Hội chứng tự kỷ không phải là bệnh như nhiều người vẫn quan niệm. Quan niệm sai lầm này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến TTK mà còn đến gia đình các em và cả xã hội. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức về Hội chứng tự kỷ là rất cần thiết.
Trường Mầm non Tân Mai là một trong những trường giúp đỡ nhiều TTK. (Ảnh: MH). |
“Mối tơ vò”
Theo công bố của Trung tâm phòng chống dịch bệnh của Mỹ (CDC), cứ 88 trẻ thì có một trẻ bị tự kỷ. Tỷ lệ bé trai mắc chứng tự kỷ cao gấp năm lần so với bé gái. Số trẻ được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ cao hơn so với tổng số trẻ bệnh ung thư, tiểu đường và HIV/AIDS cộng lại.
Các nghiên cứu chuyên môn về hội chứng này khẳng định, giai đoạn mầm non là giai đoạn giáo dục quan trọng nhất để phát triển kỹ năng giao tiếp cho TTK, bởi ngôn ngữ và môi trường giao tiếp là công cụ quan trọng để TTK điều chỉnh các hành vi lệch chuẩn của mình.
Tuy nhiên, thực trạng ở Việt Nam là nhận thức của xã hội và gia đình về vấn đề này chưa chuẩn, dẫn đến nhiều TTK chưa được quan tâm, chăm sóc đúng mức. Ở một số trường lớp, việc phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh chưa hiệu quả.
Trao đổi với TG&VN, bà Tạ Thị Kim Hòa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Mai (Hà Nội) cho biết: “Chủ trương mới đây của Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường mầm non tạo điều kiện cho TTK hòa nhập môi trường bình thường là rất đúng đắn. Tuy nhiên, hiện tồn tại một thực tế là có không ít phụ huynh giấu giếm tình trạng của con khi đi xin học vì sợ bị phân biệt đối xử, hoặc thậm chí đến tuổi mẫu giáo cũng không biết con mình bị tự kỷ. Vì vậy, trước khi nhận học sinh, các trường cần có những bài kiểm tra để chủ động trong việc giáo dục cũng như phối hợp với các phụ huynh có TTK tốt hơn…”.
Chị Bùi Kim Thy - một phụ huynh có con tự kỷ bộc bạch: “Chi phí dạy dỗ vào giáo dục hòa nhập cho một TTK rất tốn kém. Mỗi tháng, tôi phải chi trả đến gần 10 triệu cho việc giáo dục hòa nhập tại các trung tâm tư nhân. Với mức lương trung bình hiện nay, rất ít người có điều kiện như vậy. Phụ huynh đôi khi cũng không muốn giấu giếm nhưng họ khó xin cho con vào trường nếu nói thật”.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Trên thế giới, đã có nhiều nghiên cứu và các mô hình giáo dục cho TTK, hỗ trợ gia đình có TTK hòa nhập cộng đồng như ở Anh, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia… Đơn cử, một số bang ở Australia như Melbourne, Victoria… đã thành lập các hiệp hội hỗ trợ những gia đình có TTK. Tại đây, Chính phủ cấp kinh phí và những dịch vụ thích hợp để đánh giá chính xác về mức độ tự kỷ của trẻ. Chính phủ Australia cũng hỗ trợ thành lập những trung tâm can thiệp sớm với chương trình dựa vào những nguyên tắc giáo dục và hành vi tốt nhất cho trẻ từ 3 đến 6 tuổi. Các bang của “xứ sở chuột túi” có những ngôi trường và lớp học đặc biệt dành cho trẻ tự kỷ với những giáo viên có nhiều kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, thực hiện chương trình học phù hợp với nhu cầu đặc biệt của trẻ từ 6 đến 18 tuổi…
Tại Việt Nam, đã có những quan tâm và nghiên cứu nhất định đến vấn đề giáo dục TTK giai đoạn mầm non, tuy nhiên vẫn chưa thực cụ thể nên những đề án thực hiện ở các trường mầm non còn chưa đồng bộ.
Dù vậy, khi nói đến giải pháp giúp đỡ TTK, có thể đề cập đến kết quả nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Thanh (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) về kỹ năng giao tiếp trong độ tuổi mầm non. Theo đó, nghiên cứu chỉ ra rằng: trong thời kỳ mẫu giáo, điều quan trọng là cần phải tạo ra môi trường hòa nhập, giúp TTK phát triển kỹ năng giao tiếp.
“Nhà trường nên động viên, hỗ trợ giáo viên các lớp có TTK và sắp xếp sĩ số lớp này ít hơn so với lớp thông thường. Mỗi lớp chỉ nên có một đến hai TTK. Chính vì vậy, Bộ Giáo dục & Đào tạo nên tổ chức lớp tập huấn để trang bị kiến thức kỹ năng, phương pháp chăm sóc và giáo dục TTK cho giáo viên dạy hòa nhập, tạo môi trường thuận lợi cho TTK phát triển, bởi các em rất cần môi trường hòa nhập, tình thân ái của gia đình, nhà trường và xã hội nhất là giai đoạn mầm non”, TS. Thanh khẳng định.
Theo công bố của Trung tâm phòng chống dịch bệnh của Mỹ (CDC), cứ 88 trẻ thì có một trẻ bị tự kỷ. Tỷ lệ bé trai mắc chứng tự kỷ cao gấp năm lần so với bé gái. Số trẻ được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ cao hơn so với tổng số trẻ bệnh ung thư, tiểu đường và HIV/AIDS cộng lại. |