📞

Một chuyến thăm, nhiều gợi mở

Vũ Đăng Minh 08:00 | 28/08/2021
Chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris cho thấy Việt Nam-Mỹ vượt qua khác biệt, gặp gỡ, đồng thuận ở sự song trùng lợi ích trên nhiều lĩnh vực. Báo Thế giới & Việt Nam bình luận.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Việt Nam, ngày 25/8. (Nguồn: TTXVN)

Lại là tâm điểm

Sau việc rút quân ở Afghanistan, Mỹ lại thành tâm điểm của truyền thông trong sự kiện Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Việt Nam từ ngày 24-26/8.

Thứ nhất, truyền thông chỉ ra nhiều cái “đầu tiên”: chuyến thăm Đông Nam Á đầu tiên của nhân vật quyền lực số 2, lần đầu tiên một Phó Tổng thống Mỹ đương nhiệm thăm Việt Nam và là cuộc gặp trực tiếp cấp cao đầu tiên kể từ khi hai nước có ban lãnh đạo mới.

Thứ hai là sự dồn dập, trùng hợp. Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman (cuối tháng 5), Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin (cuối tháng 7) thăm một số nước Đông Nam Á. Ngoại trưởng Antony Blinken tham gia một loạt cuộc họp trực tuyến với các quan chức cấp cao ASEAN và các hội nghị khu vực. Bây giờ là Phó Tổng thống Kamala Harris với điểm đến là Singapore và Việt Nam - 2 trong 3 nước mà Bộ trưởng Quốc phòng vừa thăm trước đó 1 tháng.

Thứ ba là những thông điệp của Phó Tổng thống Mỹ vừa tái khẳng định, vừa có những điểm mới. Chuyến thăm của Bộ trưởng Lloyd Austin thiên về quốc phòng, an ninh còn chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris có nội dung toàn diện hơn, ở tầm mức cao hơn.

Thứ tư là điểm đến Việt Nam, sự đặc biệt trong quan hệ Việt Nam-Mỹ và nội dung trao đổi, thỏa thuận song phương. Ngoài ra, kế hoạch bay trì hoãn 3 giờ cũng thêm gia vị cho các bình luận.

Gặp gỡ, cam kết, dự định

Lịch trình chuyến thăm dày các cuộc gặp cấp cao, các sự kiện và cả chuyện ngoài kế hoạch. Chương trình nghị sự các cuộc gặp giữa lãnh đạo cấp cao hai bên đặt ra nhiều vấn đề, từ thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, khắc phục hậu quả chiến tranh, y tế, phòng chống đại dịch, giáo dục, đến khoa học công nghệ…; cả trước mắt và lâu dài; cả song phương và khu vực.

Gặp gỡ trực tiếp là dịp hai bên có thể trao đổi nhiều vấn đề quan tâm, làm rõ mong muốn của nhau, đưa ra cam kết, thống nhất ý tưởng, chương trình hành động. Hai bên đã gặp nhau ở nhiều vấn đề.

Mỹ và Việt Nam đều coi nhau là một trong những đối tác quan trọng. Hai bên tìm thấy sự song trùng lợi ích trong phát triển quan hệ song phương và đánh giá dư địa hợp tác Việt Nam và Mỹ còn rất rộng. Các nhà lãnh đạo cam kết tiếp tục thúc đẩy mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong chuỗi cung ứng toàn cầu…

Hai bên khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN đối với khu vực; nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế trong hợp tác và xử lý các vấn đề khu vực, trong đó có UNCLOS 1982.

Mỹ đưa ra các sáng kiến, hành động cụ thể, thiết thực. Chẳng hạn như hỗ trợ Việt Nam thêm 1 triệu liều vaccine, giúp Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế số, triển khai một phần sáng kiến đối tác về khủng hoảng khí hậu… Có tin phía Mỹ đề cập khả năng chuyển giao tàu tuần duyên thứ ba cho Cảnh sát Biển Việt Nam.

Lễ ký thỏa thuận thuê đất 99 năm xây dựng Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và khai trương Văn phòng Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ tại Đông Nam Á, đặt ở Hà Nội, vừa thiết thực vừa là biểu tượng. Như lời quan chức Mỹ, đó là “biểu tượng của sự hợp tác, tình hữu nghị và phát triển trong nhiều năm tới”.

Phó Tổng thống Kamala Harris điểm lại kết quả và những cam kết mạnh mẽ trong buổi họp báo cuối chuyến thăm. Mỹ ủng hộ một nước Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng, tiếp tục đổi mới, mở rộng hội nhập quốc tế, đảm nhận vai trò ngày càng quan trọng trong ASEAN và khu vực.

Bà Kamala Harris khẳng định Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt với Mỹ; cam kết cùng nhau đối mặt thách thức, nắm bắt cơ hội, phát triển những khía cạnh mới của quan hệ song phương.

Dư luận quốc tế đánh giá chuyến thăm thành công, quan hệ Việt Nam-Mỹ tiếp tục kế thừa kết quả của hơn 25 năm qua, phát triển một cách tương xứng với mong muốn của hai bên, có ý nghĩa tích cực đối với khu vực.

Chuyến thăm ghi nhận nét mới trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đó là mở rộng hợp tác kinh tế và nhiều lĩnh vực khác, cân bằng với hợp tác quốc phòng, an ninh; cân bằng giữa đối phó với thách thức an ninh biển và an ninh phi truyền thống (biến đổi khí hậu, đại dịch, chuỗi cung ứng toàn cầu…).

Mỹ khéo chọn “mũi nhọn” vaccine, phòng chống đại dịch Covid-19 để chứng tỏ “luôn sát cánh cùng Việt Nam”.

Trong ngày cuối cùng tại Việt Nam, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris có chuyến thăm không báo trước tới Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Thông điệp và “cảnh báo”

Các tuyên bố, cam kết, sáng kiến, hành động luôn là những chỉ dấu cho kết quả của một chuyến thăm ngoại giao chính thức. Rộng hơn, chúng thể hiện tầm mức quan hệ song phương. Như đánh giá của Phó Tổng thống Kamala Harris, “chuyến thăm báo hiệu sự khởi đầu cho một chương mới trong quan hệ Việt-Mỹ”.

Truyền thông quốc tế đánh giá quan hệ Việt-Mỹ chứa đựng thông điệp cả tầm song phương và khu vực. Đó là vượt qua khác biệt, gặp gỡ, đồng thuận ở sự song trùng lợi ích trên các lĩnh vực, cho hai bên và cho cả khu vực.

Điều cốt lõi là hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, vững chắc, cùng có lợi trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau, vì hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển của khu vực và thế giới. Vậy là đầy đủ các tiêu chí cho sự phát triển bền vững quan hệ song phương.

Do đó, phát triển nhanh chậm, đến đâu, tùy thuộc vào hành động tuân thủ nguyên tắc chính trị, tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc, thực chất hợp tác của hai bên và việc tiếp tục củng cố lòng tin chiến lược.

Người Việt Nam trọng thực chất, hành động thực tế. Ủng hộ tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương ngày càng phát triển theo thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước.

Nhiều học giả, nhà ngoại giao trong và ngoài nước cho rằng quan hệ Việt-Mỹ đang thể hiện sự toàn diện, mang tầm chiến lược và phát triển đúng hướng. Nhưng cũng có người “cảnh báo” Việt Nam bị lôi kéo hay bị sức ép nhiều mặt từ nước lớn, “lợi bất cập hại”!

Dù với động cơ gì, thì nghĩ vậy, nói vậy là chưa hiểu đầy đủ về Việt Nam.

Việt Nam cần sự ủng hộ của tất cả các nước. Nhưng độc lập, tự chủ là nguyên tắc sống còn. Việt Nam không dựa vào bên ngoài để bảo vệ chủ quyền, “không đi với bên này chống lại bên kia”. Xưa đã vậy, nay càng vậy.