Đồng chí Lê Đức Thọ, đại diện Chính phủ VNDCCH ký Thông cáo chung với Hoa Kỳ về thực thi Hiệp định Paris ngày 13/6/1973 - Ảnh: Phòng lưu trữ BNG. |
Nhiệm vụ đặc biệt
Nhiệm vụ đặc biệt của hai Đoàn đại biểu quân sự phải thực hiện là: Đấu tranh buộc Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam trong vòng 60 ngày; đấu tranh buộc Mỹ, ngụy phải thực hiện đúng tinh thần của Hiệp định về trao trả tù binh; đấu tranh, tố cáo, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của Mỹ tiếp tục thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh”; tổ chức tốt hoạt động thông tấn, báo chí, tạo dư luận lên án mạnh mẽ, buộc Mỹ, ngụy phải chấm dứt việc vi phạm Hiệp định Paris…
Đối với việc buộc đế quốc Mỹ phải rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam, trong đánh giá về việc ký Hiệp định Paris, Tổng Bí thư Lê Duẩn kết luận: “Đối với ta, điều quan trọng của Hiệp định Paris không phải là ở chỗ thừa nhận hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát, tiến tới thành lập chính phủ ba thành phần mà mấu chốt là ở chỗ quân Mỹ phải ra và quân ta thì ở lại”. Thực hiện chủ trương đó, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên hai đoàn đại biểu quân sự đã chủ động phát hiện, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn và hành động của kẻ thù; kiên cường, khôn khéo, sáng tạo và linh hoạt trong đấu tranh, vạch trần thủ đoạn kéo dài việc rút quân, góp phần quan trọng buộc Mỹ phải chấp hành Hiệp định Paris, rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam.
Với đấu tranh kiên quyết của ta, ngày 29/3/1973, sau đúng 60 ngày Hiệp định Paris có hiệu lực, những lính Mỹ cuối cùng đã rút khỏi miền Nam Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu mốc lịch sử, sau 115 năm (từ năm 1858) trên đất nước thân yêu của chúng ta sạch bóng quân xâm lược. Đây là yếu tố quan trọng nhất làm chuyển biến so sánh lực lượng trên chiến trường có lợi cho ta để tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Với cuộc đấu tranh trên mặt trận trao trả tù binh, phía Mỹ lảng tránh trách nhiệm, còn ngụy quyền Sài Gòn tỏ thái độ không thiết tha nhận tù binh do ta trao trả và tìm mọi cách cản trở việc trao trả cán bộ, chiến sĩ của ta. Với chính sách nhân văn, nhân đạo cao cả, ta đã tiến hành trao trả 554 tù binh Mỹ, hơn 6.000 tù binh ngụy theo đúng số lượng và thời gian, địa điểm. Những tù binh được trao trả khỏe mạnh, tinh thần thoải mái, số bị thương được chữa trị tốt. Việc làm này được dư luận tiến bộ trên thế giới và nhân dân Mỹ đồng tình ủng hộ; là sức ép buộc chính quyền Mỹ, ngụy phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định. Bằng tư tưởng tiến công kiên quyết, hai Đoàn đại biểu quân sự đã buộc Mỹ, ngụy phải trao trả cho ta trên 31.500 cán bộ, chiến sĩ.
Về việc đấu tranh lên án đế quốc Mỹ không thực thi hòa bình, vi phạm cam kết…, hai Đoàn đại biểu quân sự đã tỉnh táo, kiên quyết, không khoan nhượng. Ta đã chủ động phát hiện, kịp thời lên án, tố cáo, vạch trần những mưu đồ đen tối, vi phạm cam kết. Cuộc đấu tranh diễn ra căng thẳng, không ngày nào ta không có công hàm tố cáo, lên án những vi phạm đó. Đồng thời, hai Đoàn cũng tăng cường phối hợp chặt chẽ với các đồng chí trong Ủy ban quốc tế như Ba Lan, Hungary, cùng tham gia đấu tranh tạo nên sức mạnh tổng hợp. Trong hơn 800 ngày đêm, ta đã gửi đến Ủy ban quốc tế giám sát việc thi hành Hiệp định 924 công hàm, tố cáo 18.971 vụ việc vi phạm ngừng bắn và yêu cầu Ủy ban điều tra buộc Mỹ, ngụy phải tuân thủ, thực hiện Hiệp định, làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ ở miền Nam VN.
Đấu tranh thông qua các hoạt động thông tấn, báo chí được coi là hoạt động đấu tranh mũi nhọn để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Tại Sài Gòn lúc bấy giờ là điểm nóng bỏng nhất của thế giới, tập trung 77 hãng truyền thông nước ngoài, chủ yếu là của phương Tây, trong đó có 21 hãng của Mỹ. Thái độ của ta là thực sự tôn trọng dư luận, tôn trọng báo giới, tập trung nói rõ, chính xác, cụ thể, có sức thuyết phục những hành vi vi phạm Hiệp định. Qua đó, đã tạo được dư luận đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân thế giới, của nhân dân Mỹ phản đối chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam…
Trận địa giữa sào huyệt địch
Với ý đồ thâm độc, kẻ địch bố trí hai Đoàn đại biểu quân sự ta vào “Trại Davis” – một nơi nằm sâu trong căn cứ quân sự của chúng ở gần sát sân bay Tân Sơn Nhất, nhằm cô lập, cản trở hoạt động, sẵn sàng bắt làm con tin hoặc hủy diệt bất cứ lúc nào. Nhưng, với tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, cán bộ, chiến sĩ của ta đã luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu, phát huy tư tưởng tiến công, mưu trí, sáng tạo, đánh bại mọi mưu đồ, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù. Chúng ta đã kiên cường biến “Trại Davis” thành trung tâm đấu tranh ngoại giao quân sự rất mạnh mẽ, quyết liệt và có hiệu quả. Các cán bộ, chiến sĩ hai Đoàn đại biểu quân sự bí mật đào hầm, xây dựng công sự, chuẩn bị vũ khí, xây dựng phương án tác chiến, sẵn sàng chiến đấu hy sinh nếu kẻ thù thực hiện âm mưu đen tối: san bằng trại Davis…
Trải qua 823 ngày đêm thực hiện nhiệm vụ đấu tranh ngoại giao giữa sào huyệt địch, hai Đoàn đại biểu quân sự đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập nên những chiến công xuất sắc, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Nếu như Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết là thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao kéo dài, đầy khó khăn và phức tạp, thì cuộc đấu tranh buộc đối phương phải tuân thủ và thực thi các điều khoản của Hiệp định là cuộc đấu trí, đấu lý hết sức cam go, quyết liệt, gian khổ, hy sinh trên mặt trận ngoại giao quân sự.
Có thể nói, những thành tích của hai Đoàn đại biểu quân sự đã góp phần làm nên một huyền thoại, độc đáo, sáng tạo về ngoại giao – quân sự Việt Nam. Huyền thoại là bởi, chỉ trong thời gian rất ngắn, từ thỏa thuận Hiệp định (13/1/1973) đến khi Hiệp định có hiệu lực (28/1/1973), đã thành lập xong hai đoàn đại biểu quân sự gồm các tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ được chọn lọc khắp các chiến trường về; các cán bộ ưu tú của Bộ Ngoại giao và các ngành khác, hội tụ thành một lực lượng thống nhất “tuy hai mà một, tuy một mà hai” đi vào trận chiến đấu mới với kẻ thù, không phải bằng súng đạn mà bằng bản lĩnh chính trị, trí tuệ, ngôn ngữ ngoại giao – pháp lý và nhân cách văn hóa, văn minh, “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy trí nhân để thay cường bạo”…
Trại Davis trở thành một biểu tượng sáng ngời của tư tưởng cách mạng tiến công và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam - một sự kiện hiếm thấy trong lịch sử chiến tranh trên thế giới.
Hải Hiền
Ngày 20/4/2012, tại Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam DCCH và Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, việc thành lập hai Đoàn đại biểu quân sự là một sự kiện có ý nghĩa chiến lược, là sách lược sáng suốt của cách mạng Việt Nam, đánh dấu bước thắng lợi có ý nghĩa lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta trên mặt trận ngoại giao quân sự. Đồng thời, đây cũng là bài học vô cùng quý báu trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh và nghệ thuật đấu tranh ngoại giao quân sự của Đảng ta, đó là: vừa đánh vừa đàm; mưu trí, dũng cảm; khôn khéo, mềm dẻo; nhạy bén, linh hoạt; tích cực chủ động tiến công và kết hợp chặt chẽ giữa các hình thức đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao. |