📞

Một ngày trên đất Linh Tiên

14:47 | 17/05/2013
Chúng tôi đến thăm chùa Tứ Kỳ đúng vào dịp nhà chùa tổ chức Đại lễ Phật đản và phát quà từ thiện cho hơn 700 bệnh nhân bệnh viện K (với 2 cơ sở, được gọi là K1 và K2). Nơi địa linh này không chỉ được nhiều người biết đến với những giá trị tín ngưỡng lâu đời gắn liền với lịch sử dân tộc mà còn bởi những hoạt động thiện nguyện đầy tính nhân văn.

Từ Hà Nội, xuôi theo Quốc lộ 1A cũ khoảng 8km, dễ nhận thấy chùa Tứ Kỳ bề thế hiện ra với tháp Phật cao vợi và uy nghiêm phía Nam hồ Linh Đàm, nơi giao nhau giữa đường Linh Đường và Quốc lộ. Phần hồ Linh Đàm phía sau chùa Tứ Kỳ xưa kia chính là Đầm Đại - nơi ở của học trò thủy thần của thầy Chu Văn An. Chính vì thế, ngoài các công trình kiến trúc quen thuộc như cổng Tam quan, nhà Tiền đường, Thượng Điện, Nhà bia, hai nhà Dải vũ, tháp Phật và Điện thờ Mẫu... thì chùa Tứ Kỳ hiện còn có thư viện rộng rãi và thoáng mát nằm bên bờ đầm Đại xưa kia.

Nơi tu tập lý tưởng

Chùa Tứ Kỳ có điểm mạnh hơn các ngôi chùa trong vùng vì nằm trên diện tích rộng, tiện bố trí hài hòa các công trình kiến trúc lớn và sắp đặt không gian với vườn hoa, cây xanh đẹp mắt. Nhờ vậy không gian dành cho việc tu tập của các Phật tử khá rộng rãi và thuận tiện. Vào những dịp cuối tuần, chùa Tứ Kỳ nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường bởi những hoạt động tu tập của Phật tử gần xa với các nội dung kinh hành, niệm Phật và ăn chay...

Ni sư Thích Đàm Vĩnh, trụ trì chùa Tứ Kỳ, cho biết: "Các khóa tu niệm Phật được tổ chức định kỳ tại chùa trong thời gian gần đây đã thu hút đông đảo thiện nam tín nữ tới chùa tham gia tu tập. Huynh đệ trong đạo tràng tu hành rất tinh tiến khiến cho ai nấy tham gia khóa tu đều hết sức hoan hỷ".

Đến thăm chùa đúng vào ngày lễ nên Ni sư Thích Đàm Vĩnh vô cùng bận rộn. Chúng tôi thong thả vãn cảnh chùa và tham dự lễ phát quà từ thiện cho các bệnh nhân Bệnh viện Ung bướu Trung ương (K). Chị Nguyễn Thị Oanh (quê Tam Đảo - Vĩnh Phúc), bệnh nhân ung thư, tâm sự: "Tôi bị bệnh nặng, chẳng biết sống chết lúc nào. Nhưng biết đâu đến đây lại được Phật thương. Từ khi bước chân vào đây, tôi thấy nhẹ nhõm, thanh thản lắm".

Tại buổi phát quà từ thiện này, mỗi bệnh nhân được tặng một phần quà gồm 200.000 đồng tiền mặt, một cuốn Kinh Hiền Nhân, một đĩa CD với nội dung "Niệm Phật chuyển hóa tế bào ung thư" và một bức tranh Phật. Những người bệnh có mặt tại buổi lễ đều hết sức vui mừng khi nhận được quà. Với họ, giá trị vật chất của món quà tuy không lớn so với chi phí mà họ đang phải trang trải để chiến đấu với căn bệnh ung thư, giành lại cuộc sống, nhưng giá trị tinh thần là không gì so sánh được.

Tại đây, Phật tử, các bệnh nhân và du khách thập phương được nhà chùa khoản đãi bữa trưa chay tịnh với món cháo nấm và rau. Theo giảng giải của các Phật tử thì ý nghĩa của món cháo nấm không chỉ là món ăn chay tịnh phổ biến mà còn có tác dụng tăng sức đề kháng cơ thể, giúp giải độc và bảo vệ tế bào gan...

Sau chương trình văn nghệ do các Phật tử biểu diễn đã diễn ra Lễ phóng sinh và Lễ tắm Phật. Tắm Phật là nghi lễ thông lệ trong mỗi dịp Đại Lễ Phật Đản.

Thư viện Phật giáo lớn nhất miền Bắc

Không chỉ khác với những ngôi chùa khác về quy mô và sự phong phú của hoạt động tu tập, chùa Tứ Kỳ cũng là một trong hai chùa tại miền Bắc có thư viện (cùng với chùa Quán Sứ - Hà Nội). Tháng 1/2013, chùa Tứ Kỳ đã phối hợp với Trung Tâm Diệu Pháp Âm (Tp Hồ Chí Minh) khánh thành Cơ sở 2 Trung tâm Diệu Pháp Âm tại đây.

Chú tiểu Viên Lâm, phụ trách Thư viện cho biết: "Hiện Thư viện có khoảng 2.500 đầu sách và trên 600 đầu đĩa để phục vụ Phật tử và người dân đến mượn đọc tại chỗ hoặc mượn về nhà. Bạn đọc của Trung tâm Diệu pháp Âm sẽ được mượn sách trong thời gian 2 tuần. Ngoài ra, Trung tâm Diệu pháp Âm tại đây cũng tổ chức các hoạt động như khóa tu mùa Hè cho học sinh từ lớp 5 đến lớp 12, mở các lớp dạy ngoại ngữ, tu, thiền miễn phí".

Ngoài các hoạt động trên thì hoạt động ấn tống (quyên góp sách tặng Thư viện chùa) tới các tỉnh xa nhằm phục vụ các Phật tử có hoàn cảnh khó khăn đang được triển khai rất hiệu quả. Kinh phí dành cho hoạt động này lấy từ nguồn công đức tiền mặt hoặc gửi sách ấn tống của Phật tử muôn phương gửi về.

Những người làm trong Thư viện đều là tình nguyện viên, gồm sinh viên, người đang đi làm hoặc người đã nghỉ hưu... Các tình nguyện viên của Thư viện thường đến làm thay nhau, vào thứ 7 hoặc Chủ nhật. Theo Phật tử Bùi Thị Dinh (sinh viên ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội), thủ thư của Thư viện: "Trực tại đây tôi thấy tâm mình yên tĩnh. Vào những khóa tu, khách đến đọc sách và đăng ký làm thẻ thư viện để mượn sách về nhà đọc rất đông. Còn những khi vãn khách, tôi ngồi nghe giảng pháp hoặc đọc sách".

Sau 4 tháng hoạt động, số người đăng ký làm thẻ thư viện hiện khoảng gần 500 người. Thư viện có các loại sách về thiền, tịnh độ, luận, sách lịch sử, báo chí, truyện tranh… Điều đặc biệt thú vị là bạn đọc của Thư viện Diệu pháp Âm phần lớn là các bạn trẻ.

Theo Ni sư Thích Đàm Vĩnh, Trung tâm Diệu Pháp Âm cơ sở II ra đời với tinh thần "Hoằng dương Phập pháp, lợi lạc quần sinh, với mong muốn mang ánh sáng Phật Đà đến với mọi tầng lớp nhân dân Phật tử, giúp cho Phật tử giác ngộ chân lý, từ bỏ những hủ tục mê tín, cải tà quy chính, tu dưỡng thân tâm, sống tốt đời đẹp đạo".

Chúng tôi rời chùa Tứ Kỳ trong bóng chiều chạng vạng. Những phật tử cuối cùng còn lưu lại chùa đang lục tục thu dọn đồ đạc sau một ngày thiện nguyện bận rộn. Phía tháp Phật vẳng lên những lời dạy chính pháp của Đức Thế Tôn:

"Tự xây hòn đảo mà nương

Tinh cần gấp rút dọn đường tuệ tri

Gỡ bao nhơn bẩn ngu si

Mở cửa Thánh địa ra đi nhẹ nhàng..."

Khánh My

Chùa Tứ Kỳ là tên gọi theo địa danh của thôn trước đây, tên chữ là Linh Tiên tự (chùa Linh Tiên). Theo tư liệu thành văn hiện lưu tại chùa là Tấm bia niên hiệu Chính Hoà (1689) và chiếc chuông đồng niên hiệu Thiệu Trị (1841) có thể đoán định niên đại khởi dựng ngôi chùa ít nhất là trước thế kỷ XVIII và từng được đại trùng tu vào thời Nguyễn.

Thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945, chùa Tứ Kỳ là một cơ sở cách mạng quan trọng của Xứ uỷ Bắc Kỳ. Đầm sen sau chùa là nơi ẩn náu của các chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ này và sư cụ Đàm Dần - trụ trì chùa lúc bấy giờ từng được chính phủ tặng Huân chương kháng chiến.

Trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, chùa cổ nhiều lần bị phá hủy - khi thì do yêu cầu tiêu thổ kháng chiến chống Pháp, lúc lại là tiêu điểm của bom Mỹ do nằm gần ga Văn Điển. Các công trình kiến trúc của chùa bị hư hại nặng nề. Phía bên phải nhà Tiền đường từng bị bom Mỹ phá cụt phần búp sen. Trải qua nhiều lần đại trùng tu bằng nguồn kinh phí do phật tử gần xa công đức, hiện chùa Tứ Kỳ đã có một cơ ngơi khang trang, bề thế nhưng vẫn mang đậm phong cách kiến trúc Phật giáo truyền thống.

Chùa Tứ Kỳ thờ Phật theo phái Đại thừa, thờ Tổ, thờ Mẫu theo tín ngưỡng dân gian, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn". Những di vật văn hoá hiện còn trong chùa, cùng bộ tượng tròn và các công trình kiến trúc là những minh chứng về nguồn gốc lịch sử, sự biến động đổi thay của ngôi chùa trong lịch sử dân tộc.

Chùa Tứ Kỳ là một trung tâm sinh hoạt văn hoá tâm linh của một cộng đồng dân cư và là nguồn sử liệu về sự tồn tại của làng cổ Tứ kỳ. Đây cũng là nguồn sử liệu góp phần nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử phát triển của đạo Phật phái thiền tông trên vùng đất phía nam Thăng Long - Hà Nội (thế kỷ XVIII - XIX).