📞

Món quà đặc biệt cho trẻ thành phố

07:04 | 12/01/2015
Lốp xe cũ, ván gỗ, lá cây khô... là vật dụng mà một nhóm bạn trẻ đang thu lượm hàng ngày để tạo nên những không gian vui chơi đúng nghĩa cho trẻ em trong các khu dân cư đông đúc.

Những sân chơi làm từ... phế liệu

Dù chỉ mới 14h, nhưng những đứa trẻ tại khu tập thể Bộ Thủy sản (Nguyễn Công Hoan, Hà Nội) đã í ới rủ nhau ra chơi tại sân chung. Dưới bàn tay khéo léo của các bạn trẻ của nhóm Think Playgrounds (Nghĩ về Sân chơi), những vật liệu tưởng chừng bỏ đi đã được tạo thành chiếc cầu trượt hình con thuyền, xích đu, mặt nhún... khiến lũ trẻ mê mẩn. Người dân ở khu tập thể cho biết ngay khi mới chỉ hoàn thiện được 1/3 công đoạn, sân chơi này đã rất “ăn khách”. Thậm chí, có bé còn mải mê chơi ở đây đến... tối mới chịu về nhà.

Người truyền cảm hứng cho các bạn trẻ của nhóm Think Playgrounds là bà Judith Hansen - một giáo viên đã về hưu người Mỹ. Khi đến Việt Nam hồi đầu năm ngoái, cụ bà hơn 80 tuổi này đã ngạc nhiên khi thấy một thành phố lớn như Hà Nội lại có rất ít sân chơi công cộng cho trẻ em. Bà tìm đến Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, Chu Kim Đức và một vài bạn trẻ khác để bàn kế hoạch và thành lập Think Playgrounds – một nhóm tình nguyện xây dựng các sân chơi “đúng nghĩa” cho trẻ em thành phố. Anh Quốc Đạt cho biết: “Đã từ lâu, các sân chơi công cộng trong thành phố biến mất và thay vào đó là các khu vui chơi phải trả tiền. Không phải ai cũng có thể đưa con em mình đến đó hàng ngày. Không có cơ hội được vận động, trẻ chỉ có thể ngồi một chỗ để giải trí với tivi, máy tính bảng và internet”.

Mô hình mà Think Playgrounds theo đuổi là những sân chơi giá rẻ được làm từ vật liệu tái chế như: gỗ pallet (các tấm kê hàng trong container), lốp xe, dây thừng... Trong đó gỗ pallet được sử dụng nhiều nhất bởi đây là loại vật liệu có giá thành rẻ; đã xử lý để chịu lực, chịu nắng mưa. Ngoài ra, lá và quả khô, cát, sỏi cũng được “huy động” để làm nền cho những khoảng đất. Khi chơi với những vật liệu này, trẻ không chỉ được vận động, phát triển cơ bắp mà còn nâng cao khả năng thích ứng với môi trường.

Không ngừng “nghĩ về sân chơi”

Xóm Phao thuộc bãi giữa sông Hồng là nơi đầu tiên tại Hà Nội mà Think Playgrounds đến “gõ cửa” để xin làm sân chơi cho trẻ em. Các vật liệu tái chế được các bạn trong nhóm thu lượm và kêu gọi “quyên góp” từ cộng đồng mạng. Phần kinh phí còn lại được bà Hansen hỗ trợ. Sau tám buổi cùng các tình nguyện viên làm việc, sân chơi gần 100m2 tại xóm Phao đã được hoàn thiện đúng vào ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6.

Kể từ đó đến nay, đã có thêm bốn sân chơi nữa được dựng lên tại Hà Nội gồm: Vườn Tuệ Viên (Gia Lâm), Trung Hòa, Phương Mai, Ngọc Khánh. Ngoài ra, các bạn trẻ còn đem món quà đặc biệt này đến với các em nhỏ tại Lý Sơn và Cù Lao Chàm. Chị Kim Đức cho biết: “Phương án mà chúng tôi lựa chọn rất khả thi tại các thành phố lớn “tấc đất, tấc vàng”. Việc xây dựng sân chơi với xích đu, cầu trượt... từ những vật liệu tái chế chỉ tốn khoảng từ 5-10 triệu đồng. Khi thuyết phục sử dụng đất công làm sân chơi, nếu không đem lại một giải pháp giá rẻ, người dân sẽ rất khó chấp nhận”.

Tháng 11 vừa qua, nhóm Think Playgrounds đã tổ chức ngày hội Playday 2014 tại CLB Mỹ, thu hút hơn 1000 em nhỏ và phụ huynh. Sự kiện nhằm bắt đầu cho chiến dịch vận động xây dựng sân chơi công cộng để trẻ em có được không gian chơi đùa đúng nghĩa. Tại đây, nhóm cũng đã trình bày nhiều thiết kế sáng tạo được làm từ vật liệu tái chế nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí an toàn.

Tiếng lành đồn xa! Sau sự kiện này, Think Playgrounds đã được nhiều người biết đến hơn. Nhóm đã không còn phải vất vả đi gõ cửa từng nhà để thuyết phục mọi người làm sân chơi như trước mà liên tục nhận được lời đề nghị của các tổ dân phố, các trường mẫu giáo. Chị Trần Thị Mỹ Dung – một người dân tại khu tập thể Bộ Thủy Sản chia sẻ: “Số tiền mà mỗi hộ đóng góp có lẽ chỉ bằng một lần đưa con đi công viên. Sân chơi chung này vừa là không gian để lũ trẻ chơi đùa, vừa là nơi để phụ huynh chúng tôi trò chuyện. Tình làng nghĩa xóm cũng vì thế mà thêm gắn kết”.

Hoàng Quân