Ngoại trưởng Ukraine Kuleba (trái) tham dự các cuộc họp của Ủy ban Ukraine-NATO và Hội nghị ngoại trưởng của liên minh quân sự từ ngày 4-5/4 tại Brussels, Bỉ. (Nguồn: Ukrinform) |
Cho rằng động thái này làm suy yếu sự thống nhất trong NATO, Ngoại trưởng Hungary viết trên mạng xã hội rằng: “Lời mời Ngoại trưởng Ukraine vi phạm nguyên tắc đoàn kết trong liên minh, song chúng tôi vẫn tham dự Hội nghị như một dấu hiệu mang tính xây dựng”.
Ông Szijjarto một lần nữa tuyên bố, Budapest sẽ chỉ hỗ trợ Kiev gia nhập NATO nếu Ukraine trả lại cho cộng đồng người Hungary ở Transcarpathian (thuộc Ukraine) những quyền mà họ được hưởng trước năm 2015.
Căng thẳng trong quan hệ giữa Ukraine và Hungary nảy sinh khi Kiev thực thi luật giáo dục mới, qua đó làm giảm đáng kể khả năng giáo dục bằng ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, quốc kỳ Hungary đã bị gỡ bỏ khỏi các tổ chức công cộng ở Mukachevo và một số ngôi làng, đồng thời, một số nhà lãnh đạo thân cận với Hiệp hội Văn hóa Transcarpathia của Hungary đã bị sa thải. Budapest cáo buộc Kiev đàn áp người Hungary thiểu số.
Cũng theo Ngoại trưởng Hungary, các quốc gia thành viên NATO nên làm mọi thứ có thể để ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột trực tiếp với Nga.
Phát biểu của Ngoại trưởng Hungary được đưa ra trong bối cảnh cùng ngày, NATO khai mạc Hội nghị ngoại trưởng của khối.
Trong khuôn khổ sự kiện kéo dài 2 ngày này, Ủy ban Ukraine-NATO đã tiến hành cuộc họp theo triệu tập của Tổng thư ký liên minh quân sự Jens Stoltenberg bất chấp sự phản đối của Budapest.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Stoltenberg tuyên bố: “Tương lai của Ukraine nằm trong đại gia đình châu Âu-Đại Tây Dương. Chúng ta sẽ tiếp tục hướng tới mục tiêu đó”.
Tổng thư ký NATO gọi cuộc họp trên là một cột mốc quan trọng trên con đường tiến tới Hội nghị thượng đỉnh của liên minh ở Vilnius (Lithuania).
Theo ông, các quan chức tham gia sẽ thảo luận về “những gì có thể làm thêm để đảm bảo Ukraine chiến thắng và chiếm ưu thế với tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền ở châu Âu”.
Theo người đứng đầu Ban thư ký NATO, liên minh quân sự đã hỗ trợ rất nhiều cho Kiev, song thừa nhận cần nỗ lực hơn nữa, chẳng hạn như “thực hiện các cam kết về huấn luyện và cung cấp vũ khí hạng nặng mới, đồng thời tiếp tục tăng cường sản xuất vũ khí và đạn dược”.
Bên cạnh đó, ngoại trưởng các quốc gia thành viên NATO sẽ thảo luận về kế hoạch tăng cường hỗ trợ chính trị cho Ukraine, cũng như những chương trình cải cách mà nước này đang thực hiện để phòng, chống tham nhũng, tăng cường pháp quyền và bảo vệ quyền lợi của các dân tộc thiểu số.