Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Thanh Bình tặng hoa cho các diễn giả tham dự buổi nói chuyện chuyên đề 'Một số góc nhìn về quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam'. (Ảnh: Anh Sơn) |
Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Thanh Bình; cán bộ, đảng viên, nhân viên các đơn vị của Bộ Ngoại giao, sinh viên Học viện Ngoại giao và Đoàn Thanh niên cơ quan Ban Đối ngoại Trung ương và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tham dự bằng hình thức trực tuyến.
Ba diễn giả tham gia tại buổi nói chuyện có: Thiếu tướng Phạm Sơn Dương, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Bộ Quốc phòng. Ông là con trai của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Geneva năm 1954;
Diễn giả thứ hai là Thiếu tướng Tạ Quang Chính, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng. Ông là con trai của cố Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu - người thay mặt phái đoàn Việt Nam ký Hiệp định Geneva;
Diễn giả thứ ba là Đại sứ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao giao.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Thanh Bình cho biết, buổi nói chuyện chuyên đề về Hiệp định nhằm tuyên truyên sâu rộng ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của Hiệp định, khơi dậy và lan tỏa lòng yêu nước, tự hào dân tộc và tình yêu đối với ngành Ngoại giao, từ đó tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ.
Mỗi chuyên đề hôm nay sẽ xoay quanh một chủ đề liên quan đến quá trình đàm phán, ký kết và thi hành Hiệp định, cung cấp những thông tin và cách đánh giá mới về quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam qua góc nhìn của những vị khách mời rất đặc biệt.
Thứ trưởng khẳng định, thông qua những chia sẻ từ các diễn giả, Bộ Ngoại giao mong muốn sẽ được tiếp cận về Hiệp định Geneva từ góc nhìn lịch sử, toàn diện, thực tiễn, khách quan. Đó là góc nhìn của người lính, của thân nhân những nhân chứng lịch sử và góc nhìn của nhà nghiên cứu về sự kiện, về quá trình đàm phán, ký kết và thi hành Hiệp định, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc hoạch định và triển khai đường lối đối ngoại của Đảng trong thời kỳ chiến lược mới của đất nước.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Thanh Bình phát biểu khai mạc tại hội trường và qua trực tuyến đến các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh: Anh Sơn) |
Tại buổi nói chuyện, Thiếu tướng Phạm Sơn Dương - con trai của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã kể lại thời điểm ông được sống cùng ba và Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch, được cha ông kể cho nghe những câu chuyện về Bác Hồ kính yêu, trong đó có câu chuyện về bài học ngoại giao tại Hội nghị Geneva.
“Đó là sự dự đoán chính xác của Bác Hồ về việc Việt Nam tham dự Hội nghị Geneva sẽ gặp những áp lực rất lớn, nhất là sự can thiệp của các nước lớn vào hội nghị”, ông Dương nói. Suốt thời gian diễn ra hội nghị, trưởng đoàn Phạm Văn Đồng thường xuyên báo cáo và xin ý kiến trực tiếp của Bác Hồ.
"Bác căn dặn ba tôi là trong đàm phán phải kiên quyết bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược và bước đi để đạt được mục đích là buộc Pháp phải công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia", Thiếu tướng Phạm Sơn Dương kể tiếp.
Theo Thiếu tướng Tạ Quang Chính, ngày 13/3/1954, Giáo sư Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, có mặt trong Đoàn đại biểu Chính phủ ta rời chiến khu Việt Bắc, lên đường qua Trung Quốc và Liên Xô, tới Thụy Sỹ dự Hội nghị Geneva về Đông Dương.
Ngày 4/5/1954, đoàn đến Thụy Sỹ giữa lúc Hội nghị Geneva bàn về Triều Tiên đang họp nhưng “phía ta chưa nhận được lời mời chính thức của hội nghị”.
Ở Việt Nam, tình hình lúc đó vô cùng khẩn trương trên cả mặt trận quân sự và ngoại giao. Trên chiến trường, quân ta đẩy mạnh tấn công, quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tại Thụy Sỹ, đoàn ta vừa chuẩn bị nội dung đấu tranh trong đàm phán; dự kiến các tình huống xấu và lập phương án đặt ra trên bàn hội nghị, vừa chờ lời mời chính thức của hội nghị do Liên Xô và Anh làm chủ tọa.
Đoàn ta mới có lời mời chính thức tham gia hội nghị vào chiều 8/5, sau khi có tin chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong quá trình Hội nghị diễn ra, bên cạnh các phiên họp tập thể, Hội nghị thành lập cơ chế để giải quyết các vấn đề quân sự.
Cuối cùng, sau rất nhiều cuộc đàm phán, đêm ngày 20, rạng sáng ngày 21/7, Hội nghị Geneva kết thúc, thông qua Tuyên bố chung. Thứ trưởng Tạ Quang Bửu đại diện Bộ Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam đã ký Hiệp định đình chỉ chiến sự với tướng Delteil của Pháp, trước sự chứng kiến của các quan khách và báo chí nước ngoài.
Các cán bộ, nhân viên ngành Ngoại giao và sinh viên Học viện tham dự buổi nói chuyện. (Ảnh: Anh Sơn) |
Tham gia tại buổi nói chuyện, PGS. TS. Đại sứ Dương Văn Quảng nhấn mạnh đến bối cảnh thế giới và quan hệ quốc tế lúc đó có nhiều phức tạp, các nước lớn tham gia Hội nghị Geneva đều theo đuổi những mục tiêu, lợi ích khác nhau. PGS. TS. Đại sứ Dương Văn Quảng khẳng định, việc tham gia Hội nghị và ký kết Hiệp định 70 năm trước là một thành công lớn của ngoại giao Việt Nam, đánh dấu lần đầu tiên ngoại giao Việt Nam tham dự một cuộc đàm phán đa phương với sự tham gia của các cường quốc để bàn về các vấn đề liên quan tới quyền cơ bản của chính dân tộc mình.
Hiệp định Geneva khẳng định rõ sự tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và việc rút hoàn toàn quân đội Pháp ra khỏi Việt Nam; tạo nên cơ sở pháp lý và nền móng để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh bền bỉ đi tới thắng lợi, giành được hoàn toàn độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước 20 năm sau đó.
Cũng tại buổi nói chuyện, dưới sự chủ trì của Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Ngoại giao Nguyễn Đắc Thành, các diễn giả đã giải đáp nhiều câu hỏi của cán bộ, nhân viên và các sinh viên về quá trình đàm phán, sự tham dự của các bên, những “góc khuất” trong quá trình đàm phán…
Các diễn giả tham gia thảo luận và trả lời câu hỏi của cán bộ, nhân viên và sinh viên Học viện Ngoại giao. (Ảnh: Anh Sơn) |
Có thể khẳng định, thông qua buổi nói chuyện là dịp để các cán bộ, nhân viên và sinh viên Ngoại giao cùng nhau tri ân sự hy sinh và công lao và to lớn của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ cách mạng tiền bối, nhất là đối với những cán bộ đã tham gia đóng góp vào quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneva.
Đây cũng là dịp để các cán bộ ngoại giao trẻ, các sinh viên hiểu và trân quý hơn giá trị của độc lập, tự do mà các thế hệ cha anh đã hy sinh bao xương máu, tuổi trẻ mới có được. Để từ đó, thế hệ trẻ được truyền cảm hứng và động lực để tận tâm cống hiến cho nền ngoại giao nước nhà, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.