📞

Mạnh tay trừng trị các băng nhóm xã hội đen bảo kê buôn lậu

20:00 | 09/03/2017
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu trong năm 2017 công cuộc đấu tranh chống buôn lậu phải mạnh mẽ hơn, phải mạnh tay trừng trị các băng nhóm xã hội đen đứng sau các ổ nhóm buôn lậu để bảo vệ sản xuất trong nước, chống thất thu ngân sách,...

Vẫn còn nể nang, né tránh trong xác định trách nhiệm

Phát biểu kết luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác chống buôn lậu, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình biểu dương những thành tích, kết quả của các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Cụ thể, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 223.262 vụ việc vi phạm (tăng 8,23% so với năm 2015), số thu nộp ngân sách Nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác truy thu thuế đạt 21.556 tỷ đồng (tăng 59,23% so với năm 2015), khởi tố 1.560 đối tượng với 1.863 đối tượng vi phạm.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo tại hội nghị.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cũng chỉ rõ, hiệu quả công tác này còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang diễn ra rất phức tạp về tính chất, quy mô hiện nay.

Nguyên nhân của tình trạng này là do các yếu tố khách quan như địa hình, cơ chế chính sách, phương tiện. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ các nhóm buôn lậu xuyên quốc gia, kẽ hở của pháp luật, đời sống của nhân dân còn khó khăn. Đối phó với nhóm buôn lậu rất khó khăn, đã có nhiều cán bộ chiến sỹ phải đổ máu nhưng cũng có một bộ phận nhỏ bị mua chuộc, câu móc mà vi phạm pháp luật, bảo kê cho buôn lậu.

“Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt. Có lúc, có nơi thiếu kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện, việc triển khai thực hiện, vì lợi ích vùng miền, chạy theo phong trào, nể nang, né tránh trong việc xác định trách nhiệm, việc xử lý trách nhiệm cán bộ còn bất cập, chưa chấp hành nghiêm chế độ báo cáo quy định”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Từ thực trạng đó, Phó Thủ tướng nêu ra những giải pháp cụ thể đối với công tác này. Đó là, trong năm 2017 công cuộc đấu tranh chống buôn lậu phải mạnh mẽ hơn, xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan để có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả trong thời gian tới. Cụ thể, phải mạnh tay trừng trị các băng nhóm xã hội đen đứng sau các ổ nhóm buôn lậu để bảo vệ sản xuất trong nước, chống thất thu ngân sách, chăm sóc sức khoẻ của nhân dân, không để thực phẩm bẩn, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, đưa chất cấm vào chăn nuôi...

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Các bộ, ngành, địa phương phải tập trung phân tích tình hình, những vấn đề nổi lên trong thời gian qua, đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, thực chất và bài bản. Phải xác định, chỉ rõ các địa bàn, mặt hàng trọng điểm, nhất là thuốc lá, xăng dầu, ô tô, đường cát, thuốc tân dược, thực phẩm tươi sống… từ đó nhận diện cho được phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, kể cả thủ đoạn chuyển giá để trốn thuế, các đối tượng chủ mưu cầm đầu, để có giải pháp ngăn chặn, triệt phá. Thực tế là những vi phạm thời gian qua mà chúng ta phát hiện được thì không bắt, xử lý được đối tượng chủ mưu, cầm đầu mặc dù có nhiều vụ rất lớn. Do đó, cần có giải pháp về trinh sát, làm rõ đối tượng cầm đầu, tập trung thông tin phục vụ đấu tranh làm rõ các đối tượng cầm đầu đường dây, ổ nhóm buôn lậu”.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra công vụ, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách, điều chuyển hoặc thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu. “Không thể nói đoàn xe của buôn lậu chở hàng chạy qua địa bàn mà lực lượng chức năng không ngăn chặn được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, tập trung nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển hàng hoá trái phép tại các địa bàn trọng điểm như biên giới phía Bắc, Tây Nam, cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, kết hợp với tăng cường công tác tuyên truyền đến nhân dân không vận chuyển, tiếp tay cho buôn lậu, cơ quan báo chí cần phản ánh trung thực, khách quan tình hình, biểu dương và khen thưởng kịp thời gương người tốt việc tốt, phê bình nghiêm khắc lãnh đạo địa phương để xảy ra tình trạng này.

Đề cập đến công tác tổ chức thực hiện, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu quán triệt và nghiêm túc thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật, sớm khắc phục các bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý, không để các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, xem xét các chính sách như tạm nhập, tái xuất với một số mặt hàng. Nghiên cứu, thúc đẩy xã hội hoá công tác chống buôn lậu thông qua các hoạt động hỗ trợ từ phía các hiệp hội, ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp để chống hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ…

Đối với các bộ, ngành, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các bộ, ngành thực hiện tốt các công việc được giao. Đặc biệt, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chú trọng hơn nữa đến công tác tham mưu, đề xuất sửa đổi hoàn thiện cơ chế, chính sách; tăng cường việc đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo; chủ động thu thập thông tin về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các lực lượng chức năng, nhất là các địa bàn trọng điểm, vụ việc nghiêm trọng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác này.

Ngành thuế chuyển cơ quan công an điều tra 3.261 vụ việc

Báo cáo tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết, trong năm 2016 toàn hệ thống thuế đã thanh tra 84.472 doanh nghiệp, tổng số tiền thuế truy thu, truy hoàn, phạt qua thanh tra 8.828 tỷ đồng, số thuế đã nộp vào ngân sách Nhà nước 5.885 tỷ đồng. Về kết quả kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, ngành thuế đã kiểm tra 76.941 doanh nghiệp, tổng số tiền truy thu, truy hoàn, phạt qua kiểm tra là 7.867 tỷ đồng, số thuế đã nộp 5.553 tỷ đồng. Kết quả kiểm tra tại cơ quan thuế, tổng số hồ sơ kiểm tra là 953.617 hồ sơ, xử lý thu vào ngân sách nhà nước hơn 467 tỷ đồng.

Việc thu hồi nợ đọng thuế của ngành thuế năm 2016 đạt 42.075 tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2015.

Năm 2016, ngành thuế cũng đã chuyển sang cơ quan công an 3.261 vụ việc. Cơ quan công an đã xử lý hình sự 23 vụ, kiến nghị thu hồi 1.159 tỷ đồng, số tiền đã thu hồi 4 tỷ đồng. Khởi tố điều tra 20 bị can có dấu hiệu vi phạm về thuế, trốn thuế, mua bán sử dụng hoá đơn bất hợp pháp. Số vụ chuyển lại cơ quan thuế xử lý hành chính là 324 vụ.

Theo đó, năm 2017, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế là tăng cường công tác thanh kiểm tra, tập trung kiểm tra chống gian lận thuế và kinh doanh thương mại điện tử (bán hàng qua mạng) nhằm công bằng trong kinh doanh đối với các loại hình khác.

Bên cạnh đó, thực hiện việc dán tem đồng hồ cồng tơ trên các cột xăng dầu để chống gian lận tại các địa phương. Hiện nay mới chỉ có 28/63 tỉnh thành thực hiện việc dán tem xăng dầu. Theo Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam, đây là việc tuy nhỏ nhưng có lợi lớn cho ngân sách và bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho hay, qua kiểm tra đã xử phạt 111 cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm và mỹ phẩm, có133 cơ sở vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. “Cứ đi kiểm tra là có vi phạm, đây là việc phải làm kiên trì, quyết liệt”, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nói.

Đề cập đến việc kinh doanh gian lận xăng dầu, đại diện Bộ KH&CN cho biết: Việc gian lận xăng dầu được các đối tượng sử dụng công nghệ cao như gắn chíp để gian lận, nên việc xử lý rất phức tạp.