📞

Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” góp phần phát triển nông thôn mới

18:30 | 18/07/2012
Chiều ngày 18/07/2012, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Cục Trồng trọt), Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Báo Điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế tổ chức Hội nghị Cánh đồng mẫu lớn.

Là một trong những chuỗi sự kiện nằm trong Chương trình Cánh đồng vàng, chương trình nhằm tuyên truyền phổ biến có hiệu quả mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng năng suất, tập trung nhấn mạnh và tìm kiếm giải pháp không ngừng nâng cao năng suất tổng hợp các nhân tố trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

 

Mô hình cánh đồng mẫu lớn là cụ thể hoá chủ trương xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng tại Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 và Chỉ thị số 24/2003/CT-TTg về xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến, tiêu thụ.

 

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu nhấn mạnh, tuy nước ta đang có lợi thế về sản suất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa, hàng năm xuất khẩu khoảng 6-7 triệu tấn gạo trị giá xuất khẩu ước đạt trên 3 tỷ USD, nhưng ruộng đất còn rất manh mún, chi phí sản xuất còn quá cao, năng suất cây trồng, vật nuôi chưa cao, năng lực cạnh tranh trên thị trường còn yếu kể cả thị trường trong nước và thế giới, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều. Do vậy, trong sản xuất nông nghiệp đang rất cần những cách làm, những mô hình có nhiều đặc điểm nổi trội để khắc phục những yếu điểm của tình trạng sản xuất như hiện nay.

 

Bộ NN&PTNT chủ trương mở rộng phong trào xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” trên cả nước, không chỉ trên cây lúa mà các cây trồng khác. Bộ KHĐT cũng chủ trương khuyến khích chuyển dịch đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn nhằm không ngừng tạo ra hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn cho các sản phẩm nông sản và thực phẩm Việt Nam.

 

Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” hiện đã đưa vào thí điểm tại 7 tỉnh đã tăng lợi nhuận, năng suất, hiệu quả cao, nâng giá trị gia tăng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, vì vậy mô hình cần tiếp tục được nhân rộng. Đây cũng là một giải pháp quan trọng lâu đài góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

 

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, khó khăn đối với việc phát triển cánh đồng mẫu lớn là chưa có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu lúa gạo. Ông Quảng đề xuất cần ban hành văn bản, bắt buộc doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải xây dựng ít nhất một vùng nguyên liệu đảm bảo đủ lúa cung ứng cho từ 30-50% lượng gạo xuất khẩu trong năm theo hợp đồng, tiến tới đảm bảo đủ 50-80% lượng gạo xuất khẩu trong năm theo hợp đồng.

 

Chuyên gia GS. Võ Xuân Tòng cho rằng, Nghị quyết 26 của Hội nghị TW7 (Khóa X) là một cứu tinh cho nông dân trồng lúa. Những hợp phần của một hệ thống sản xuất nông nghiệp theo thị trường hội nhập đã được Nghị quyết 26 nêu lên gần như đầy đủ. Vấn đề quan trọng ở đây là lần này để Nghị quyết trở thành hiện thực một cách bền vững chúng ta phải mạnh dạn tổ chức lại hệ thống sản xuất nông nghiệp.

 

GS Tòng đề xuất, việc triển khai Nghị quyết 26 cần thiết nên kết hợp với Nghị quyết 5 (Khóa IX) để tập hợp nông dân trên cùng vùng quyhoạch sản xuất nguyên liệu nông sản theo chuỗi giá trị gia tăng bằng cách gắn liền với một nhóm công ty có cơ sở bảo quản, chế biến hàng hóa có thương hiệu và có đầu ra phân phối sản phẩm có thương hiệu đó.

 

Nông dân trong tổ hợp có thể thành lập hợp tác xã, tập đoàn trang trại, hoặc cụm sản xuất, chỉ chuyên trồng/sản xuất một giống cây/con theo đúng chuẩn VietGAP mà thị trường đòi hỏi.

 

“Toàn bộ tổ hợp nông dân và các công ty cung cấp vật tư đầu vào, và công ty chế biến tiêu thụ đầu ra sẽ hình thành một Công ty Cổ phần Nông nghiệp tại từng vùng quyhoạch”, GS. Tòng nhấn mạnh.

 

Diễn Tú