Diễn đàn do Học viện Ngoại giao (DAV) và Viện Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) đồng chủ trì tổ chức, với sự tham gia của 18 chuyên gia, học giả uy tín trong và ngoài nước, trên 100 đại biểu đại diện các ban, bộ, ngành, địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu cùng đại diện các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
TS. Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao nhấn mạnh, chuyển đổi năng lượng là một trong những chủ đề quan trọng, thu hút sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế. (Ảnh: Trà My) |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao nhấn mạnh, chuyển đổi năng lượng là một trong những chủ đề quan trọng, thu hút sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và nhu cầu năng lượng tăng cao.
Theo TS. Phạm Lan Dung, quá trình chuyển đổi năng lượng không chỉ là sự thay đổi trong phương thức phát triển kinh tế, mà còn thể hiện một tư duy toàn diện hơn, hướng tới sự tăng trưởng kinh tế kết hợp với tính bền vững môi trường, công bằng xã hội và “đặt người dân vào vị trí trung tâm”. Chuyển đổi năng lượng đã trở thành yêu cầu cấp thiết đối với các nước tiểu vùng Mekong.
Ông Florian C. Feyerabend, đại diện thường trú Viện KAS tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Trà My) |
Chia sẻ các ý kiến của TS. Phạm Lan Dung, ông Florian C. Feyerabend, đại diện thường trú Viện KAS tại Việt Nam nhận định tiểu vùng Mekong sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú nhưng cũng rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh công nghiệp hóa nhanh chóng và nhu cầu năng lượng gia tăng, giải pháp năng lượng bền vững trở nên cấp thiết. Mặc dù có tiềm năng lớn với nguồn năng lượng phong phú, tiểu vùng Mekong cần tiếp tục có những giải pháp đổi mới và tăng cường hợp tác quốc tế để bảo đảm quá trình chuyển đổi diễn ra hiệu quả.
Các diễn giả tham gia phiên thảo luận trong khuôn khổ Diễn đàn. (Ảnh: Trà My) |
Trong buổi sáng, Diễn đàn đã tập trung thảo luận về bối cảnh địa chính trị và an ninh năng lượng của tiểu vùng sông Mekong. Các diễn giả chia sẻ các thách thức địa chính trị, kinh nghiệm thực tiễn, tiềm năng hợp tác và đề xuất các giải pháp bền vững như năng lượng mặt trời, điện gió…
Nội dung phát biểu và trao đổi tại Diễn đàn hứa hẹn sẽ đóng góp nhiều ý tưởng, giải pháp cho chiến lược phát triển năng lượng bền vững tại tiểu vùng Mekong.
Buổi chiều, Diễn đàn tiếp tục thảo luận về kinh nghiệm thực tiễn và vai trò của các đối tác, các bên liên quan trong quá trình chuyển đổi năng lượng tại tiểu vùng Mekong.
Các diễn giả tham gia Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Trà My) |