan hiếm, người Nga không đi chợ bán hàng, nên người Việt đã chớp lấy cơ hội này tỏa đi “đánh hàng” mang về bán. Từ buôn bán nhỏ lẻ, dần dần xuất hiện các chợ Việt Nam hoạt động quy củ.
Cộng đồng người Việt Nam cần cù, chịu khó, tuân thủ luật pháp nên được chính quyền địa phương rất ưu ái, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho bà con làm ăn, sinh sống. Khi đã ổn định, mọi người bắt đầu đưa người nhà sang làm ăn cùng. Từ đó, cộng đồng người Việt Nam ở Ulyanovsk dần trở nên đông đúc, đến nay không ít người thuộc thế hệ thứ hai, thậm chí thứ ba được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương Lenin.
Câu chuyện rôm rả giữa chúng tôi với anh tài xế “hay chuyện” bỗng chùng xuống khi xe đi vào địa phận thành phố. Thành phố Ulyanovsk nằm bên sông Volga êm đềm và thơ mộng, cách thủ đô Moscow khoảng 900km về phía Đông.
Mùa này, sông Volga đang khoác lên mình “bộ cánh” trắng muốt. Trên mặt sông, nhấp nhô từng nhóm người đang cặm cụi khoan băng để câu cá. Không ít người Việt Nam ở nơi đây cũng đã kịp học được thú tiêu khiển tao nhã này trong mùa Đông lạnh giá của nước Nga.
Ra đón và đưa chúng tôi đi thăm các khu chợ của người Việt Nam là 4 thanh niên trong Ban chấp hành Hội người Việt Nam Đoàn kết tỉnh Ulyanovsk. Mặc dù tuổi đời trung bình chỉ khoảng 30, song họ đã được các “bô lão” giao cho những trọng trách quan trọng trong Hội. “Tre già măng mọc” âu cũng là quy luật tự nhiên.
Chợ Vesevoi (Chợ quần áo), nơi có khoảng 200 hộ gia đình người Việt Nam kinh doanh, buôn bán, đang yên ắng trở nên sôi động hơn khi đoàn chúng tôi ghé thăm. Nhìn cảnh chợ đìu hiu, người bán đông hơn người mua cũng khiến chúng tôi chạnh lòng khẽ buông tiếng thở dài và tự hỏi. Tại sao trời lạnh thế này (âm 20 độ) không bán được hàng vẫn ra đứng chợ? Hầu hết các chợ ở Ulyanovsk, nơi có người Việt Nam kinh doanh, buôn bán đều chưa được nâng cấp nên nhiệt độ ngoài trời và trong chợ gần như bằng nhau.
Theo lời của bà con, vào tháng Một dương lịch, tình hình buôn bán “đuội” (không bán được hàng) phổ biến khắp các chợ trên liên bang Nga. Biết vậy, nhưng ngồi ở nhà thì nóng ruột, với phương châm “được đồng nào hay đồng đó” nên phần lớn không bỏ buổi chợ nào. Hơn nữa, trong những năm trở lại đây, nền kinh tế Nga gặp khó khăn do phải hứng chịu lệnh trừng phạt của phương Tây và đồng ruble mất giá mạnh ảnh hưởng không nhỏ tới công việc kinh doanh, buôn bán của cộng động người Việt Nam.
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hoa (quê Nghệ An) cho biết chị sang Nga vào năm 1988 và làm việc tại nhà máy dệt ở ngoại ô thành phố Ulyanovsk. Hơn hai năm sau nhà máy đóng cửa, chị quyết định ở lại, rồi lập gia đình và đến nay cậu con trai cả đã tốt nghiệp đại học, lấy vợ và cũng lập nghiệp tại thành phố này. Mấy năm nay, làm ăn khó khăn nhưng cả gia đình đều định cư bên này nên phải cố gắng bám trụ vì tương lai con em.
Hòa nhập sâu vào nước sở tại
Theo “lệnh” của anh Trịnh Văn Quế, Chủ tịch Hội người Việt Nam Đoàn kết tỉnh Ulyanovsk, sau khi đi thăm các chợ xong, chúng tôi quay về tập trung tại nhà anh Hải (quê Nghệ An) để ăn tối.
Quây quần bên mâm cơm đậm đà hương vị Việt Nam, sau vài tuần rượu chào hỏi, anh Quế bắt đầu trải lòng với chúng tôi về tình hình cuộc sống mưu sinh của bà con nơi đây. Theo anh Quế, hiện ở Ulyanovsk có khoảng 800 người Việt Nam đang học tập, làm ăn và sinh sống. 1/3 trong số đó đã có “pass đỏ” (hộ chiếu Nga) và nhiều gia đình đã tích góp mua được căn hộ.
Bà con chủ yếu buôn bán ở các chợ, tuy nhiên trong những năm trở lại đây một số người đã mạnh dạn thuê ki-ốt trong các trung tâm thương mại hiện đại để kinh doanh, thậm chí còn tự đứng ra mở siêu thị.
"Nhìn chung, ở Ulyanovsk không làm giàu nhanh được như ở các thành phố lớn, song cuộc sống bà con khá ổn định. Chính quyền địa phương, đặc biệt là thống đốc, luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho bà con làm ăn, sinh sống. Do vậy, chúng tôi luôn nhắc nhở nhau sống làm sao để không phụ tấm lòng người bản xứ”, nói đến đaay, khuôn mặt từng trải rám nắng của anh bỗng trở nên rạng rỡ và nở nụ cười đôn hậu khoe với chúng tôi: “Cộng đồng người Việt Nam ở chỗ chúng tôi, không những ngày càng hòa nhập sâu vào nước sở tại mà còn trở thành cầu nối vững chắc giữa tỉnh Ulyanovsk và tỉnh Nghệ An”.
Quê hương lãnh tụ Lenin và quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại kết nghĩa với nhau. Trong những năm gần đây, hai bên đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, lãnh đạo hai địa phương đã quyết định nâng cấp tượng đài Hồ Chí Minh tại Ulyanovsk.
Theo đó, Tượng đài Hồ Chí minh được xây dựng trên khuôn viên có diện tích hơn 2000 m2, nằm cạnh đại lộ mang tên Người. Mới đây, chính quyền thành phố Ulyanovsk cũng đã cấp một gian phòng khang trang, sạch đẹp tại ngôi Trường phổ thông số 76 làm nơi trưng bày các kỷ vật liên quan đến cuộc đời bình dị mà cao quý của Bác, đồng thời gấp rút hoàn thành các thủ tục đổi tên Trường phổ thống số 76 thành trường Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, nhằm đẩy mạnh giao lưu kinh tế, lãnh đạo hai tỉnh đang lên kế hoạch xây dựng trung tâm thương mại tại Ulyanovsk và Nghệ An…Tất cả mọi việc lớn nhỏ nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Ulyanovsk và Nghệ An đều được lãnh đạo hai tỉnh tin tưởng giao phó cho Hội người Việt Nam Đoàn kết tỉnh Ulyanovsk làm đầu mối liên lạc. Kể đến đây, anh bỗng ngừng lại và đề nghị mọi người nâng chén, rồi chuyển sang tiết mục văn nghệ chúc mừng Năm mới.
Nhìn vẻ đầy tự tin, lạc quan của ông Chủ tịch Hội, người đã có thâm niên làm ăn, sinh sống hơn 30 năm trên quê hương lãnh tụ Lenin và được bà con gọi bằng cái tên trìu mến “cụ Quế,” chúng tôi cảm thấy ấm lòng hơn giữa mùa Đông băng giá nước Nga.
Chúng tôi tin rằng, với bản chất cần cù, chịu khó và sáng tạo, cộng đồng người Việt Nam ở Ulyanovsk sẽ vượt qua được những khó khăn trước mắt và tiếp tục gặt hái được thành công trên con đường mưu sinh nơi xứ người. Và quê hương lãnh tụ Lenin mãi mãi là mảnh đất lành của cộng động người Việt.