📞

Mối thâm tình Việt Nam - Nhật Bản

18:10 | 18/01/2017
Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, với trọng tâm là hoạt động giao lưu thường xuyên giữa lãnh đạo hai nước. Và chuyến thăm chính thức Việt Nam vừa qua của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là một trong số đó.

Sau 4 năm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe quay trở lại Việt Nam và bày tỏ rằng ông nhận thấy trong những năm qua Việt Nam đã đạt được nhiều phát triển vượt bậc trong mọi lĩnh vực. Và đằng sau những bước phát triển đó là bóng dáng của sự hợp tác và hỗ trợ không ngừng của xứ sở mặt trời mọc.

Sự tin cậy về chính trị

Trong các cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ xúc động khi thăm lại Việt Nam sau 4 năm; khẳng định Nhật Bản ủng hộ sự phát triển vững mạnh của đất nước Việt Nam, coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam.

Về phần mình, các nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam cũng đã nhiệt liệt chào mừng Ngài Thủ tướng Abe, lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên thăm Việt Nam trong năm 2017; khẳng định lại chính sách nhất quán coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài của Việt Nam.

Lãnh đạo hai bên đã trao đổi ý kiến sâu rộng về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản và bày tỏ vui mừng về sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của quan hệ giữa hai nước thời gian qua.

Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam lần thứ ba của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ sâu sắc trên mọi mặt giữa hai nước. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Hai bên cũng đã đạt nhất trí cao về những phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường sự tin cậy về chính trị thông qua việc duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, tăng cường hiệu quả các cơ chế đối thoại; khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ để chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản vào mùa Xuân tới đây thành công tốt đẹp.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Abe tỏ mong muốn sớm được đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Nhật Bản vào mùa Hè năm 2017 và sẽ tham dự Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng vào mùa Thu năm nay.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác thực chất về an ninh-quốc phòng, trong đó có lĩnh vực rà phá bom mìn và nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe . (Nguồn: Vietnam+)

Thắt chặt mối liên kết kinh tế

Nhắc đến Nhật Bản, chắc chắn nhiều người dân Việt Nam sẽ nghĩ ngay đến hàng loạt công trình được xây dựng bằng nguồn vốn ODA như cầu Nhật Tân, Nhà ga T2 Sân bay Quốc tế Nội Bài, Đại hoc Việt Nhật...

Tiếp tục sự hỗ trợ tích cực đó, trong chuyến thăm vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản đã mang theo một đoàn doanh nghiệp hùng hậu với tổng cộng 76 doanh nghiệp tạo ra cội rễ của các ngành nghề như ngành xây dựng, kỹ thuật, vận chuyển hàng hóa, thương mại,... Nhân chuyến thăm, hai nước đã lần đầu tiên tổ chức tọa đàm giữa lãnh đạo địa phương Việt Nam và lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản. Sự kiện này đã mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy hơn nữa quan hệ đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.

Cầu Nhật Tân xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản. (nguồn: Laodong)

Nhân chuyến thăm, Thủ tướng Abe khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội thông qua nguồn vốn ODA cũng như thúc đẩy hợp tác các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao, cam kết cung cấp thêm khoản ODA vốn vay trong năm tài khóa 2016 cho Việt Nam trị giá khoảng 123 tỷ Yen (tương đương 1,05 tỷ USD) trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, ứng phó với biến đổi khí hậu, thoát nước và xử lý nước thải; Nhật Bản sẵn sàng thúc đẩy các hoạt động ứng dụng công nghệ cao, đầu tư trong các hình thức huy động vốn của các doanh nghiệp Nhà nước, đào tạo cán bộ, tạo điều kiện để người Việt Nam du lịch Nhật Bản, thúc đẩy giao lưu văn hóa.

Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí triển khai Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt-Nhật đến năm 2020 tầm nhìn 2030 cũng như sáng kiến chung Nhật-Việt giai đoạn 6 nhằm cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam; tiếp tục triển khai các dự án lớn về cơ sở hạ tầng hai nước như đường bộ cao tốc Bắc-Nam.

Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác Việt-Nhật trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác địa phương và tăng số lượng và lĩnh vực tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản. Thủ tướng Abe đã tuyên bố Nhật Bản cấp phép nhập khẩu thanh long ruột đỏ của Việt Nam và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thông báo Việt Nam cấp phép nhập khẩu quả lê của Nhật Bản.

Đặc biệt, hai bên cùng bày tỏ mong muốn Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thực thi trong thời gian sớm nhất và cam kết nỗ lực để duy trì văn kiện này. Thủ tướng Abe nhấn mạnh Nhật Bản và Việt Nam cần phải nỗ lực để xây dựng một thị trường tự do công bằng trên cơ sở các quy định chung.

Nhân chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe đã chứng kiến lễ trao đổi 6 văn kiện ký kết giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước. Sự hợp tác kinh tế tích cực giữa hai nước cũng được báo giới Nhật Bản đánh giá cao và bình luận rằng: "Với tư cách là quốc gia viện trợ lớn nhất cho Việt Nam, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai và là một trong những đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam, Nhật Bản đang ngày càng trở thành một đồng minh quan trọng của Việt Nam".

“Cùng chia sẻ vùng biển rộng mở”

Chuyến công du 4 nước bao gồm cả Philippines, Indonesia và Australia của Thủ tướng Nhật Bản được xem là chuyến đi nhằm thắt chặt hợp tác an ninh trên biển. Điều này thể hiện rõ trong bài phát biểu của Thủ tướng Abe tại buổi họp báo ngày 16/1: “Các quốc gia trong chuyến đi lần này đều là các nước láng giềng quan trọng cùng chia sẻ vùng biển rộng mở có tên là Thái Bình Dương và cùng chia sẻ các giá trị cơ bản với Nhật Bản”.

Theo ông Abe, nguyên tắc an ninh, an toàn, tự do hàng hải có vai trò cực kỳ quan trọng. Để thực hiện được nguyên tắc đó, việc thượng tôn pháp luật sẽ phải được quán triệt một cách đầy đủ.

Qua các cuộc tiếp xúc, các nhà lãnh đạo Việt Nam – Nhật Bản đều nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, các bên liên quan không có những hành động gây căng thẳng và quân sự hóa dẫn đến thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về luật biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại buổi họp báo ngày 16/1. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Nhân chuyến thăm, Nhật Bản đã quyết định cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra mới, đồng thời tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam; cụ thể hóa các hoạt động hợp tác của các cơ quan chấp pháp trên biển của hai nước…

Chuyến công du Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã trở thành chủ đề nổi bật trên truyền thông Việt Nam và Nhật Bản trong hai ngày 16-17/1. Qua đó cho thấy mối quan hệ Việt – Nhật đang phát triển ngày càng mạnh mẽ, toàn diện và thực chất. Chuyến thăm thể hiện sự coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng hai nước, đồng thời khẳng định vai trò đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài của Việt Nam trong chính sách của Nhật Bản.

Lựa chọn Việt Nam là một trong những điểm dừng chân đầu tiên trong năm nay. Còn nhớ, Việt  Nam đã từng điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi ông Abe nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản hồi tháng 1/2013. Những điều đó cho thấy tình cảm và niềm tin sâu sắc với Việt Nam của cá nhân ông Abe nói riêng và của Nhật Bản nói chung.

Với ý nghĩa đó, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Abe đã viết thêm một trang đẹp trong quan hệ hai nước, góp phần vào sự phồn vinh và thịnh vượng của khu vực.