📞

Một mô hình đầu tư song phương tiêu biểu

17:08 | 23/03/2018
Cuộc tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Oman do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Liên doanh Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI) đồng tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội được coi là dịp để hai bên tìm kiếm những cơ hội hợp tác mới nhằm tạo bước đột phá cho quan hệ thương mại đầu tư song phương. 

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế và kỹ thuật Việt Nam – Oman đã diễn ra tại Hà Nội, từ ngày 22-23/3, và đạt được những thành công ngoài mong đợi.

Nhân dịp này, phía Oman cử Đoàn doanh nghiệp tháp tùng Bộ trưởng và các quan chức, đoàn do Ngài Qais Mohammed Al Yousef, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Oman dẫn đầu, với 10 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực.

Toàn cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Oman, ngày 22/3. (Nguồn: VOI)

Dù thời gian chuẩn bị rất ngắn, song cuộc tọa đàm thu hút sự quan tâm của hơn 60 doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực bất động sản, năng lượng, xây dựng, vật liệu xây dựng, du lịch, y tế, giáo dục, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, chế biển thủy hải sản, đóng tàu, thiết bị hàng hải, dầu khí, vận tải và kho bãi, khai khoáng, dệt may...

Đây là cuộc gặp quy mô lớn nhất của doanh nhân hai nước trong 26 năm qua, kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992. Tọa đàm còn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Đại sứ Vương quốc Oman tại Việt Nam - ngài Al-Mahruoqi.

Cầu nối kinh tế cho doanh nghiệp Việt

Tại cuộc tọa đàm, hoạt động của Liên doanh Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI) được xem như mô hình tiêu biểu cho quan hệ kinh tế giữa hai nước. Là công ty liên doanh giữa Quỹ Dự trữ Quốc gia Vương quốc Oman (SGRF) tại Việt Nam với Tập đoàn Đầu tư Vốn Nhà nước Việt Nam (SCIC). VOI được thành lập và hoạt động trên cơ sở thỏa thuận và hỗ trợ của Chính phủ hai nước từ năm 2008. Từ vốn cam kết ban đầu là 100 triệu USD năm 2009, VOI đã tăng vốn lên 200 triệu USD vào năm 2014.

Ông Abdullah Al Harthy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VOI, thành viên Uỷ Ban Hỗn hợp Việt Nam - Oman trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Oman, ngày 22/3. (Nguồn: VOI)

Chú trọng đầu tư cho giáo dục và môi trường...

Với VOI, đầu tư vào giáo dục không chỉ là điều đúng đắn, mà đó còn là một nguyên lý kinh tế thông minh. Dự án đầu tư giáo dục đầu tiên của VOI là Đại học Văn Lang, với 45 suất học bổng cho sinh viên thuộc 18 ngành đào tạo của trường. Tìm thấy những nét tương đồng trong chiến lược phát triển và tầm nhìn, VOI đang kỳ vọng hai bên sẽ trở thành đối tác trong thời gian tới.

Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, các dự án của VOI không chỉ đem lại lợi nhuận cao mà còn đóng góp đáng kể vào việc phát triển các vùng kinh tế quan trọng, nâng cao chất lượng sống và an ninh của hàng triệu người tại các khu vực như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long và vùng Tây Nguyên.

Từ năm 2012, VOI bắt đầu đầu tư vào Công ty cổ phần đầu tư Cơ sở hạ tầng TP. Hồ Chí Minh (CII) - một công ty với nhiều dự án nổi bật đã định hình cảnh quan TP. Hồ Chí Minh và khu vực xung quanh... Liên doanh này hiện nắm giữ gần 9,2% sở hữu vốn trong CII, là một trong những cổ đông lớn nhất của công ty.

Nhận thấy nhu cầu nước sạch đang rất cấp bách ở Việt Nam, VOI đã có nhiều khoản đầu tư vào khu vực này, cụ thể như Dự án Nhà máy nước Sông Đuống ở Hà Nội, Nhà máy Nước Sông Hậu ở Hậu Giang, Nhà máy Nước Sài Gòn và Củ Chi ở TP. Hồ Chí Minh nhằm cung cấp nước sạch cho hàng triệu người dân Việt Nam, nhất là những người sống ở các khu vực nước ngầm bị ô nhiễm hoặc nhiễm mặn.

Ảnh minh họa: Giáo dục là một trong những lĩnh vực mà VOI chú trọng đầu tư. (Nguồn: ĐH Văn Lang)

... và đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao

Chú trọng đến thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đang là một xu hướng của việt Nam trên con đường phát triển. Dự án CIC trồng 1.000ha ca cao ở Tây Nguyên đã nhận được đầu tư 10 triệu USD của VOI từ tháng 2/2016. Dự án sẽ đưa Việt Nam vào bản đồ các nhà xuất khẩu ca cao hàng đầu thế giới, khi vụ ca cao đầu tiên được thu hoạch năm 2019.

Việt Nam là nước cung cấp ca cao chất lượng thuộc loại tốt nhất, với giá xuất khẩu cao hơn khoảng 70% so với giá ca cao trung bình của thế giới. Mới đây, chỉ riêng cây chuối trồng xen với ca cao đã được xuất khẩu thành công sang Trung Đông và Trung Quốc, với giá trị xuất khẩu lên tới 0,7 triệu USD.

Với rất nhiều dự án đầu tư thành công ở Việt Nam, VOI đã giải ngân hơn 200 triệu USD trong vòng gần 10 năm qua, trở thành một dòng đầu tư tiêu biểu từ Trung Đông vào Việt Nam. Với tiềm năng đầu tư vẫn còn rất lớn và sự quan tâm của VOI tới thị trường Việt Nam, việc khơi thông các quy định về đầu tư sẽ mở ra những viễn cảnh mới cho sự hợp tác, góp phần thắt chặt quan hệ kinh tế song phương Việt Nam và Oman, thúc đẩy quan hệ hai nước.