Khi còn công tác tại tỉnh Đồng Tháp, tôi thường chia sẻ với bà con nông dân đoạn phim phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam về thực trạng nông sản Việt bị “lấn át” trên sân nhà, khó cạnh tranh với các mặt hàng nông sản ngoại nhập. Hình ảnh minh hoạ một chuyến xe nông sản xuất khẩu, thì lại có hai chuyến xe nông sản ngoại nhập vào, gợi lên nhiều suy ngẫm, day dứt.
Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, nông sản Việt bắt đầu được quan tâm, ưa chuộng ở nước ngoài với giá bán cao, gấp nhiều lần giá bán trong nước. Việt Nam vào nhóm các quốc gia xuất khẩu hàng đầu, vươn tới thị trường trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là những tín hiệu lạc quan, đáng mừng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan (bên phải) tặng quà OCOP cho Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản - Kaneko Genjiro nhân chuyên thăm Nhật Bản ngày 24/11/2021. (Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam) |
Ba trụ cột lớn
Song, vẫn còn nhiều câu hỏi cần lời giải thoả đáng: Đằng sau giá bán cao và sự ra mắt đầy hứa hẹn, niềm vui có trọn vẹn? Giá bán cao vì chất lượng tốt, nhu cầu lớn, hay vì phải tính thêm bao chi phí, từ thủ tục, giấy phép, tư vấn luật, tìm hiểu thị trường đến sơ chế, bảo quản, vận chuyển…? Nông sản Việt đã bắt đầu nhận được niềm tin từ người tiêu dùng quốc tế, hay vẫn phổ biến trong cộng đồng kiều bào, và chỉ chiếm thị phần rất khiêm tốn so với nhu cầu tiêu thụ?
Trong thế giới VUCA - viết tắt của các từ tiếng Anh có nghĩa là “biến động - bất định - phức tạp - mơ hồ”, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đứng trước thách thức của “biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng”.
Theo chỉ đạo, gợi mở của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang hoàn chỉnh Dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Chiến lược này vừa mang tính tiếp nối, kế thừa những thành tựu đã đạt được qua nhiều nhiệm kỳ, vừa tổng hợp những quan điểm tiếp cận mới, tư tưởng mới, xu thế mới, giá trị mới, phù hợp với bối cảnh mới.
Xoay quanh ba trụ cột: “nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân thông minh”, tư duy phát triển nông nghiệp chuyển từ “sản xuất” sang “kinh tế”; từ thiên về năng suất, sản lượng sang tích hợp đa giá trị; từ tận dụng, khai thác sang sử dụng hợp lý, nuôi dưỡng, làm giàu tài nguyên, phục vụ nhu cầu bền vững; từ ngắn hạn, cục bộ sang dài hạn, kết nối liên vùng, liên khu vực; từ cung ứng những mặt hàng có thể sản xuất sang đáp ứng đa dạng nhu cầu theo chuỗi giá trị, hoà nhập với các xu thế phát triển toàn cầu.
Những tư duy mới trong phát triển nông nghiệp đã được các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước khẳng định với cộng đồng quốc tế. Đó là mục tiêu tạo dựng hình ảnh nông nghiệp Việt Nam: trở thành nhà sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm “minh bạch - trách nhiệm - bền vững” tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc tháng 9 vừa qua.
Đó là cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu toàn cầu (COP26): Việt Nam sẽ trở thành quốc gia trung hòa carbon vào năm 2050.
Với tầm nhìn đó, chúng ta có thể tự tin hướng đến khát vọng về một nền nông nghiệp sinh thái, tiên tiến, tích hợp đa giá trị, kết hợp hài hòa tài nguyên bản địa, bản sắc văn hoá, niềm tin xã hội với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Những Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan
Ngoại giao và nông nghiệp luôn có sự gắn kết chặt chẽ. Có thể nhắc đến câu chuyện về Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan - vị sứ thần đưa giống ngô, giống đậu về trồng ở quê nhà. Không chỉ là nhà ngoại giao học rộng tài cao, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan còn hướng dẫn người dân khai mương dẫn nước, tổng hợp, giới thiệu kiến thức về cây cỏ, côn trùng, thời tiết, cách thức nuôi trồng, canh tác.
Mối quan hệ gắn kết ngày thêm bền chặt, tôi mong mỏi rằng, mỗi vị Đại sứ, Tham tán, cán bộ ngoại giao tại cơ quan đại diện Việt Nam trên khắp các châu lục, là những Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với ngành nông nghiệp trong việc kết nối giao thương, thúc đẩy xuất khẩu nông sản, lâm sản, thuỷ sản đến thị trường toàn cầu.
Tháng 2/2021, Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đến năm 2030 được phê duyệt. Vừa qua, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các bộ, ngành tổ chức các hội thảo chuyên đề về xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sang một số thị trường quốc tế lớn. Đây là dịp chúng ta nhìn lại, cùng thẳng thắn nhìn nhận từng nút thắt, điểm nghẽn và đề xuất giải pháp thiết thực, khả thi.
Thời gian tới, cùng sự tham gia và đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, những định hướng mang tính căn cơ sẽ được triển khai đồng bộ và hiệu quả hơn, để các mặt hàng nông lâm thủy sản từng bước bảo đảm tiêu chuẩn về nguồn cung và chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh, định vị thương hiệu trên thị trường toàn cầu.
Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn đang phối hợp với ngành ngoại giao, công thương khởi thảo đề án chi tiết phát triển thị trường nông sản sang từng quốc gia và khu vực có nhiều tiềm năng.
Nông sản Việt mang giá trị Việt
Đằng sau tăng trưởng, lợi nhuận, giá cả, chính là giá trị. Đằng sau mỗi chuyến hàng nông sản, sản phẩm nông nghiệp tiếp cận thị trường thế giới, không chỉ là con số về kim ngạch xuất khẩu, doanh thu của doanh nghiệp, mà hơn hết, chính là mồ hôi, công sức, nỗi niềm của hàng triệu người nông dân cần mẫn, chí thú làm ăn, và thấp thỏm đầu ra trong từng mùa vụ.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam giới thiệu, quảng bá vải thiều tại Nhật Bản. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản) |
Ở góc độ chiều sâu văn hoá, nông sản Việt, khi đến tay người tiêu dùng năm châu, là sự hoà quyện giá trị hữu hình với giá trị vô hình - giá trị Việt. Trong khi đô thị được xem là hình ảnh đại diện cho mức độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, thì nông thôn chính là nơi gìn giữ trọn vẹn đời sống tinh thần, bản sắc văn hoá dân tộc, giá trị cốt lõi thấm đẫm tình đất, tình người.
Nông sản Việt là kết tinh của hình ảnh Việt Nam, thương hiệu Việt Nam. Nông sản Việt là lời nhắn gửi bình dị của người nông dân Việt Nam: “sản xuất, kinh doanh nông sản là trao đi niềm tin và nhận lòng tự hào với quê hương xứ sở”. Nông sản Việt là cam kết của ngành nông nghiệp quyết hướng tới giá trị xanh từ những tiềm năng xanh, chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh.
Tôi chợt nghĩ vui đến hình ảnh những chuyến xe. Nhưng không phải là: “Cứ một chuyến xe nông sản xuất khẩu, thì lại có hai chuyến xe nông sản nhập vào” nữa. Mà đó là, những “chuyến xe chạy về nước mình” chuyên chở thông tin thị trường, đặc điểm văn hoá, xu thế tiêu dùng, đầy ắp những nhận định, đánh giá về tình hình, xu hướng mới trong phát triển nông nghiệp, và người cầm lái những chuyến xe ấy chính là các nhà ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đang ngồi ở đây, tham dự hội nghị này…
Và những “chuyến xe chạy khắp nơi, đến các nước khác” không chỉ chuyên chở các mặt hàng nông sản Việt chất lượng cao, tích hợp đa giá trị, mà còn chuyển tải hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, đầy tự tin, tự hào sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Nhân Hội nghị quan trọng và ý nghĩa này, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cùng với tình cảm cá nhân, tôi xin trân trọng gửi lời cảm ơn chân thành và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự đồng hành, chia sẻ của các bộ, ngành, các tổ chức, cơ quan, của Bộ Ngoại giao, của các Đại sứ, Tham tán, cán bộ ngoại giao và toàn thể quý vị dành cho ngành nông nghiệp.
Khát vọng Việt Nam 2045, khát vọng nông nghiệp vươn tầm, đủ sức trở thành “thước đo mức độ bền vững của quốc gia” thôi thúc chúng ta đồng thuận, đồng lòng, kiên trì và bền bỉ vượt qua từng khó khăn, thử thách.
Hành trình vạn dặm bắt đầu từ mỗi bước chân. Qua mỗi bước chân, chúng ta nhắc nhở nhau rằng: “Lịch sử của mọi nền văn minh nhân loại đều khởi nguồn từ nghề nông”. Qua mỗi bước chân, chúng ta lại kể với nhau về lời nhắn gửi thân tình: “Tôi sinh ra ở nông thôn. Ba Mẹ tôi là nông dân”.