Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh (ở giữa) cùng hai tác giả cuốn sách. |
Vừa rồi, tôi được hai người bạn thân thiết tặng một món quà quý, đó là cuốn “Giới thiệu các tổ chức và diễn đàn trên thế giới”. Cuối cùng, ý tưởng làm cuốn sách của hai người bạn tôi đã hoàn thành, sau sáu năm biên soạn.
Nhìn đầu đề cuốn sách, tôi bồi hồi nhớ lại những ký ức với hai người bạn, những người có nhiều kỷ niệm với tôi trong thời gian dài công tác, trong đó ít nhiều liên quan đến chủ đề này.
Năm 1992, tôi và Đại sứ Nguyễn Hoàng An, được tham gia đoàn cán bộ của Bộ Ngoại giao dự lớp đào tạo ngoại giao đa phương ở Geneva, Thụy Sỹ. Trong gần hai tháng ở đó, tôi và các đồng nghiệp, được nghe giảng và tiếp xúc với nhiều tổ chức quốc tế tại đây.
Đó là lần đầu tiên, tôi có dịp được học và nghiên cứu khá sâu về ngoại giao đa phương và tổ chức quốc tế. Sau đó, tháng 4/1995, tôi được bổ nhiệm làm Đại biện lâm thời Đại sứ quán ta tại Brunei, với nhiệm vụ chính là mở cơ quan đại diện và chuẩn bị cho việc kết nạp nước ta vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào tháng 7/1995.
Tôi vừa lo các công việc liên quan để nhanh chóng lập Đại sứ quán (theo yêu cầu của ASEAN, các nước thành viên phải có sứ quán ở tất cả các nước thành viên khác), đồng thời tranh thủ nghiên cứu về tổ chức này. Người tôi thường xuyên liên hệ, xung quanh chuyện kết nạp, người phụ trách Vụ ASEAN ở Bộ Ngoại giao lúc đó, là bạn thân của tôi - Đại sứ Đỗ Ngọc Sơn - một trong hai tác giả cuốn sách.
Cầm quyển sách khá dày dặn, với 951 trang, tôi đọc và chìm trong suy nghĩ: Tại sao các tổ chức quốc tế (kể cả tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ quốc tế) lại ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các mối quan hệ quốc tế? Trong tương lai, các tổ chức này sẽ đóng vai trò như thế nào nữa để góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia.
Theo dòng suy nghĩ miên man đó, tôi thấy, trong lịch sử đương đại, sau khi hệ thống các quốc gia trên thế giới hình thành và tương đối ổn định, quan hệ quốc tế giữa các nước đã ngày càng phát triển, nhu cầu cùng nhau hợp tác ngày càng gia tăng để tận dụng cơ hội, đối phó với những thách thức cấp bách, phức tạp, liên quan đến hòa bình, phát triển, những vấn đề nhân đạo và môi trường trên thế giới.
Trong bối cảnh ấy, sự đan xen lợi ích quốc gia, sự tùy thuộc lẫn nhau trong quan hệ quốc tế tăng lên đã thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, kết nối khu vực, liên khu vực.
Đây là những tiền đề dẫn đến sự ra đời và phát triển nhanh chóng của các tổ chức quốc tế, bao gồm các tổ chức liên chính phủ quốc tế (IGO) và phi chính phủ quốc tế (INGO).
Có thể nói, từ đầu thế kỷ XX đến nay, thế giới đã chứng kiến sự bùng nổ của việc rất nhiều tổ chức quốc tế đã ra đời, với khoảng khoảng 75.000 tổ chức quốc tế, trong đó có hơn 250 tổ chức liên chính phủ, khoảng 40.000 tổ chức phi chính phủ quốc tế - INGO (ước tính khoảng 1.200 tổ chức phi chính phủ - NGO, mới được thành lập thêm mỗi năm).
Các tổ chức quốc tế ngày càng đóng một vai trò quan trọng, trong việc định hình các chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế, đưa ra các “luật chơi”, giải quyết các vấn đề xuyên biên giới, thúc đẩy các giải pháp mang tính tập thể trên thế giới.
Thông qua các tổ chức quốc tế, các nước một mặt thúc đẩy lợi ích của mình, mặt khác đóng góp vào giải pháp chung cho các vấn đề nói trên. Tại các diễn đàn đa phương của các tổ chức quốc tế, sự kết hợp giữa hoạt động đa phương và song phương, đã trở thành một đặc điểm ngày càng rõ nét.
Bìa cuốn sách. |
Các tổ chức liên chính phủ phủ và phi chính phủ quốc tế có nhiều hình thức khác nhau, như tổ chức toàn cầu (Liên hợp quốc và các cơ quan chuyên môn thuộc Liên hợp quốc, các tổ chức chuyên môn trực thuộc Liên hợp quốc); tổ chức khu vực (Liên minh châu Âu, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN, Liên đoàn Arab, Tổ chức các quốc gia châu Mỹ); tổ chức quân sự, an ninh (như NATO, INTERPOL, một số tổ chức phòng thủ khu vực); tổ chức kinh tế, thương mại (Tổ chức thương mại thế giới, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ, một số tổ chức chuyên về một sản phẩm, ngành hàng); tổ chức tài chính ngân hàng (Ngân hàng phát triển châu Á, Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế); tổ chức văn hóa, xã hội (Cộng đồng Pháp ngữ, Tổ chức Hội nghị Hồi giáo); tổ chức nhân đạo, từ thiện, các quỹ tư nhân, viện trợ nhân đạo, các tổ chức tôn giáo... (phẫu thuật nụ cười, Hội chữ thập đỏ quốc tế); tổ chức nghiên cứu, tư vấn (các trung tâm, mạng lưới nghiên cứu)…
Số lượng ngày càng tăng của các tổ chức quốc tế (cả liên chính phủ và phi chính phủ), đã phản ánh sự công nhận của các quốc gia về vai trò và tầm quan trọng của của các chủ thể này trong quan hệ quốc tế, trong hợp tác nhằm đối phó với thách thức mang tính toàn cầu, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nhân loại, như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…
Những thập kỷ qua, nhận thức vai trò, tầm quan trọng của các tổ chức quốc tế trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của đất nước, Việt Nam đã tham gia và trở thành viên tích cực, chủ động và trách nhiệm của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực.
Chính sách ngoại gia đa phương của Việt Nam hướng tới đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại tại các cơ chế đa phương, góp phần nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của đất nước tại các tổ chức quốc tế. Do vậy, việc hiểu rõ các tổ chức quốc tế là điều vô cùng cần thiết.
Cuốn sách “Giới thiệu các tổ chức và diễn đàn trên thế giới”, theo tôi được biết, đã được hai tác giả bắt đầu soạn thảo từ năm 2016, trải qua nhiều lần sửa chữa, bổ sung, cho đến nay mới hoàn thành và ra mắt bạn đọc.
Cuốn sách này sẽ là nguồn thông tin bổ ích, góp phần nâng cao kiến thức về các tổ chức quốc tế cho những người làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế và đông đảo bạn đọc nói chung.
Trong cuốn sách, có những thông tin cơ bản, cần thiết và tương đối đầy đủ về gần 1.000 tổ chức, diễn đàn, học viện, trung tâm, mạng lưới nghiên cứu… đang hoạt động trên thế giới, ở cả bình diện đa phương, khu vực, song phương và quốc gia, được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Anh để dễ tra cứu., bao gồm bối cảnh ra đời, người sáng lập, ngày và nơi thành lập, tôn chỉ mục đích, thành viên, cơ cấu tố chức, chương trình, địa bàn hoạt động, nguồn tài trợ, quan hệ với Việt Nam (nếu có), trụ sở và địa chỉ website.
Cấu trúc cuốn sách gồm ba phần: danh mục tên viết tắt tiếng Anh của các tổ chức, diễn đàn, trung tâm...; các tổ chức và diễn đàn cụ thể trên thế giới với tất cả các thông in chi tiết và ba phụ lục song ngữ Anh-Việt: Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN và Công ước viên về Luật điều ước quốc tế.
Dù bạn là sinh viên, nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao, người tham gia các hoạt động đối ngoại hoặc là công dân mong muốn tìm thông tin về các tổ chức này, cuốn sách sẽ mang đến cho bạn kiến thức cần thiết, để hiểu các tổ chức quốc tế đã hình thành và hoạt động ra sao.
Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh (sinh năm 1950) vào ngành Ngoại giao từ năm 1971 và từng trải qua các cương vị như Phó Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á-Nam Á-Nam Thái Bình Dương, Đại biện lâm thời Việt Nam tại Brunei, Đại sứ Việt Nam tại Philippines, Đại sứ Việt Nam tại Brazil. Hiện ông là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam-Philippines, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Brazil. |