Morgan Stanley cho rằng Việt Nam vẫn cần (và thực tế sẽ) tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ |
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố một số biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ. Trong đó, theo Morgan Stanley, quan trọng nhất là các biện pháp: Một là giảm lãi suất cơ bản xuống còn 12% (động thái này sẽ kéo lãi suất cho vay trần xuống, từ 19,5% còn 18%).
Hai là giảm lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu xuống còn 13% và 11%, tạo cơ sở cho các hoạt động trên thị trường mở.
Ba là giảm tỷ lệ dự trữ nội tệ bắt buộc từ 11% xuống còn 10% (sau hai lần tăng, vào tháng 6 năm ngoái và tháng 2 năm nay).
Đang tiến triển tốt
Morgan Stanley nhận xét, nền kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng. Sau một giai đoạn phát triển quá nóng, hiện nay, các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy tình hình lạc quan hơn: Tháng 10, lạm phát âm (tức là giảm phát), -0,2% so với mức +0,2% vào tháng 9 và cao điểm +3,9% hồi tháng 5.
Xuất khẩu và nhập khẩu tháng 10 đều hạ nhiệt, còn 19,2% và 3,0% (so với 44,8% và 14,1% vào tháng 9). Do đó, thâm hụt thương mại của tháng 10 đứng ở mức -10,5% GDP của năm (so với mức thâm hụt kỷ lục -53,3% GDP vào tháng 3).
Morgan Stanley là một công ty dịch vụ tài chính toàn cầu, trụ sở tại New York. Họ hoạt động tại 33 quốc gia trên toàn thế giới, với khoảng 600 văn phòng, 45.000 nhân viên. (nguồn: Wikipedia) |
Nhận định này của Morgan Stanley (kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng) khá lạc quan so với bản báo cáo hồi tháng 6 của họ, theo đó Morgan Stanley cho rằng Việt Nam có thể sẽ sa vào vết xe đổ của Thái Lan trong biến cố năm 1997.
Tuy nhiên, sau bản báo cáo tháng 6, Chủ tịch Morgan Stanley Đông Nam Á - ông Greg Terry - vẫn khẳng định sự tin tưởng của Morgan Stanley đối với Việt Nam: "Cho dù các điều kiện kinh tế ngắn hạn có như thế nào, chúng tôi vẫn tin rằng Việt Nam sẽ trở thành con hổ châu Á tiếp theo và là thị trường quan trọng cho Morgan Stanley".
Phải chú ý tới rủi ro bên ngoài
Morgan Stanley khuyến cáo, sự suy thoái của kinh tế vĩ mô toàn cầu đã, đang và chắc chắn sẽ lan rộng khắp thế giới thông qua các giao dịch thương mại và tài chính. Điều này sẽ làm giảm lạm phát nhưng cũng giảm luôn cả tăng trưởng ở Việt Nam.
Những rủi ro đối với Việt Nam đã chuyển từ các nguyên nhân nội bộ (mất cân đối vĩ mô, phát triển quá nóng…) sang nguyên nhân bên ngoài, tức là do suy thoái toàn cầu gây ra. Chính vì thế, các chính sách nới lỏng tiền tệ - tín dụng, tăng tính thanh khoản, càng cần được áp dụng, nhưng phải ở mức độ có thể kiểm soát được.
Bản đánh giá của Morgan Stanley nhận định: “Tình trạng của thị trường tài chính và dòng vốn đầu tư mạo hiểm tiếp tục là một mối lo ngại, và chừng nào người ta vẫn còn sợ rủi ro, chừng đó còn cần nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong nước, hạ thâm hụt thương mại xuống một mức bền vững hơn”.
Sự phát triển của các thị trường trao đổi nợ tín dụng (CDS) cũng là dấu hiệu tốt, cho thấy các công cụ chính sách tiền tệ có hiệu quả như thế nào trong việc hạ thấp lãi suất thị trường.
Morgan Stanley cho rằng, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước cần cắt giảm lãi suất cơ bản thêm một lần nữa, tương đương 50 điểm cơ bản (tức là 0,5%).
Theo Tuần Việt Nam