Cụ thể theo Microsoft, trong vụ tấn công SolarWinds, nhóm tin tặc đã đổi mã công ty để truy cập kho dự trữ thông tin khách hàng của công ty này, trong đó có 9 cơ quan liên bang Mỹ.
Vụ công ty SolarWinds bị tấn công mạng được coi là chưa từng có tiền lệ. (Nguồn: New York Times) |
Bộ An ninh nội địa Mỹ cho biết, với khách hàng của SolarWinds cũng như các công ty khác, tin tặc cũng lợi dụng điểm yếu trong cách thức định dạng các chương trình của Microsoft.
Sau này, Microsoft cho biết, nhóm tin tặc trên đã tạo tài khoản nhân viên riêng và dùng các chỉ dẫn phần mềm để quản lý cách Microsoft xác minh người dùng.
Vụ tấn công mạng SolarWinds được phát hiện vào tháng 12/2020 nhưng có thể đã bắt đầu được tiến hành từ tháng 3/2020. Với mục đích lan truyền chương trình độc hại tới hàng loạt công ty Mỹ và mạng nội bộ của các cơ quan chính phủ, tin tặc đã cài đặt cái gọi là "cửa hậu" vào phần mềm Orion phổ biến của SolarWinds Corp - công ty có trụ sở tại bang Texas.
Theo thời gian, phần mềm nhiễm độc đã giúp tin tặc tìm thấy đường vào máy chủ một số khách hàng của SolarWinds.
Ngoài ra, tin tặc còn cài đặt mã độc trong các bản cập nhật của phần mềm SolarWinds, khiến khoảng 18.000 khách hàng trở thành nạn nhân của mã độc này.
Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng (CISA) thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) xác nhận vụ tấn công trên ảnh hưởng đến mạng doanh nghiệp trên khắp chính quyền liên bang, bang và địa phương cũng như các cơ quan cơ sở hạ tầng quan trọng cùng các tổ chức khu vực tư nhân khác.
Cho đến nay, ít nhất 100 công ty và 9 cơ quan liên bang đã được xác định là nạn nhân của vụ tấn công này, trong đó có Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ An ninh Nội địa, Bộ Thương mại và Bộ Năng lượng của Mỹ.