Theo khảo sát do Hội đồng Tuyển sinh Sau Đại học (Graduate Management Admission Council), Mỹ, thực hiện vào tháng 01/2016, 96% nhà tuyển dụng cho rằng thuê những sinh viên chuyên ngành kinh doanh sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn cho công ty của họ.
Thực tế gần đây cho thấy việc săn lùng những người có chứng chỉ MBA (Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh) đang vấp phải sự chỉ trích khi những kiến thức giảng dạy của chương trình MBA không đáp ứng được những đòi hỏi của một thị trường đang thay đổi. Câu hỏi đặt ra là trong một môi trường kinh tế và chính trị khó khăn như hiện nay, phải chăng đã đến lúc các trường kinh doanh nên có sự thay đổi?
Những bất cập
Trong những năm 1900, các trường đại học ở Mỹ triển khai chương trình MBA nhằm hỗ trợ quá trình công nghiệp hóa tại đất nước này với mục đích chính là tăng cường tính hiệu quả cũng như sự linh hoạt của quy trình sản xuất.
Tuy nhiên, mọi thứ giờ đây đã thay đổi. Năm 2001, giáo sư Henry Mintzberg thuộc trường Đại học McGill có một tuyên bố nổi tiếng rằng những chương trình MBA đang ngày càng tỏ ra không còn phù hợp với các chương trình giảng dạy hiện tại. Năm 2010 và sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, ba học giả của trường kinh doanh Harvard là Srikant M. Datar, David A. Garvin và Patrick G. Cullen cho rằng có một số lỗ hổng trong chương trình giảng dạy MBA, chủ yếu trong các lĩnh vực như quản lý rủi ro, quản trị nội bộ, mối quan hệ giữa chính phủ và doanh nghiệp...
Biết mình biết người
Kỹ năng tự trang bị kiến thức được xem là chìa khóa mang tới thành công. Dư luận hiện nay có phản ứng trái chiều với những ý kiến cho rằng chương trình MBA tập trung quá mức vào kỹ năng lãnh đạo và phát triển cá nhân mà ít quan tâm đến cốt lõi của công tác quản trị doanh nghiệp. Thực tế từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cho thấy cần đưa nội dung này vào chương trình giảng dạy.
Tất cả những điều này đặc biệt quan trọng xét trong bối cảnh của các nền kinh tế đang nổi. Không thể chỉ dùng mỗi kỹ năng để giải quyết những thách thức kinh tế, chính trị mà những quốc gia đang phải đối mặt. Hơn nữa, những kỹ năng đó phải được vận dụng một cách sáng tạo, khéo léo và tùy hoàn cảnh.
Kinh nghiệm của Nam Phi
Giám đốc Trường Kinh doanh thuộc Đại học Cape Town, Nam Phi, đã chỉ ra: các trường kinh doanh của Nam Phi chưa đẩy mạnh việc bổ sung các kiến thức về kỹ năng quản lý và kỹ năng lãnh đạo để giúp đất nước vận hành một cách trơn tru và hiệu quả.
Hai tác giả Warren Bennis và James OToole đã có một số chia sẻ về các trường kinh doanh trên tờ Kinh doanh Harvard như sau: “Thật ra, kinh doanh là một nghề nghiệp, giống như y dược và luật, và các trường kinh doanh là những nơi đào tạo ra các nhà quản lý, các nhà kinh doanh…. Giống như những nghề khác, kinh doanh cần đến những môn học phụ trợ nền tảng mang tính học thuật. Đối với ngành y dược, những môn học đó bao gồm sinh học, hóa học, và tâm lý; đối với ngành kinh doanh, những môn học nền tảng bao gồm toán học, kinh tế, tâm lý, triết học và xã hội học”.
Rất nhiều ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp đều cho rằng mục đích chính của MBA là học cách vận hành công ty một cách hiệu quả. Tuy nhiên, chương trình này vẫn bộc lộ những khiếm khuyết.
Trong bài viết trên trang web Forbes.com, chuyên gia Steve Denning cho rằng: “Những trường kinh doanh cần trang bị cho học viên các kiến thức, kỹ năng cần thiết để trở thành nhà lãnh đạo của thế kỉ XXI. Họ phải thích ứng với một môi trường phức tạp và cạnh tranh cao độ, nơi mà sự sáng tạo và phản ứng nhanh đối với khách hàng và xã hội là yếu tố chính… Các trường kinh doanh nên cùng nhau soạn thảo các giáo trình và khóa học phản ánh quan điểm quản lý mới…”.
Không chỉ là kĩ năng
Ngoài các kỹ năng, người quản lý cần có các kiến thức và sự lanh lợi để điều hành công việc theo đúng mục đích, có trách nhiệm và đóng góp cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Hiệp hội các trường kinh doanh châu Phi đã thiết lập một hệ thống chứng nhận cho toàn lục địa được vận hành theo các tiêu chuẩn cấp phép của châu Âu và Mỹ. Thông qua quá trình này, Hiệp hội đang khuyến khích các trường tập trung vào các chương trình đào tạo phù hợp với bối cảnh của châu Phi.
Nhiều trường hiện đã bắt đầu điều chỉnh chương trình giảng dạy theo hướng gần hơn với thực tiễn. Ví dụ như các trường kinh doanh của Đại học Cape Town đã thay đổi chương trình MBA từ năm 2016 hướng trọng tâm tới các giá trị và kinh doanh toàn diện. Suy cho cùng, một trường đào tạo kinh doanh không nên đơn thuần chỉ là một trường đào tạo MBA.