Vaccine sản xuất bằng công nghệ mRNA dường như có hiệu quả chống lại biến thể kép gây Covid-19 ở Ấn Độ. (Nguồn: AP) |
Tại buổi họp báo, người phụ trách chiến lược vaccine của EMA Marco Cavaleri cho rằng, dữ liệu đánh giá của EMA liên quan đến hiệu quả của vaccine mRNA chống lại biến thể B.1.617 của SARS-CoV-2 là "đáng khích lệ".
Ông Cavaleri cũng lạc quan về hiệu quả của vaccine, cụ thể là vaccine của AstraZeneca/Oxford và Johnson & Jonhson, có khả năng bảo vệ chống lại biến thể này.
Ông cho biết, đang chờ dữ liệu bổ sung từ Ấn Độ, nơi một phiên bản vaccine của AstraZeneca đang được sử dụng.
Ông Cavaleri khẳng định: “Cho đến nay, về tổng thể, chúng tôi khá tự tin rằng vaccine sẽ có hiệu quả chống lại biến thể này".
4 loại vaccine được cấp phép sử dụng tại Liên minh châu Âu (EU) hiện nay là của Pfizer/BioNTech và Moderna - vốn sử dụng công nghệ mRNA, cũng như vaccine của AstraZeneca và Johnson & Johnson, sử dụng công nghệ "vector virus".
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể B.1.617, xuất hiện lần đầu ở Ấn Độ vào tháng 10/2020, đã được phát hiện tại 44 quốc gia và vừa được WHO xếp vào danh sách biến thể "đáng lo ngại" cấp toàn cầu khi virus lây lan nhanh hơn và tăng khả năng kháng cự với kháng thể và vaccine.
3 biến thể khác phát hiện lần đầu ở Anh (B.1.1.7), Brazil (P.1) và Nam Phi (B.1.351) được coi là nguy hiểm hơn phiên bản gốc của SARS-CoV-2 vì chúng dễ lây lan hơn, gây chết người hoặc kháng một số loại vaccine nhất định.