📞

Một góc nhìn về nghệ thuật Việt Nam

10:46 | 12/07/2013
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Australia, Trung tâm Triển lãm Nghệ thuật Lotus Gallery (thành phố Hồ Chí Minh) đã phối hợp với Tổng lãnh sự quán tổ chức triển lãm nghệ thuật Việt nam tại thành phố Perth. TG&VN xin trích lược bài viết của phóng viên Lyn DiCiero đăng trên tờ The West Australian 8/7 về sự kiện văn hóa này.
Tổng Lãnh sự Lê Viết Duyên và bà Nguyễn Thị Xuân Phượng Giám đốc , Trung tâm Triển lãm Nghệ thuật Lotus Gallery (thành phố Hồ Chí Minh).

“Nếu bạn gặp khó khăn trong cuộc sống, hãy tiến tới, đừng lùi bước” – đó là chia sẻ về triết lý sống lâu năm và đầy màu sắc của bà Nguyễn Thị Xuân Phượng, 83 tuổi, Giám đốc. Và đúng là bà đã sống với triết lý ấy. Năm 2011, bà được nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh của nước Pháp vì những cống hiến trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật. Bà đã sống để kể những câu chuyện dài về các cuộc chiến tranh; đã từng chiến đấu trong rừng rậm cho nền độc lập của Việt Nam từ khi mới 16 tuổi, và sau đó làm phóng viên chiến trường của Đài Truyền hình Việt Nam. Khi nghỉ hưu năm 1991, bà trở thành Giám đốc của Trung tâm Triển lãm Lotus, một trong những Trung tâm Triển lãm tranh tư nhân đầu tiên của Việt Nam khi đó.

Người phụ nữ đặc biệt này có mặt tại Perth với vai trò là người thúc đẩy một trong những hoạt động lớn đầu tiên giới thiệu nghệ thuật đương đại của Việt Nam tại Tây Australia. Với những tác phẩm của 9 họa sỹ và một nhà nhiếp ảnh, Triển lãm “Việt Nam – Bốn mùa” nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Australia được tổ chức tại Perth từ ngày 1 đến 22/7, tại Fremantle từ 13 đến 15/7 và tại Mandurah từ 18 đến 23/7.

Người tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật Việt Nam trong dịp này là một trong những Tổng lãnh sự quán mới nhất tại Perth, với văn phòng đặt trên đường St. Georges, Perth từ tháng 10/2012. Nếu dành thời gian trao đổi với Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Perth, bạn sẽ không khỏi bất ngờ về sự đa dạng và phong phú của văn hóa Việt Nam. Ông cho biết, Việt Nam với 4.000 năm văn hiến lịch sử, có một nền văn hóa giàu bản sắc để cùng chia sẻ với bạn bè Australia. “Đợt triển lãm này là một trong những hoạt động đầu tiên giới thiệu về nghệ thuật đương đại Việt Nam với người dân bang Tây Australia, bao gồm những tác phẩm của các họa sỹ nổi tiếng tại Việt Nam. Tôi hy vọng thông qua những tác phẩm này, người dân Australia có thể hiểu thêm về vẻ đẹp của đất nước, con người và văn hóa Việt Nam”. Ông cũng cho biết du lịch tới Việt Nam đối với người Australia cũng như một chuyến đi về nhà. “Người Việt và người Úc đều rất thân thiện, chân thành và thẳng thắn. Chúng ta đều thích dã ngoại, du lịch, thích tiệc tùng với gia đình và bạn bè. Chỉ với khoảng một đô la đã có thể mua được một lít bia, Việt Nam đang là một trong những nước tiêu thụ bia nhiều nhất Đông Nam Á và điều thú vị là, một phần lớn bia Việt Nam được sản xuất từ lúa mỳ nhập khẩu từ Tây Australia”.

Mặc dù đây là cuộc triển lãm đầu tiên của Lotus Gallery tại Perth, nhưng sẽ không phải là lần cuối. Thông qua người phiên dịch, bà Phượng cho biết cảm nhận đầu tiên của bà về Perth là người dân sống rất hài hòa với thiên nhiên. “Màu xanh biếc của sông Thiên Nga đã để lại ấn tượng rất sâu sắc với họa sỹ Lại Thanh Dũng và nhà nhiếp ảnh Nguyễn Phương, người cũng cùng tham gia trong chuyến triển lãm tại Perth”.

Các chuyến đi triển lãm của các họa sỹ được bà Phượng đài thọ toàn bộ, gồm vé máy bay, chi phí ăn ở cho bốn tới năm họa sỹ mỗi chuyến để có thể quảng bá được nghệ thuật Việt Nam ra với thế giới. Cuộc triển lãm tại Perth là sự phối hợp của nhiều nhóm họa sỹ ở các lứa tuổi khác nhau, bao gồm cả những tác phẩm của họa sỹ theo trường phái ấn tượng nổi tiếng Đỗ Xuân Đoàn, sinh năm 1937.

Sau khi rời nhà để tham gia đoàn quân cách mạng từ năm 16 tuổi, trải qua 9 năm trong rừng, bà Phượng trở về Hà Nội. Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, bà làm nhiệm vụ dẫn các phóng viên tới các khu vực chiến sự, giúp cho thế giới bên ngoài hiểu về cuộc chiến tại Việt Nam. Bom nổ xung quanh đã khiến bà bị vùi trong đất rất nhiều lần, nhưng “đồng đội lại kéo tôi lên và chúng tôi tiếp tục đi”. Ba đã sống qua cả thời gian chiến tranh biên giới phía bắc, và cũng đã làm phóng viên chiến trường tại Campuchia trong thời kỳ chế độ Pol Pot. Bà Phượng nói, với những quãng thời gian này, bà đã sẵn sàng cho một cuộc đời mới.

Khi lần đầu tiên quyết định mở phòng triển lãm, bà đã đi tới những vùng xa xôi và nghèo khó để tìm những nghệ sỹ chưa có tên tuổi và giúp gây dựng cho họ. “Có lần tôi gặp một họa sỹ đang sống dưới gầm cầu thang. Ai cũng cho rằng tôi bị gàn, nhưng tôi rất kiên trì. Sau từ ba tới năm năm làm việc cùng tôi, các họa sỹ trở nên rất có tên tuổi trên thế giới. Tôi mua tất cả các tác phẩm của họ, và thường là tôi phải bán cả đồ đạc, trang sức của mình. Khi chồng tôi, một người từng dạy vật lý trong trường đại học, hỏi giá các bức tranh này, tôi chỉ nói 1/10 so với giá thực và ông ấy đã tin điều đó trong thời gian dài. Nhưng trước khi ông mất hai năm, tôi đã đưa ông tham dự một số cuộc triển lãm ở các nước, và cuối cùng ông đã hiểu việc làm của tôi. Tại buổi lễ khi tôi được trao Huân chương Bắc đẩu bội tinh vì đóng góp trong việc xây dựng cầu nối văn hóa giữa Việt Nam với Pháp và các nước, ông đã rất tự hào, và thậm chí còn vui hơn cả tôi”.

Khi tôi hỏi bà liệu bà sẽ điều hành Phòng Triển lãm Lotus Gallery được bao lâu, bà nói rằng bà sống theo phương châm của nhà hài kịch Pháp nổi tiếng thế kỷ 17 Moliere, người bị ngã bệnh trong một buổi biểu diễn và chết vài giờ sau đó. “Liệu bà có dự định chết trong một cuộc triển lãm không?” - “Tại sao không. Chết trên giường thì vẫn là chết. Tại sao không để điều đó xảy ra giữa các bức tranh?”./.

(TG&VN)