📞

Marketing cần chuyên biệt

22:07 | 21/11/2009
Trả lời phỏng vấn của TG&VN nhân Gala Marketing to Marketer lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, ông Richard Moore, bậc thầy về xây dựng thương hiệu khẳng định, để mở rộng thị trường, doanh nghiệp cần phát triển sản phẩm và hình ảnh sao cho phù hợp và chuyên biệt hướng tới nền văn hóa mà họ tiến hành hoạt động marketing.
Sản phẩm Knorr - một thương hiệu của Đức được bầy bán ở các siêu thị tại Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn của TG&VN nhân Gala Marketing to Marketer lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, ông Richard Moore, bậc thầy về xây dựng thương hiệu khẳng định, để mở rộng thị trường, doanh nghiệp cần phát triển sản phẩm và hình ảnh sao cho phù hợp và chuyên biệt hướng tới nền văn hóa mà họ tiến hành hoạt động marketing.

Ông dự đoán thế nào về xu hướng marketing Việt Nam năm 2010?

 

Tôi cho rằng trong năm 2010, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung đều có những bước tăng trưởng về doanh thu, tính hiệu quả trong chiến lược marketing và hoạt động xây dựng thương hiệu. Họ cũng tăng khả năng xây dựng hình ảnh thương hiệu và các mối liên hệ một cách hiệu quả với các phân khúc khách hàng mục tiêu được xác định rõ ràng.

 

Tuy nhiên, để cạnh tranh với số lượng ngày càng nhiều thương hiệu nước ngoài đang thâm nhập thị trường, các doanh nghiệp Việt phải học hỏi những kỹ năng marketing thuần thục của đối thủ nước ngoài và có những điều chỉnh để áp dụng sao cho phù hợp với đặc trưng văn hóa Việt.

 

Vậy theo ông, các xu hướng của thế giới có ảnh hưởng thế nào đến các hoạt động marketing tại Việt Nam?

 

Có một xu hướng chung của quốc tế chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động marketing ở Việt Nam, đó là người tiêu dùng ngày càng nâng cao khả năng sàng lọc các hình thức marketing kiểu truyền thống. Công nghệ cũng giúp người tiêu dùng thực hiện việc này tốt hơn, chẳng hạn như những ứng dụng TV như Tivo giúp người xem sàng lọc phim quảng cáo, hay vô số chương trình phần mềm chặn quảng cáo trên Internet. Thêm vào đó, người tiêu dùng có quyền lựa chọn việc có muốn tiếp nhận các quảng cáo đó hay không. Do vậy, các dạng quảng cáo mang tính áp đặt theo kiểu truyền thống đang dần trở nên kém hiệu quả.

 

Một xu hướng nữa đang nổi lên là sự xuất hiện của các hoạt động “marketing có ý nghĩa” (marketing with meaning). Về cơ bản, đó là cách thức giao tiếp với người tiêu dùng thông qua các chương trình marketing mà có thể giúp gia tăng giá trị cuộc sống của người tiêu dùng chứ không đơn thuần là bán hàng cho họ. Minh họa cho xu hướng này là sáng kiến thương hiệu của Dove nhằm nâng cao sự tự hào của phụ nữ về vẻ đẹp của bản thân.

 

Các doanh nghiệp thuần Việt chưa có được các chiến dịch PR - marketing hiệu quả, ấn tượng và vươn ra thế giới. Theo ông, hạn chế lớn nhất của các doanh nghiệp Việt hiện nay là gì?

 

Một số sản phẩm mang thương hiệu Việt bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trên các quầy hàng tại nhiều nước. Tuy nhiên, các sản phẩm chủ yếu mang nét đặc trưng văn hóa riêng Việt Nam, do vậy sức hút bị hạn chế. Để hướng tới một sân chơi rộng lớn hơn, các doanh nghiệp cần phát triển sản phẩm và hình ảnh sao cho phù hợp và chuyên biệt hướng tới nền văn hóa mà họ tiến hành các hoạt động marketing cho sản phẩm.

 

Thương hiệu Knorr là ví dụ. Đây là sản phẩm bột nêm đóng gói tại thị trường Đức và cùng với sự tăng trưởng, Knorr cung cấp rất nhiều các loại thực phẩm đa dạng tại hơn 80 quốc gia. Nhưng hầu hết sản phẩm của Knorr bạn tìm thấy ở nước này không thể tìm thấy ở nước khác. Tại Việt Nam, Knorr cũng khá thành công khi tiếp thị sản phẩm nước mắm. Làm thế nào mà một thương hiệu có nguồn gốc xuất xứ tại Đức có thể thành công với một sản phẩm truyền thống và chuyên biệt như vậy tại Việt Nam? Dám chắc rằng họ đã tiến hành nghiên cứu rất kỹ lưỡng thị trường nơi đây và họ chăm chút cẩn thận không chỉ đối với công thức chế biến sản phẩm mà còn trong các hoạt động truyền thông marketing.

 

Nhưng các doanh nghiệp Việt thường có quy mô nhỏ, không thể đầu tư lớn vào hoạt động marketing?

 

Tất nhiên, khi không có nguồn tài chính khổng lồ như Unilever - tập đoàn sở hữu thương hiệu Knorr từ năm 2000, đương nhiên mọi việc không dễ dàng. Song nhiều thương hiệu trên thế giới cũng tìm được cách để thực hiện marketing thành công ở nước khác.

 

Phần lớn các doanh nghiệp bắt đầu với quy mô nhỏ và từng bước chú trọng việc tạo thành công cho một sản phẩm ở một quốc gia trước, sau đó dần tìm hiểu nhu cầu mở rộng thị trường đồng thời trau dồi các kỹ năng marketing. Dù chỉ khởi đầu khiêm tốn như vậy song nhiều thương hiệu đã phát triển thành những tên tuổi lớn của thế giới. Vì vậy, cũng không có lý do gì để các thương hiệu Việt không thể đạt được những thành công tương tự như vậy.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Dương Liễu(thực hiện)