Nhỏ Bình thường Lớn

Mở rộng tầm ảnh hưởng, Nhật Bản tiếp tục củng cố chính sách ngoại giao châu Phi qua một minh chứng tiêu biểu

Việc tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng TICAD là thông điệp mạnh mẽ về cam kết đồng hành với châu Phi - khu vực đang thu hút sự chú ý của nhiều cường quốc hiện nay.
Mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi
Bà Kamikawa Yoko, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản sẽ đồng chủ trì các phiên họp chung với ngoại trưởng các nước châu Phi. (Nguồn: AFP)

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản với các nước châu Phi diễn ra tại Tokyo từ 24-25/8. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Hội nghị sẽ tập trung trao đổi các nội dung trọng tâm để chuẩn bị cho Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi lần thứ chín (TICAD 9), diễn ra tại thành phố cảng Yokohama vào tháng 8/2025.

Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Kamikawa Yoko sẽ đồng chủ trì các phiên họp chung với ngoại trưởng các nước châu Phi nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và với các nước châu Phi - khu vực ngày càng trở nên quan trọng đối với Tokyo trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược ngày càng rõ nét.

Hội nghị sẽ bàn thảo các vấn đề đang được quan tâm của khu vực như giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học công nghệ... Tham dự Hội nghị, ngoài phái đoàn từ các nước châu Phi, còn có đại diện Liên hợp quốc, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng thế giới, Ủy ban Liên minh châu Phi cùng đại diện đến từ khu vực tư nhân.

TICAD do Nhật Bản khởi xướng từ năm 1993, nhằm thúc đẩy sự phát triển, hòa bình và an ninh của châu Phi, thông qua tăng cường hợp tác đa phương. Hơn ba thập kỷ, TICAD đã phát triển thành diễn đàn đa phương toàn cầu dưới sự dẫn dắt của Nhật Bản, huy động và duy trì hỗ trợ quốc tế cho châu lục.

Chính sách này không chỉ dựa trên lợi ích quốc gia của Tokyo mà còn các mục tiêu hỗ trợ nhân đạo, an ninh con người ở châu Phi, đặc biệt là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và phòng chống dịch bệnh - những chủ đề nhất quán kể từ TICAD lần đầu tiên được tổ chức tại Tokyo.

Giới nghiên cứu nhận định, TICAD là minh chứng tiêu biểu cho chính sách ngoại giao châu Phi của Nhật Bản kể từ năm 1993. Trải qua tám kỳ Hội nghị, sự gắn kết, vai trò và tầm ảnh hưởng của Nhật Bản với châu Phi ngày càng được củng cố, gia tăng và mở rộng. Tại TICAD 6 tổ chức tại Nairobi, Kenya tháng 8/2016 (lần đầu tiên được tổ chức bên ngoài Nhật Bản), Thủ tướng Abe Shinzo tuyên bố Nhật Bản “có trách nhiệm thúc đẩy sự hợp lưu của Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, châu Á và châu Phi trở thành nơi coi trọng tự do, pháp quyền và nền kinh tế thị trường, không bị cưỡng bức và giúp châu Phi trở nên thịnh vượng”.

Đến TICAD 8 tại Tunisia vào tháng 8/2022, Thủ tướng Kishida Fumio cho biết, Nhật Bản cam kết viện trợ 30 tỷ USD cho châu Phi trong giai đoạn 2022-2025, tập trung đầu tư đào tạo nguồn nhân lực và thúc đẩy tăng trưởng có chất lượng. Cam kết của Thủ tướng Kishida cho thấy quyết tâm duy trì, mở rộng hơn tầm ảnh hưởng của Nhật Bản tại khu vực.

Về động lực khiến Tokyo ngày càng quan tâm đến châu Phi, Bolade M. Eyinla, Giáo sư tại Đại học Ilorin ở Nigeria cho rằng, chính sách của Nhật Bản đối với TICAD cơ bản dựa trên lợi ích quốc gia. Theo Giáo sư Takahashi Motoki của Đại học Kyoto, quá trình thúc đẩy TICAD là một phần trong chính sách ngoại giao cân bằng của Nhật Bản trước sự hiện diện mạnh mẽ của Trung Quốc tại khu vực. Ông Motoki nhìn nhận trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, khối lượng xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Phi đã tăng đáng kinh ngạc, đến mức 1.000% từ năm 2003-2013, trong khi con số này của Nhật Bản chỉ tăng gấp ba. Trước thực tế đó, Tokyo hiểu rằng cần phải có cách tiếp cận mới đối với khu vực. Giáo sư Mitsugi Endo của Đại học Tokyo vào năm 2013 lưu ý: “Chúng ta phải xem châu Phi không chỉ là một lục địa để hỗ trợ mà còn là đối tác kinh doanh và khu vực để đầu tư”.

Các tổ chức khu vực công và tư nhân ở Nhật Bản đều đồng tình với quan điểm trên và sự thay đổi đã bắt đầu. Nhật Bản chuyển trọng tâm cam kết với châu Phi từ viện trợ sang tăng cường đầu tư, với sự tham gia của khu vực tư nhân. Thông qua các chương trình hợp tác trong khuôn khổ TICAD, Nhật Bản đào tạo hàng nghìn kỹ sư, doanh nhân và nhà giáo dục, giúp thúc đẩy năng suất lao động, hỗ trợ sản xuất lúa gạo và nâng cao chất lượng thực phẩm cho châu Phi. Nhiều người châu Phi gọi TICAD là một cơ chế kiểu mẫu cho hợp tác quốc tế và hợp tác an ninh.

Việc tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng TICAD để chuẩn bị kỹ lưỡng cho Thượng đỉnh TICAD 9 diễn ra trong năm 2025 là thông điệp mạnh mẽ về cam kết đồng hành với châu Phi - khu vực đang thu hút sự chú ý của nhiều cường quốc hiện nay.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi lần thứ 16: Giữ tầm ảnh hưởng

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi lần thứ 16: Giữ tầm ảnh hưởng

Không phải ngẫu nhiên mà Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Mỹ-châu Phi lần thứ 16 đang diễn ra tại Dallas, Texas, lại được dư ...

Vàng lậu từ châu Phi hướng đến Trung Đông

Vàng lậu từ châu Phi hướng đến Trung Đông

Báo cáo bổ sung của hãng thông tấn AFP chỉ ra Dubai là trung tâm buôn bán vàng châu Phi, đồng thời cho biết quan ...

SCO: Mở rộng không gian, gia tăng ảnh hưởng

SCO: Mở rộng không gian, gia tăng ảnh hưởng

Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra từ ngày 3-4/7 tại Astana (Kazakhstan) với chủ đề “Tăng cường đối ...

'Người khổng lồ' của Anh đề xuất 'miếng bánh ngon', Ai Cập mở rộng cửa chào đón

'Người khổng lồ' của Anh đề xuất 'miếng bánh ngon', Ai Cập mở rộng cửa chào đón

Ngày 2/8, Ai Cập cho biết, công ty Shard Capital của Anh đã đề xuất xây dựng một khu phức hợp hóa dầu tại khu ...

WHO kêu gọi các nhà sản xuất vaccine đậu mùa khỉ mở rộng quy mô

WHO kêu gọi các nhà sản xuất vaccine đậu mùa khỉ mở rộng quy mô

Người phát ngôn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Margaret Harris nhấn mạnh: "Chúng ta thực sự cần các nhà sản xuất mở ...