📞

Môn Hoa Kỳ học - 'Chắp cánh' những sứ giả tương lai

Phương Hà 14:15 | 26/08/2021
Chia sẻ với TG&VN về công tác giảng dạy chuyên ngành Hoa Kỳ học tại Học viện Ngoại giao (DAV), Đại sứ, GS.TS Nguyễn Thái Yên Hương cho rằng đây là lĩnh vực mà DAV hoàn toàn có “lợi thế so sánh”.
Đại sứ, GS.TS Nguyễn Thái Yên Hương gắn bó với công tác giảng dạy Hoa Kỳ từ năm 1998. (Ảnh: NVCC)

Hoa Kỳ học là một trong những môn chuyên ngành truyền thống của DAV, Đại sứ có thể chia sẻ rõ hơn về “đặc sản” này của Học viện?

Từ năm 1998, sau khi đi học ở nước ngoài về, tôi bắt đầu tham gia giảng dạy môn Hoa Kỳ học tại DAV, cho đến nay khi đã là Giáo sư, tôi vẫn tiếp tục công tác giảng dạy môn này. Hoa Kỳ học được giảng dạy theo chương trình khu vực tự chọn ở hệ đào tạo cử nhân.

Giảng dạy Hoa Kỳ được manh nha và phát triển theo xu thế từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995. Là một nhà nghiên cứu chuyên sâu về Hoa Kỳ, tôi cho rằng nghiên cứu của Việt Nam về Hoa Kỳ chia theo giai đoạn, song song với chiều dài của lịch sử quan hệ song phương.

Trước khi bình thường hóa quan hệ, việc nghiên cứu Hoa Kỳ tập trung vào nghiên cứu cục diện 2 đầu chiến tuyến nhưng sau năm 1995, nhu cầu thấu hiểu đất nước và con người Hoa Kỳ gia tăng, đặc biệt khi quan hệ 2 nước ngày càng phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Giảng dạy Hoa Kỳ, vì vậy, cũng không chỉ tập trung trong lĩnh vực an ninh - chính trị, kinh tế mà còn nhấn mạnh ở các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, giáo dục…

Trước khi tôi sang Hoa Kỳ du học năm 1992, lãnh đạo thời điểm đó của tôi, bác Bùi Xuân Ninh (ông từng làm Cố vấn cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng) có dặn một câu rằng: “Cháu sang đó học tập, làm sao cố gắng hiểu con người và đất nước Hoa Kỳ gần như người bản xứ”.

Lời căn dặn đó đã trở thành một động lực thôi thúc tôi học tập và tìm hiểu về Hoa Kỳ trong suốt những năm tháng học tập và sinh sống ở đó đến mãi sau này, khi trở về Việt Nam tiếp tục các giai đoạn nghiên cứu và đứng trên bục giảng chia sẻ về Hoa Kỳ.

Tôi không dám chắc giảng dạy Hoa Kỳ có phải là “đặc sản” của DAV hay không, bởi lẽ từ sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao, việc giảng dạy Hoa Kỳ gần như trở thành một trào lưu.

Tuy vậy, việc giảng dạy Hoa Kỳ ở DAV có những bản sắc riêng. Đây là môn khu vực tự chọn và tỷ lệ chọn Hoa Kỳ học ngày càng cao. Đội ngũ giảng viên giảng dạy môn Hoa Kỳ rất “mạnh” và giàu kinh nghiệm, bao gồm các cán bộ nghiên cứu chuyên sâu ở Vụ châu Mỹ, Bộ Ngoại giao; cán bộ Viện Nghiên cứu chiến lược, DAV; những cán bộ nhiệm kỳ...

Chúng tôi tự hào gọi đó là những “lợi thế so sánh” trong giảng dạy Hoa Kỳ tại DAV.

Thưa Đại sứ, giảng dạy Hoa Kỳ học hiện nay có những đổi mới như thế nào, phía Hoa Kỳ đã và đang có những hỗ trợ gì cho DAV trong lĩnh vực này?

Giảng dạy và nghiên cứu Hoa Kỳ trong DAV luôn được đổi mới, cập nhật kiến thức theo tình hình thực tế. Gần đây, DAV đã phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức các buổi nói chuyện với sinh viên.

Đại sứ Daniel J. Kritenbrink từng tới DAV nói chuyện với sinh viên về “Xây dựng mối quan hệ đối tác Hoa Kỳ - Việt Nam vững mạnh trong một thế giới biến động”.

Năm ngoái, trong chuyên đề chính trị của môn học, chúng tôi đã mời được Tham tán Chính trị Đại sứ quán tới chia sẻ về chính sách của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như hệ thống chính trị Hoa Kỳ.

Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien nói chuyện với sinh viên Học viện Ngoại giao tại Nhà khách Chính phủ tháng 11/2020. (Ảnh: DAV)

Hiện nay, quan hệ tốt đẹp giữa 2 nước đã tạo điều kiện rất tốt để thế hệ trẻ có cơ hội tìm hiểu và nghiên cứu về Hoa Kỳ, các cán bộ tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng rất sẵn sàng trở thành những giảng viên mời (speakers), họ còn coi việc giảng dạy này như một nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, học viên trong quá trình học tập cũng có cơ hội trải nghiệm và thực tập tại phòng Văn hóa của Đại sứ quán.

Thời gian tới, DAV đang lên kế hoạch mở chương trình nghiên cứu về châu Á-Thái Bình Dương. Nghiên cứu Hoa Kỳ sẽ được nâng lên, không chỉ là chuyên ngành khu vực học tự chọn mà còn là chương trình giảng dạy chuyên sâu.

Về phía Hoa Kỳ, nếu điều kiện tiếp tục thuận lợi, sẽ hỗ trợ DAV xây dựng một trung tâm quan hệ hữu nghị Việt Nam-Hoa Kỳ, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với hệ thống thư viện điện tử, tham gia các buổi nói chuyện, sinh hoạt chuyên đề.

Giáo sư đánh giá như thế nào về vai trò của nghiên cứu và giảng dạy Hoa Kỳ học trong thúc đẩy hợp tác giáo dục hai nước nói riêng và quan hệ song phương nói chung?

Khi cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sang thăm Việt Nam, sinh viên DAV đã được lựa chọn để tặng hoa ông tại sân bay.

Sinh viên sau khi học môn Hoa Kỳ học, tốt nghiệp DAV và ra trường có thể làm việc ở nhiều khối cơ quan, doanh nghiệp khác nhau với chuyên môn khác nhau. Quá trình học tập và nghiên cứu về Hoa Kỳ sẽ là một hành trang quan trọng trong công việc, họ sẽ trở thành một thế hệ tương lai, “sứ giả” cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trên tất cả các lĩnh vực.

Hợp tác giáo dục giữa 2 nước trong thời gian qua có những bước phát triển rõ rệt. Mỹ đang cố gắng xây dựng Đại học Fulbright Việt Nam trở thành một trung tâm giáo dục ở khu vực. Số lượng sinh viên Việt Nam sang Hoa Kỳ du học cũng đứng đầu trong Đông Nam Á.

Đại sứ có thể chia sẻ đôi chút về mối lương duyên để bà đến với lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy về Hoa Kỳ, phải chăng đó không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên?

Gắn bó với công tác giảng dạy và nghiên cứu từ khi mới vào ngành tới khi mái đầu đã trở bạc thì tôi nghĩ rằng đó không chỉ giản đơn là một sự lựa chọn ngẫu nhiên trong cuộc đời, đúng hơn nghề đã lựa chọn tôi.

Giảng dạy và nghiên cứu là hai công tác có sự gắn kết chặt chẽ với nhau, khi nghiên cứu đã trở thành kiến thức của bản thân thì bài giảng sẽ tự nhiên có sức hút và truyền cảm.

Trong quá trình giảng dạy về Hoa Kỳ, tôi cũng luôn tìm ra phương thức sáng tạo để sinh viên có cơ hội tiếp thu kiến thức từ lý thuyết đến thực tiễn một cách linh hoạt nhất. Do đó, bài tập mô phỏng được tích cực triển khai.

Bài tập mô phỏng phiên điều trần Quốc hội Hoa Kỳ được sinh viên tham gia hăng hái. Qua đó, sinh viên nắm bắt được cả kỹ năng lý thuyết và thực tiễn.

Xin cảm ơn Đại sứ!