Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 8/3, Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov cho biết, quốc gia Balkan này không thể ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga.
Phát biểu với báo giới bên lề một kỳ họp của Quốc hội, Thủ tướng Petkov nêu rõ: "Chúng tôi làm việc với Liên minh châu Âu (EU) nhằm đảm bảo những biện pháp trừng phạt có sức mạnh tối đa, song một điều mà chúng tôi không thể làm là chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Nga".
Theo ông, các nước thành viên EU sẽ "trải qua khó khăn lớn" nếu quyết định cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt Nga, do sự phụ thuộc rất lớn của các quốc gia này vào nguồn năng lượng của Moscow cho đến khi khối có sự đa dạng hóa về nguồn cung năng lượng.
Hiện Bulgaria tiếp nhận 77% khí đốt tự nhiên từ tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga và nhà máy lọc dầu duy nhất của nước này thuộc quyền sở hữu của công ty dầu khí Lukoil, Nga.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock giải thích lý do nước này quyết định không cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga.
Bà Baerbock nhấn mạnh, nếu Đức cảm thấy quyết định cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga sẽ góp phần kết thúc chiến tranh, thì nước này sẽ hành động, tuy nhiên, thực tế không phải là như vậy. Trong khi đó, Nga cung cấp khoảng 1/3 nhu cầu nhập khẩu dầu mỏ của Đức, mức phụ thuộc cao hơn nhiều so với Mỹ.
Theo nhà ngoại giao Đức: “Nếu chúng ta dừng ngay những hoạt động nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, thì ngày mai chúng ta sẽ không thể di chuyển trong nước Đức được nữa”.
Trong tình huống đó, những lao động thiết yếu như giáo viên và y tá sẽ không thể tới nơi làm việc và có thể sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện.
Ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và các nguồn năng lượng khác của Nga. Chính phủ Anh sau đó cũng thông báo sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay.
Cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) công bố kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt mà EU nhập khẩu từ Nga trong năm nay và chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu của Moscow “trước năm 2030”.
Trước đó, ngày 7/3, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo, việc áp đặt cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường toàn cầu. Giá dầu sẽ tăng không dự đoán được, có thể lên đến 300 USD/thùng.
Ngay sau lệnh cấm của Mỹ, giá xăng dầu tại nước này đã lên cao kỷ lục, vượt ngưỡng 4 USD/1 gallon (3,78 lít).
Trong khi đó, khép phiên 8/3, giá dầu Brent biển Bắc tăng 3,9% lên 127,98 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 3,6% lên 123,70 USD/thùng.
| Mỹ chính thức ra lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga, Anh-EU nêu kế hoạch tương ứng Trong phát biểu ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và các nguồn năng lượng ... |
| Chưa kịp phục hồi, chuỗi cung ứng toàn cầu lại 'hứng đòn' từ xung đột Nga-Ukraine Theo tờ The New York Times, căng thẳng Nga-Ukraine đang làm xáo trộn các chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã rất mong manh sau ... |