Du lịch MICE mang lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi hậu Covid-19 như hiện nay. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Mang lại nguồn thu lớn
Những năm gần đây, du lịch MICE đã trở nên phổ biến ở Việt Nam. Nhiều tỉnh, thành phố đã được lựa chọn để tổ chức những sự kiện quốc tế như Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC 2017 (Đà Nẵng), Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN 2020 (Nha Trang)…
Mới đây nhất, tỉnh Thanh Hóa đón đoàn gần 2.000 khách từ Bắc Giang tham quan tỉnh trong 3 ngày 2 đêm, kết hợp sự kiện tổng kết, hội nghị, hội thảo.
MICE đã góp phần giúp Thanh Hóa tiếp tục đà phát triển du lịch khi chỉ mất 6 tháng để hoàn thành 74% chỉ tiêu đón 10 triệu lượt khách cả năm 2022.
Để tăng thêm sức hấp dẫn với MICE, ngoài việc chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, tỉnh cũng đã đưa ra hàng loạt chính sách ưu đãi như miễn phí, giảm giá vé tham quan, sử dụng các dịch vụ, tặng hoạt động trải nghiệm, chương trình biểu diễn...
Du lịch MICE còn bùng nổ với khách nước ngoài. Ngày 15/7, TP. Hồ Chí Minh đón đoàn khách 460 người từ Ấn Độ, một trong những đoàn MICE quốc tế quy mô nhất từ trước đến nay tới Việt Nam. Đoàn được đón tiếp tại sân bay và có lễ chào mừng riêng do thành phố tổ chức.
Chính sách MICE của TP. Hồ Chí Minh cũng hỗ trợ và khuyến thưởng đối với doanh nghiệp gồm: chương trình đón tiếp, chào mừng, tặng quà cho thành viên đoàn, hỗ trợ giảm giá vé các điểm tham quan.
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới, đến năm 2025, doanh thu từ du lịch MICE của thế giới sẽ đạt trên 1.400 tỷ USD, trong đó tập trung ở khu vực châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương.
Thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng cho thấy, doanh thu từ MICE mang lại giá trị cao hơn khoảng 4-6 lần các loại hình du lịch khác, nhờ tính chất đặc thù và các loại dịch vụ tiêu chuẩn mà MICE đòi hỏi.
Không chỉ thế, các đoàn khách MICE thường là các đối tượng cao cấp hơn so với các đoàn du lịch thông thường và số lượng khá đông. Vì vậy, du lịch MICE mang lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi hậu Covid-19 như hiện nay.
Theo giới chuyên gia, Việt Nam thừa hưởng dư địa tăng trưởng lớn của du lịch MICE khi sở hữu đường bờ biển dài, cảnh sắc thiên nhiên đẹp cùng cơ sở hạ tầng, giao thông phát triển và bản sắc văn hóa đặc trưng.
Cuộc khảo sát "State of Travel Insurance Report" năm 2022 cũng cho thấy, Việt Nam được bình chọn là một trong những điểm đến an toàn hàng đầu trong khu vực và trên thế giới. Đây chính là cơ hội cho các địa phương có lợi thế về danh thắng, bề dày lịch sử lâu đời, văn hoá đa dạng, khả năng đáp ứng được những tiêu chuẩn cao về cơ sở lưu trú, tiện ích và địa điểm tổ chức phát triển du lịch MICE.
Các địa phương có lợi thế về danh thắng, bề dày lịch sử lâu đời, khả năng đáp ứng được những tiêu chuẩn cao về cơ sở lưu trú, tiện ích và địa điểm tổ chức có thể phát triển du lịch MICE. (Nguồn: Vneconomy) |
Thời của du lịch MICE
Trong Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Tổng cục Du lịch xác định sẽ thu hút đầu tư, phát triển loại hình du lịch MICE, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch MICE Nguyễn Đức Anh cho rằng, sau giai đoạn dịch Covid-19, nhu cầu tổ chức các hội nghị, sự kiện tăng cao do các tổ chức, doanh nghiệp tăng cường các hoạt động tương tác, kết nối, trao đổi để giao thương và khen thường, động viên người lao động của đơn vị. Thực tế này tạo thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp, địa phương có thế mạnh du lịch MICE tăng tốc để sớm phục hồi.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình khẳng định, tiềm năng cho phát triển du lịch MICE ở Việt Nam còn rất lớn.
Phó tổng giám đốc Flamingo Holding Group, CEO Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho biết, thời điểm này, dù Covid-19 cơ bản được khống chế, nhưng tâm lý lo lắng vẫn còn, nên các hoạt động du lịch kết hợp công việc sẽ được chọn, thay vì du lịch thuần túy.
Ông Nguyễn Công Hoan nhấn mạnh: “Mặt khác, sau 2 năm dịch bệnh, nhiều hội nghị, hội thảo, sự kiện quốc tế bị hoãn đang được khởi động trở lại song hành với các kế hoạch kinh doanh, xúc tiến thương mại, chăm sóc khách hàng, ra mắt sản phẩm mới…. Đây là thời của MICE”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để kích thích du lịch MICE phát triển, trở thành đòn bẩy cho sự phục hồi, bứt phá của du lịch Việt Nam, đòi hỏi phải có sự đầu tư đồng bộ.
Phó tổng giám đốc Flamingo Holding Group cho hay, trên thực tế, việc khai thác và phát triển dòng sản phẩm MICE đang đối mặt với một số thách thức.
Thứ nhất, du lịch MICE cần được đầu tư bài bản, quy mô hơn. Việt Nam hiện có nhiều khách sạn 5 sao, nhưng số lượng phòng, công suất phòng họp còn hạn chế; không nhiều trung tâm hội nghị, triển lãm đáp ứng được yêu cầu tổ chức sự kiện cho các đoàn khách lớn, quy mô vài ngàn người.
Thứ hai, nguồn nhân lực phục vụ du lịch MICE còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng.
Thứ ba, công tác quảng bá du lịch MICE ra thị trường quốc tế còn yếu, nhỏ lẻ.
Vì vậy, muốn phát triển loại hình du lịch này, các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch phải có chiến lược đầu tư bài bản về hạ tầng, nâng cấp dịch vụ theo hướng thật chuyên nghiệp.
Ngoài ra, cần đặc biệt chú trọng nâng cao kỹ năng, trình độ nguồn nhân lực du lịch có khả năng đón tiếp, phục vụ khách, tổ chức sự kiện, cung ứng những dịch vụ, sản phẩm du lịch chất lượng, vừa an toàn, vừa hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu cao của du khách.