📞

Miền Trung sau bão, lũ - Nguy cơ làng cổ chìm xuống biển

11:12 | 29/09/2011
Triều cường và gió bão số 4 làm sạt lở nặng trên 300m, sâu từ 10-20m khu vực bờ biển làng Thai Dương Hạ - ngôi làng vào loại cổ nhất miền Trung ở xã Hải Dương, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Biển cũng xâm thực nhiều vùng dân cư ở miền Trung. Đặc biệt, các hồ thủy lợi xuống cấp đang được gia cố khẩn cấp...
Lực lượng bộ đội, công nhân đang nỗ lực gia cố đập hồ Thọ Sơn (Thừa Thiên - Huế).

Biển ngoạm làng 400 tuổi

Bao đời nay, nhà ông Huỳnh Né (63 tuổi) ở thôn Thai Dương Hạ muốn ra biển phải đi cả cây số đường làng, trèo mỏi giò qua các động cát, rừng dương. Nhưng giờ, những đêm gió lộng ông lại thao thức vì sóng biển ì oạp muốn “nuốt” nhà mình...

Ngôi làng vào loại cổ xưa nhất miền Trung với lịch sử hình thành hơn 400 năm do ông Trương Quí Thiều (quê gốc Gia Miêu ngoại trang - Thanh Hóa) được chúa Nguyễn Hoàng chỉ định về Đại Trường Sa (vùng cát ven biển) khai khẩn đất đai lập làng. Sau đó, cửa biển Thuận An mở ra nên làng Thai Dương chia tách thành Thai Dương Hạ (trực thuộc xã Hải Dương, huyện Hương Trà) và làng Thai Dương sáp nhập thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang). Hai làng đều thờ ngài khai canh Trương Quí Thiều. Cứ 3 năm một lần (tam niên đáo lệ), vào ngày 12 tháng Giêng đúng dịp đầu Xuân, cư dân hai làng long trọng tổ chức lễ hội cầu ngư.

Chỉ tay về phía những con sóng bạc đầu dồn dập “ngoạm” từng mảng đất ven biển, tạo thành cái lõm hình chữ C khổng lồ, một phần làng Thai Dương Hạ còn lại trên lõm đất hình chữ C đó, ông Huỳnh Né, âu lo: Ngày 25 và 26/9 vừa qua, triều cường và gió bão số 4 giật mạnh gây sạt lở nặng hơn 300m, sâu từ 10-20m tiến vào khu dân cư. Một cửa biển mới thông vào phá Tam Giang sắp vỡ toang đe dọa trực tiếp tính mạng và tài sản hàng ngàn con người. Nguyện vọng bà con là xin được di dời đến nơi ở mới sớm lúc nào hay lúc đó.

Trước đó, trận đại hồng thủy năm 1999 đi qua đã mở ra một cửa biển mới ở thôn này, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đầu tư một hệ thống đê chắn sóng với kinh phí hàng trăm tỷ đồng nhưng mùa mưa bão đến, đất làng mé bờ biển cứ vậy mà bị sóng đánh lở dần từng mảng, lần lượt trôi xuống biển. Miếu Phần Dừa và giếng làng Thai Dương Hạ nằm cạnh cây dừa cổ thụ giữa làng nay chỉ còn dấu tích một phần đáy giếng và gốc dừa bật tung trơ gốc.

Ông Phan Thanh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: Đây là khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng xâm thực bờ biển nên tỉnh sẽ tiếp tục triển khai dự án xây dựng hai tuyến bờ kè (phía bờ Bắc thuộc khu vực biển làng Thai Dương Hạ và phía bờ Nam thuộc khu vực bờ biển Thuận An). Nhưng dự án này đang gặp “eo” vì phải có nguồn kinh phí đến gần 20 tỷ đồng nên cần phải có sự trợ giúp từ Trung ương và các bộ, ngành.

Biển xâm thực Hội An

Một đoạn bờ biển dài hơn 2km từ khách sạn Golden Sand đến gần trạm cửa khẩu Biên phòng Cửa Đại (TP. Hội An) đã bị nước biển xâm thực làm sạt lở nghiêm trọng. Mấy ngày qua, để đảm bảo an toàn, khách sạn Golden Sand đã phải huy động hàng trăm nhân công tiến hành dùng bao cát chắn thành bờ kè mềm để giảm tác động của sóng biển.

Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP. Hội An (Quảng Nam) cho biết, nước biển xâm thực và phá hủy công trình kè chắn sóng Cửa Đại với thiệt hại ước khoảng 1 tỷ đồng. Nạn xâm thực của biển khoét sâu vào đất liền hơn 10m, đe dọa đến các công trình khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Cửa Đại như: Victoria, Golden Sand, IOC, Đông Dương… và có thể cuốn trôi đường du lịch ven biển, khu đô thị ven biển trong thời gian tới.

Mấy ngày qua TP. Hội An đã chỉ đạo các doanh nghiệp có công trình ven biển cùng với thành phố huy động hàng trăm người dân, công nhân, học sinh dùng bao cát tạo thành những bờ kè mềm giảm sóng tại những nơi xung yếu. Ngoài ra, TP. Hội An đã điều động phương tiện, máy đào, xe cẩu để thi công nhanh những điểm bị xâm thực nặng bằng vải địa và ụ bê tông chắn sóng.

“Để khắc phục nạn biển xâm thực 7km bờ biển Cửa Đại cần phải tốn rất nhiều tiền và thời gian để làm kè cứng và kè mềm. Để làm kè cho đoạn bờ biển dài 7km này phải tốn ít nhất 150 tỷ đồng, trong đó phần kè cứng chiếm 100 tỷ đồng” – ông Giảng cho biết.

Cứu hộ nhiều đập hồ thủy lợi

Đến sáng 28/9, việc gia cố đập chính Công trình hồ thủy lợi Thọ Sơn (xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) đã hoàn tất trước khi bão số 5 đổ bộ vào đất liền. Trước đó ở đập chính đang thi công bị mưa lũ làm rò rỉ hơn 10 điểm. Nếu để hồ đập Thọ Sơn xảy ra sự cố, hàng trăm hộ dân ở các xã Hương Chữ, Hương Xuân và thị trấn Tứ Hạ sẽ chìm trong lũ.

Ông Đỗ Văn Đính, Giám đốc Công ty TNHH NN một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi, đơn vị trực tiếp thi công hồ Thọ Sơn, cho biết: “Công trình hồ Thọ Sơn đang trong giai đoạn thi công phần đập. Mực nước hồ đạt cao trình +17,5m. Những ngày qua, gần 100 cán bộ, chiến sĩ tập trung mọi nỗ lực cho công tác gia cố, tôn cao đập chính. Các đơn vị đã huy động trên 8.000 bao tải cát và 2.000 tấm bạt, 50 rọ thép, 50m³ đá hộc và lực lượng công nhân, thiết bị gia cố, tôn cao đập chính hồ Thọ Sơn lên cao trình +18m. Đây là cao trình vừa đảm bảo điều tiết lũ vừa có khả năng dự trữ nước để tưới tiêu cho 252ha lúa và hoa màu trên địa bàn huyện Hương Trà”.

Do lượng mưa trên địa bàn trong 2 ngày (26 và 27/9) đạt gần 300mm, mực nước tại đập Quát (chứa khoảng 500.000m³, cung cấp nước tưới hơn 150ha của địa bàn xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh) dâng cao tràn qua bề mặt đập, hơn 50m thân đập bị sạt lở nghiêm trọng. Ngoài ra gần 100m trên mặt thân đê cũng bị sạt lở, nguy cơ sẽ bị vỡ bất cứ lúc nào.

Tối 27 và trong cả ngày 28/9, huyện Hương Sơn đã huy động khẩn cấp gần 500 người, gồm bộ đội, công an, dân quân, thanh niên, người dân và hàng ngàn bao tải cát, đá, phương tiện máy móc, bạt… kịp thời đến hiện trường cứu hộ đập, bảo vệ an toàn cho khoảng 1.700 hộ dân xã Sơn Giang cùng hàng trăm héc-ta lúa, hoa màu ở dưới đập.

Theo SGGP