Những hoạt động này đã góp phần giúp ông Macron khẳng định tư thế là nhà lãnh đạo của một trong những cường quốc trên thế giới, xua tan quan ngại rằng ông còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm chính trường.
Ngày 25/5, Tổng thống Macron đã có cuộc gặp với người đồng cấp Trump, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels, Bỉ. Cuộc gặp “tay đôi” này được trông đợi từ lâu, bởi Washington và Paris không đạt nhận thức chung về nhiều vấn đề quốc tế, tiêu biểu như thỏa thuận chống biến đổi khí hậu hay chính sách đối ngoại với Nga. Điều thú vị là tại buổi tiếp xúc, Tổng thống Mỹ dường như muốn thử sức nhà lãnh đạo trẻ bên kia bờ Đại Tây Dương qua cái bắt tay cực chặt như thường lệ. Thế nhưng, ông Macron tỏ ra “chống cự” được khi vẫn ngồi thẳng trên ghế với nụ cười điềm tĩnh.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại Brussels (Bỉ), ngày 25/5. (Nguồn: ABC News) |
Có thể thấy, cuộc gặp Macron - Trump không đơn thuần là buổi làm quen giữa hai “tân binh” mới bước vào chính trường thế giới, mà thực sự là trận so găng về quan điểm chính trị. Dù vậy, sau cuộc gặp này cũng như những ngày làm việc cùng nhau tại Hội nghị thượng đỉnh NATO (25/5) và Hội nghị thượng đỉnh G7 (26-27/5), ông Macron mô tả ông Trump là người “biết lắng nghe, có mong muốn làm việc”. Rõ ràng, dù còn nhiều bất đồng, quan hệ đồng minh Mỹ - Pháp vẫn là ưu tiên quan trọng trong chính sách đối ngoại của hai quốc gia, nhất là trong bối cảnh phương Tây đang đối mặt với nhiều thách thức.
Nếu như cuộc gặp Macron - Trump là nằm trong kế hoạch, cuộc tiếp xúc giữa ông Macron và người đồng cấp Putin tại Paris ngày 29/5 lại khiến dư luận hết sức bất ngờ. Trong bối cảnh quan hệ Moscow - Paris gặp nhiều trắc trở thời gian qua, động thái này được đánh giá là thái độ sẵn sàng đương đầu với khó khăn của nhà lãnh đạo trẻ.
Pháp và Nga đều hiểu rằng tình trạng đối đầu hiện nay chỉ gây hại cho hai bên. Là một người thực tế, ông Macron tin rằng phương Tây sẽ khó giải quyết nhiều vấn đề quốc tế như xung đột Ukraine, khủng hoảng Syria, chống khủng bố… nếu không nhờ đến sự phối hợp của Nga. Trong khi đó, bản thân ông Putin cũng muốn xích lại gần châu Âu, nhất là khi nỗ lực thúc đẩy quan hệ cá nhân giữa ông chủ Điện Kremlin và Tổng thống Mỹ Donald Trump không hề “xuôi chèo mát mái”.
Theo kế hoạch, sau bầu cử tại Quốc hội vào tháng 6, Tổng thống Pháp sẽ tiếp tục hành trình “marathon ngoại giao” của mình. Trong tháng 7, ông Macron sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nước thuộc khu vực Sahel (gồm Mauritani, Mali, Niger, Cộng hòa Chad, Burkina Faso) và Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức. Với phong cách thoải mái, tự tin trong những hoạt động vừa qua, ông Macron được kỳ vọng sẽ tiếp tục “tỏa sáng” trên sân khấu quốc tế trong thời gian tới.