Những tình huống dở khóc, dở cười như ba điểm mười vẫn trượt trường mơ ước hay rớt nước mắt nhìn bạn kém mình vài điểm đỗ trường Y... khiến cả xã hội phải ngẫm nghĩ. Không ít người thẳng thắn gọi đó là sự bất công trong chính sách xét tuyển Đại học, trong khi những người điềm tĩnh hơn thì thấy đó là những biểu hiện của sự bất cập trong chính sách cộng điểm ưu tiên.
Chính sách cộng điểm ưu tiên vẫn đang phát huy tính tích cực của nó trong công tác tuyển sinh Đại học. (Nguồn Hoc24h) |
Dù cái gì bùng lên thì rồi cũng sẽ lắng xuống. Dư luận cũng vậy. Trong câu chuyện nào cũng sẽ như vậy. Nhưng rõ ràng, kể cả khi mọi chuyện đã an bài, thì tâm tư những thí sinh chịu thiệt thòi trong đợt xét tuyển vừa qua chưa thể an. Tâm tư những bậc phụ huynh đang và sẽ có con vào Đại học không thể an. Tâm tư những người làm chính sách giáo dục càng không thể an...
Trước hết, cần khẳng định ngay rằng, cộng điểm ưu tiên là một chính sách tốt, hợp lòng dân và đầy tính nhân văn, được ngành Giáo dục Việt Nam áp dụng từ những năm 80 của thế kỷ trước. Trong giai đoạn tình hình kinh tế, xã hội của đất nước còn đối mặt với vô vàn khó khăn thì chính sách này đã mang lại cơ hội cho rất nhiều thế hệ sĩ tử trưởng thành trong điều kiện giáo dục còn thiếu thốn về nhiều mặt. Khi đó, khoảng cách phát triển giữa các vùng miền trên cả nước có sự khác biệt rất lớn. Rõ ràng, nếu không có chính sách cộng điểm ưu tiên thì rất nhiều trí thức trong lực lượng lao động hiện nay đã không bao giờ có cơ hội bước chân vào cánh cổng trường Đại học.
Trải qua gần bốn thập kỷ, chính sách cộng điểm ưu tiên vẫn đang phát huy tính tích cực của nó trong công tác tuyển sinh Đại học, nếu như không phát sinh những bất cập như đã nêu ở trên. Người ta nghĩ ra nhiều cách diễn giải hài hước cho những bất cập ấy. Thậm chí, có cách diễn giải mang dư vị chua chát như “học tài, thi tài, xét tuyển phận” cho thấy công tác xét tuyển đang vô tình bỏ sót những nhân tài thực sự.
Có thể nói, trong lịch sử bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, chẳng có chính sách giáo dục nào hoàn hảo ngay từ đầu và cũng không có chính sách giáo dục nào bất biến trong mọi thời đại. Để có được một chính sách giáo dục tốt cần có một quá trình thử nghiệm và sửa chữa những bất cập nảy sinh. Chính sách cộng điểm ưu tiên hiện nay của chúng ta cũng không nằm ngoài quy luật phát triển đó.
Thiết nghĩ, đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách giáo dục cần “tái cấu trúc” cơ chế xét tuyển Đại học, trong đó có chính sách cộng điểm ưu tiên. Mặc dù chính sách này vẫn đang phát huy tính tích cực của nó, nhưng cần có các quy định, điều kiện đi kèm để phù hợp hơn với sự phát triển đất nước, xu thế hội nhập của nền giáo dục nước nhà với xu hướng phát triển của giáo dục thế giới.
Chẳng hạn, ngành Giáo dục có thể phân loại các ngành nghề không được áp dụng chính sách cộng điểm, qua đó khuyến khích thí sinh chọn lựa các ngành nghề đang thiếu nhân lực. Thậm chí, chúng ta có thể đặt ra những điều kiện đối với các thí sinh được cộng điểm như sau khi học xong phải về đóng góp xây dựng quê hương trong thời gian nhất định...
Có rất nhiều cách để đảm bảo công bằng cho tất cả các thí sinh mà không lấy đi cơ hội chạm tới mơ ước của bất cứ ai. Nếu làm được như vậy, chúng ta không chỉ đảm bảo được cơ hội học tập và phát triển cho thí sinh các vùng miền trong cả nước, mà còn ngăn chặn được nguy cơ “chảy máu chất xám” khi vô tình đẩy các nhân tài của đất nước đi đến lựa chọn học tập ở các nền giáo dục phát triển hơn.