Ngành năng lượng tái tạo Việt Nam có rất nhiều không gian để phát triển. (Nguồn: Vneconomy) |
Bên cạnh tiềm năng lớn, sự “vào cuộc” của Chính phủ cũng giúp ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam thêm “nóng”. Năm 2023, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo với công suất của điện gió ngoài khơi lên mức 6.000MW và điện mặt trời áp mái lên 2.600MW vào năm 2030.
Báo cáo của Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) cũng cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng năng suất năng lượng tái tạo cao nhất Đông Nam Á, với tỷ trọng 4 năm gần nhất (từ năm 2019-2023) vượt 55,6% trong tổng cung năng lượng điện tại Việt Nam. Điều này chứng tỏ, ngành năng lượng tái tạo có rất nhiều không gian để phát triển và cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp cũng không hề nhỏ.
Hệ thống điện Mặt trời mái nhà như một ‘mũi tên trúng nhiều đích’. (Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp) |
Vũ Phong Energy Group là một trong những nhà đầu tư tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam từ năm 2009. Tập đoàn này đã hoàn thành và chuyển giao hơn 1.000 dự án trong cả lĩnh vực điện mặt trời áp mái cho doanh nghiệp, hộ gia đình và nhà máy điện mặt trời.
Hiện tại, điện Mặt trời mái nhà cho các doanh nghiệp sản xuất là lĩnh vực mà Vũ Phong Energy Group đẩy mạnh sản xuất. Thông qua phương án hợp tác mua bán điện Tập đoàn hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo để chuyển đổi sang sản xuất xanh và đạt được các mục tiêu giảm phát thải mà không cần đầu tư vào hệ thống.
Dự án điện gió tại đảo Phú Quý, Bình Thuận. (Nguồn: Báo Thanh Niên) |
Phó Tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group Phạm Đăng An cho hay: “Hệ thống điện Mặt trời mái nhà như một ‘mũi tên trúng nhiều đích’ vì không chỉ góp phần tiết giảm chi phí sản xuất mà còn giúp doanh nghiệp có chứng nhận về sử dụng năng lượng sạch. Trong tương lai, phân khúc điện Mặt trời mái nhà có tiềm năng phát triển rất lớn”.
Dẫn chứng từ Quy hoạch điện VIII, ông cho biết, mục tiêu của quy hoạch là đến năm 2030, 50% tòa nhà văn phòng và 50% các hộ gia đình sử dụng điện Mặt trời mái nhà tự tiêu. Vì vậy, các doanh nghiệp trong và ngoài nước có còn nhiều cơ hội để gia nhập thị trường, khai thác triệt để phân khúc điện Mặt trời mái nhà.
Mô phỏng một dự án điện gió ngoài khơi. (Nguồn: GWEC) |
Điện gió ngoài khơi cũng là lĩnh vực thu hút nhà đầu tư. “Hơn 3.000 km bờ biển của Việt Nam chính là ‘mỏ gió’ hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư”, ông Đặng Quốc Toản, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Asia Petroleum Energy Corporation chỉ rõ.
Quy hoạch điện VIII chỉ ra rằng, điện gió ngoài khơi được xác định là xương sống của ngành năng lượng tái tạo. Đây có thể coi là ngành năng lượng tương lai của Việt Nam.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Asia Petroleum Energy Corporation khẳng định: “Rất nhiều nhà đầu tư đã tìm đến Việt Nam, mở văn phòng và chỉ chờ cơ hội đầu tư. Ngành này sẽ bằng, hoặc có thể còn lớn hơn cả dầu khí”.
Việt Nam đã có những bước tiến đáng lưu ý trong nỗ lực chuyển đổi năng lượng. (Nguồn: Bộ Công Thương) |
Từ góc độ nhà đầu tư nước ngoài, ông Stuart Livesey, thành viên Ban điều hành và Đồng Chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nêu quan điểm, Việt Nam có những bước tiến đáng lưu ý trong nỗ lực chuyển đổi năng lượng.
Thời gian qua, sự hợp tác giữa Việt Nam và châu Âu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo rất mạnh mẽ. EuroCham đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước để đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng khung pháp lý hỗ trợ đầu tư. “Trái ngọt” trong sự hợp tác của hai bên phải kể đến Nghị định 80 về cơ chế mua điện trực tiếp (DPPA). Nghị định đã giúp các nhà đầu tư quốc tế tiếp cận thị trường năng lượng Việt Nam dễ dàng hơn.
Nghị định 80 về cơ chế mua điện trực tiếp (DPPA) đã giúp các nhà đầu tư quốc tế tiếp cận thị trường năng lượng Việt Nam dễ dàng hơn. (Nguồn: Shutterstock) |
Việt Nam đã có thời kỳ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Hành trình chuyển đổi năng lượng sẽ giúp Việt Nam giữ đà tăng trưởng mạnh, bền vững và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (NetZero) vào năm 2050.
Cơ hội, tiềm năng đã rõ, sự chung tay của Chính phủ, người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ giúp Việt Nam khai thác triệt để “mỏ vàng” năng lượng tái tạo.