Mối quan hệ Việt Nam-Lào gắn bó, đoàn kết, được thể hiện từ trung ương đến địa phương. (Nguồn: Lao động) |
15 năm kết nghĩa, thắt chặt quan hệ
Tiếp nối mối quan hệ truyền thống đặc biệt Việt Nam-Lào, năm 2007, hai bản Ka Tiêng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) và bản A Via, Cụm bản La Cồ, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet (Lào) đã tổ chức lễ ký kết nghĩa với 12 nội dung ghi nhớ, 100% hộ gia đình đồng lòng tham gia.
Cùng với sự nhất trí của lãnh đạo cấp trên, việc kết nghĩa giữa hai bản còn phần nào thể hiện nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời, kết nghĩa đã giúp tăng cường và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đoàn kết giữa nhân dân hai bên biên giới, cùng giúp nhau phát triển kinh tế; bảo vệ môi trường, sinh thái; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh thôn bản vùng biên giới; xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Theo Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Đặng Trọng Vân, trải qua 15 năm kết nghĩa giữa hai bản Ka Tiêng (Việt Nam) và bản A Via (Lào) đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trong đó, kể từ khi kết nghĩa, nhân dân hai bản thường xuyên tổ chức tốt các hoạt động giao lưu nhân dân biên giới, thường xuyên thăm hỏi, tặng quà lẫn nhau; tổ chức tham quan, học tập mô hình phát triển kinh tế và danh lam thắng cảnh của hai bên... Qua đó, góp phần củng cố thêm tình hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân hai nước.
Định kỳ hàng quý trong năm, hai bên tổ chức giao ban, trao đổi tình hình; định kỳ 5 năm 1 lần tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện mô hình kết nghĩa bản - bản của hai địa phương.
Đặc biệt, thông qua hoạt động kết nghĩa, hai bên đã phối hợp tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho cư dân hai bản, với 50 đợt/2.020 lượt đồng bào về chủ quyền lãnh thổ, ý thức quốc gia, mốc quốc giới, chấp hành các quy định, pháp luật của mỗi nước; tuyên truyền về ý nghĩa của công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới. Các hoạt động còn phổ biến các kiến thức về nông nghiệp, phòng chống dịch bệnh… cho nhân dân hai bên biên giới. Ngoài ra, hai bên cũng đã tổ chức được trên 50 đợt với 780 lượt nhân dân tham gia cùng lực lượng chuyên trách của mỗi bên tuần tra bảo vệ đường biên, mốc quốc giới.
Nhờ thực hiện tốt các nội dung kết nghĩa, việc chống xuất nhập cảnh, xuất nhập biên, truyền đạo trái phép, xâm canh, xâm cư, buôn lậu, buôn bán hàng cấm qua biên giới, khai thác lâm, thổ sản trái phép, săn bắt thú rừng quý hiếm; không đốt nương rẫy ở khu vực vành đai biên giới; tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Covid-19... được nhân dân hai bản cam kết và chấp hành, thực hiện tốt. Không chỉ vậy, người dân hai nước còn cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị liên quan tội phạm buôn bán ma túy, chất nổ, chất cháy, tội phạm gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản công dân...
Nhân dân bản A Via (Lào) được nhân dân bản Ka Tiêng (Việt Nam) giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn cách phòng trừ dịch bệnh, kinh nghiệm làm ăn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ lưu thông sản phẩm trở thành hàng hóa trao đổi trên thị trường. Nhờ đó, tăng thêm thu nhập cho nhiều hộ gia đình dân bản, góp phần cải thiện đời sống nhân dân các thôn bản giáp biên.
Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Đặng Trọng Vân cho biết, để phát huy mối quan hệ đặc biệt đó, trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị và huyện Hướng Hoá luôn quan tâm đến công tác đối ngoại với các tỉnh, huyện của nước bạn Lào có chung đường biên giới. Định kỳ lãnh đạo hai huyện Hướng Hóa và Sê Pôn tổ chức thăm, làm việc, thông tin tình hình và giải quyết những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai bên biên giới giao lưu, trao đổi hàng hoá; phục vụ tốt chính sách phát triển kinh tế đối ngoại; nâng cao hiệu quả trong phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm; củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Lào.
Tại Hội nghị sơ kết 15 năm kết nghĩa cụm dân cư, diễn ra ngày 10/8, ông Bun Sung Say Nha Vong, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra, Chánh thanh tra huyện Sê Pôn chia sẻ, thông qua quy chế kết nghĩa bản - bản, cam kết của các hộ dân sống hai bên biên giới đã tạo điều kiện để người dân tự giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống và các vấn đề liên quan đến biên giới, từ đó, cùng trao đổi học tập kinh nghiệm, giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, tuyên truyền xóa bỏ các tập tục lạc hậu....
Hội nghị sơ kết 15 năm kết nghĩa cụm dân cư hai biên giới giữa bản Ka Tiêng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) với bản A Via, Cụm bản La Cồ, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet (Lào). |
Ba nhiệm vụ trọng tâm
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị tự hào nói, thông qua mô hình bản – bản kết nghĩa, nhân dân biên giới có điều kiện giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.
“Đây là vấn đề có tính chiến lược trong bảo vệ biên giới quốc gia”, ông Hà Sỹ Đồng khẳng định.
Về phía tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện tốt việc kết nghĩa với các bản của nước bạn Lào. Trong đó, tích cực trao đổi thông tin, hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tham gia bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và đường biên mốc giới của mỗi nước; xây dựng được nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong giúp nhau xóa đói giảm nghèo.
Hàng năm tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình và rút ra những kinh nghiệm trong công tác kết nghĩa bản - bản, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn.
Những kết quả đạt được trong suốt 15 năm qua của hai bản là đáng ghi nhận, tự hào, tuy nhiên đó chỉ mới là nền tảng, bước đầu trong quá trình cùng nhau xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa giàu mạnh.
Thời gian tới, tình hình còn nhiều diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch, tiếp tục kích động chống phá Đảng, Nhà nước mỗi bên, làm tổn hại mối quan hệ gắn bó anh em đặc biệt Việt - Lào. Đặc biệt là hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự tại khu vực biên giới, cửa khẩu… ông Đặng Trọng Vân mong muốn, hai địa phương Việt Nam-Lào tiếp tục thực hiện tốt một số việc nhằm thúc đẩy quan hệ hai bên.
Thứ nhất, thường xuyên phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và các văn bản pháp luật của Nhà nước của mỗi bên; nhất là Nghị định về đường biên giới và mốc quốc giới để nhân dân các bản nắm và chấp hành nghiêm túc.
Đặc biệt là tuyên truyền, vận động người dân hai bên, nhất là lớp trẻ hiểu được truyền thống văn hóa, mối quan hệ hữu nghị giữa 2 nước, mối quan hệ thân tộc giữa các bản làng dọc tuyến biên giới, qua đó xây đắp ý thức trách nhiệm cho thế hệ trẻ hôm nay trong bảo vệ, xây dựng tuyến biên giới bình yên, hữu nghị.
Thứ hai, tích cực trao đổi thông tin, hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tham gia bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và đường biên mốc giới của mỗi nước. Xây dựng được nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Hàng năm tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình và rút ra những kinh nghiệm trong công tác kết nghĩa bản - bản, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện ngày càng hiệu quả.
Cuối cùng, chủ động đấu tranh, kiên quyết ngăn chặn các thế lực thù địch kích động, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ tình đoàn kết anh em giữa hai bản nói riêng và đoàn kết Việt - Lào nói chung.