Việc Ukraine ngừng thỏa thuận trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu khiến 2 nước thành viên EU nổi giận. (Nguồn: Shutterstock) |
Ngày 9/1, khi đại diện nhiều nước EU, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ đang tề tựu tại căn cứ quân sự Ramstein ở Đức để họp về việc hỗ trợ Ukraine trong xung đột với Nga, Slovakia, một thành viên thuộc cả EU và NAO, tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả Kiev về việc ngừng trung chuyển khí đốt Nga.
Từ đầu tháng 1, Ukraine đã chấm dứt thỏa thuận trung chuyển khí đốt của Nga qua nước này đến châu Âu, khiến Slovakia và Hungary phản ứng mạnh. Thủ tướng Slovakia Robert Fico cáo buộc Kiev gây thiệt hại cho nước này khi không gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine.
THX dẫn lời ông Fico cho biết, chính phủ Slovakia có thể cắt đứt các nguồn cung cấp điện khẩn cấp cho Ukraine, giảm hỗ trợ người tị nạn và xem xét ngừng viện trợ nhân đạo cho Kiev như một phần trong các biện pháp đối phó với việc ngừng trung chuyển khí đốt trên.
Theo nhà lãnh đạo, Slovakia không muốn leo thang căng thẳng nhưng sẽ thực hiện các biện pháp trên nếu không đạt giải pháp.
Trở lại kết quả của cuộc họp của Nhóm tiếp xúc quốc phòng Ukraine, gồm khoảng 50 quốc gia, tại căn cứ không quân Ramstein, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 500 triệu USD cho Kiev.
Gói viện trợ này bổ sung tên lửa cho phòng không Ukraine, đạn dược, vũ khí không đối đất và các thiết bị khác để hỗ trợ tiêm kích F-16 của Ukraine.
Trong khi đó, theo Sputnik, Bộ Quốc phòng Anh cho biết sẽ cung cấp 30.000 thiết bị bay không người lái (UAV) cho Ukraine trong khuôn khổ cam kết với Liên minh năng lực UAV từ các nguồn Anh, Đan Mạch, Hà Lan, Latvia và Thụy Điển.
Anh đã cam kết bổ sung 7,5 triệu Bảng (hơn 9,2 triệu USD) vào Quỹ chung của Liên minh năng lực UAV hồi tháng 11/2024, nâng tổng đóng góp lên 15 triệu Bảng. Tính đến nay, liên minh đã huy động tổng cộng 73 triệu Bảng từ tất cả các đối tác.
Đối với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, phát biểu tại căn cứ không quân Ramstein, nhà lãnh đạo kêu gọi các đồng minh phương Tây gửi quân để "buộc Nga phải hòa bình".
Ông đã có chuyến đi tới Italy và gặp Thủ tướng nước chủ nhà Giorgia Meloni để thảo luận về việc tăng cường an ninh, giải quyết các diễn biến toàn cầu và chuẩn bị cho Hội nghị phục hồi Ukraine năm nay sẽ được tổ chức tại Rome.
Tại đây, bà Meloni "tái khẳng định sự ủng hộ toàn diện của Italy" với Ukraine và tiếp tục cung cấp hỗ trợ để giúp Kiev "có điều kiện tốt nhất có thể để xây dựng một nền hòa bình công bằng và lâu dài".