Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, chiều 22/10, tại Nhà Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội chiều 22/10. (Nguồn: quochoi.vn) |
Ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh Covid-19
Đánh giá về những kết quả đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Chính phủ đã thể chế hóa kịp thời chủ trương lớn của Trung ương về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tiếp tục giữ được đà tăng, đặc biệt phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, đạt 1,1 triệu người, chiếm 2,33% lực lượng lao động trong độ tuổi; năm 2020, tổng số tiền Ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện tăng 35% so với năm 2019.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, bên cạnh những kết quả đạt được thời gian qua, số người tham gia BHXH mặc dù có tăng nhưng số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN giảm, số tiền chậm đóng BHXH tiếp tục tăng so với năm 2019.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã chỉ ra nguyên nhân, hạn chế này là do số người hưởng BHXH một lần tiếp tục tăng ảnh hưởng không nhỏ khả năng phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trong năm 2020.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến tình trạng chậm đóng, tạm dừng đóng BHXH tăng cao. Nhận thức của một số người lao động và người sử dụng lao động trong việc tham gia BHXH vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ở các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020. |
Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN gặp nhiều hạn chế. BHTN chưa thực thực sự là công cụ quản lý thị trường lao động, việc hỗ trợ người lao động tiếp tục quay trở lại thị thường lao động sau khi bị mất việc làm chưa thực sự hiệu quả.
Từ những hạn chế nêu trên, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất với Quốc hội: Tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội tại Trung ương và địa phương, đặc biệt là vấn đề về phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; vấn đề về quản lý và sử dụng quỹ BHXH.
Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội theo định hướng cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về mở rộng đối tượng tham gia tiến tới thực hiện BHXH toàn dân; hoàn thiện các quy định về đóng - hưởng BHXH; nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ; chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH; sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 92 Luật Bảo hiểm xã hội về các hình thức đầu tư để phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng.
Trong khi chưa sửa Luật Bảo hiểm xã hội, cho phép Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội được quyết định đầu tư, gửi tiền tại các NHTM hoạt động tốt hoặc lành mạnh, ổn định theo danh sách do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp hằng năm.
Sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm theo định hướng cải cách chính sách BHTN tại Nghị quyết số 28-NQ/TW nhằm phát huy đầy đủ các chức năng của BHTN, bảo đảm BHTN thực sự là công cụ quản lý thị trường lao động.
Cần giải pháp đồng bộ, quyết liệt
Trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội có kiến nghị đối với Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và với Chính phủ.
Theo đó, đối với Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội cần tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.
Đối với Chính phủ: Chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách BHXH, có giải pháp hữu hiệu để hạn chế tối đa tình trạng không chấp hành hoặc chấp hành chưa đầy đủ pháp luật về BHXH, trong đó đặc biệt lưu ý việc thực hiện các kiến nghị của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để kịp thời thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, khắc phục các tồn tại hạn chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để phát triển lĩnh vực an sinh xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020. |
Có giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, đặc biệt là lao động ở khu vực phi chính thức, nhóm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; hạn chế hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Đối với các Bộ, ngành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần khẩn trương trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý tiền nợ BHXH, BHTN và bảo hiểm y tế tồn đọng kéo dài; ban hành văn bản hướng dẫn việc tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao theo hình thức tự nguyện.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu cung cầu lao động, liên thông dữ liệu BHXH, BHTN giữa các cơ quan liên quan.
Đối với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH; giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHTN chính xác, kịp thời, thuận tiện nhất cho người thụ hưởng.
Tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng BHXH; đẩy nhanh tiến độ thu hồi các khoản thanh toán chế độ không đúng quy định.
Bảo đảm gắn hiệu quả sử dụng chi phí quản lý với kết quả phát triển đối tượng. Tiếp tục thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
| Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV: Cần thiết phải sửa đổi Luật kinh doanh bảo hiểm Sáng 22/10, Quốc hội đã nghe Chính phủ trình dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trong phiên toàn thể tại Hội trường. |
| Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hải Phòng ... |