Nhà máy điện khí đốt tự nhiên Mitte Combined Heat and Power do Vattenfall AB vận hành tại Berlin, Đức. (Nguồn: Bloomberg) |
Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga xác nhận, hoạt động xuất khẩu khí đốt sang châu Âu thông qua Ukraine đã dừng lại vào khoảng 8h sáng (giờ địa phương) ngày 1/1/2025.
Động thái này đánh dấu sự kết thúc của thỏa thuận quá cảnh kéo dài 5 năm giữa Nga và Ukraine, khi không bên nào muốn gia hạn hay ký kết thỏa thuận mới trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt vẫn đang diễn ra.
Những nước nào bị ảnh hưởng nhiều nhất?
Tin liên quan |
Quốc gia EU nổi giận vì hành động Ukraine bít cửa trung chuyển khí đốt Nga, tuyên bố xem xét tung đòn đáp trả |
Tháng 12/2024, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tuyên bố, đất nước sẽ không kéo dài quá trình vận chuyển khí đốt của Nga.
Nga - nước đã vận chuyển khí đốt đến châu Âu qua đường ống của Ukraine kể từ năm 1991 - cho biết, các nước Liên minh châu Âu sẽ (EU) chịu thiệt hại nhiều nhất từ sự thay đổi nguồn cung. Moscow vẫn có thể vận chuyển khí đốt qua đường ống TurkStream, nối Nga với Hungary, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Reuters, Kiev sẽ mất tới 1 tỷ USD/năm tiền phí vận chuyển khí đốt từ Moscow, trong khi Gazprom sẽ mất tới 5 tỷ USD/năm tiền bán khí đốt.
Theo tổ chức nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels, thỏa thuận đã hết hạn này chiếm khoảng 5% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU và chủ yếu cung cấp cho Áo, Hungary và Slovakia.
Hiện tại, sau khi hết hạn, châu Âu nhận khí đốt qua đường ống từ Nga thông qua một tuyến đường duy nhất: Đường ống Turkstream, chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ và đến Bulgaria, Serbia và Hungary.
Ủy ban châu Âu (EC) cho biết đã làm việc với các quốc gia thành viên EU bị ảnh hưởng nhiều nhất do việc chấm dứt thỏa thuận vận chuyển khí đốt để bảo đảm toàn bộ khối 27 quốc gia này đã sẵn sàng cho kịch bản này.
Slovakia, Áo và Moldova là những quốc gia ảnh hưởng nhiều nhất khi thỏa thuận chấm dứt. Theo công ty tư vấn năng lượng độc lập Rystad Energy, đây là những quốc gia châu Âu phụ thuộc nhiều nhất vào khối lượng khí đốt quá cảnh của Nga vào năm 2023.
Cụ thể, Slovakia nhập khẩu khoảng 3,2 tỷ mét khối trong năm, Áo nhận được 5,7 tỷ mét khối và Moldova nhận được 2 tỷ mét khối.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico cảnh báo, việc Ukraine chấm dứt thỏa thuận vận chuyển khí đốt sẽ có tác động mạnh mẽ đến EU mà không gây hại cho Nga. Ông cũng đe dọa sẽ cắt nguồn cung cấp điện cho nước láng giềng Ukraine.
Ông Fico đã có chuyến thăm bất ngờ tới Moscow để hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay trước Giáng sinh.
Áo khẳng định đã chuẩn bị tốt cho việc dừng dòng khí đốt này, nhưng nhiều nước khác lại lo ngại hơn.
Trong khi đó, Moldova - quốc gia không phải là thành viên của EU - đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 60 ngày vào tháng trước vì lo ngại về an ninh năng lượng.
Việc hết hạn thỏa thuận giữa Nga và Ukraine không đe dọa đến an ninh năng lượng của EU bởi khối đã thực hiện để chuẩn bị cho việc cắt giảm nguồn cung và thời tiết mùa Đông ôn hòa. (Nguồn: Getty Images) |
Một sự kiện lịch sử
Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Galushchenko mô tả, việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga qua Ukraine là một “sự kiện lịch sử”.
Ông Galushchenko nói: “Nga đang mất thị trường lớn, họ sẽ phải chịu tổn thất về tài chính".
Riêng Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radek Sikorski ca ngợi diễn biến này là một "chiến thắng chính trị", cáo buộc Tổng thống Putin của Nga đã cố gắng “tống tiền Đông Âu bằng mối đe dọa cắt nguồn cung cấp khí đốt”.
Còn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thì gọi động thái này là "một trong những thất bại lớn nhất của Moscow".
Trong bài đăng trên Telegram hôm 2/1, ông cáo buộc Nga "biến năng lượng thành vũ khí" và bày tỏ hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ tăng nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Dữ liệu mới nhất do nhóm công nghiệp Gas Infrastructure Europe biên soạn cho thấy, các cơ sở lưu trữ khí đốt của EU đã đầy khoảng 73%. Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất và là nước tiêu thụ khí đốt lớn nhất châu Âu, lượng hàng dự trữ hiện ở mức gần 80%.
Châu Âu có lo lắng?
Ông Henning Gloystein, người đứng đầu nhóm năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại Eurasia Group cho biết, quyết định của Ukraine nhằm ngăn chặn dòng khí đốt của Nga chảy vào EU không có gì đáng ngạc nhiên vì cả Kiev và Moscow từ lâu đã tuyên bố rằng, họ sẽ không sẵn sàng gia hạn thỏa thuận trong điều kiện hiện tại.
Ông Gloystein nêu quan điểm, việc hết hạn thỏa thuận không đe dọa đến an ninh năng lượng của EU bởi khối đã thực hiện để chuẩn bị cho việc cắt giảm nguồn cung và thời tiết mùa Đông ôn hòa.
"Giá khí đốt biến động trong những tháng tới có thể sẽ phụ thuộc vào diễn biến chính trị trong xung đột Nga-Ukraine và tình hình thời tiết.
Về mặt chính trị, có những cuộc đàm phán đang diễn ra ở EU (ví dụ như Slovakia, nơi nhiều đường ống của Ukraine đi vào EU), để tìm ra một sự thỏa hiệp có thể cho phép một số nguồn cung cấp khí đốt được nối lại. Tuy nhiên, theo tôi, sẽ không có tiến triển nào trong các cuộc đàm phán vào khoảng đầu năm”, ông Gloystein nhấn mạnh.
Ngoài ra, châu Âu đã nhập khẩu một lượng lớn LNG từ Mỹ và các quốc gia khác. Vì vậy, khi thỏa thuận trung chuyển khí đốt hết hạn, các quốc gia nhận châu Âu có thể đi tiếp con đường này và không có nguy cơ thiếu hụt năng lượng.
Tuy nhiên, ông Massimo Di Odoardo, một nhà nghiên cứu khí đốt tự nhiên cấp cao tại công ty dữ liệu năng lượng Wood Mackenzie dự báo, mọi chuyện sẽ không dễ dàng như vậy. Châu Âu khó có thể nạp đầy kho dự trữ vào mùa Đông năm 2025. Đó là một lý do tại sao giá khí đốt ở châu Âu có khả năng vẫn tiếp tục tăng.
Theo Sàn giao dịch liên lục địa New York, giá khí đốt tháng đầu tiên tại trung tâm TTF của Hà Lan - một chuẩn mực của châu Âu về giao dịch khí đốt tự nhiên - đã tăng 1,2% lên 49,49 EUR cho mỗi megawatt/giờ vào ngày 2/1.
Không chỉ thế, đã có dấu hiệu căng thẳng trong khu vực. Reuters đưa tin, Transnistria, một khu vực ly khai của Moldova, đã cắt nguồn cung cấp nước nóng và sưởi ấm cho các hộ gia đình sau khi thỏa thuận trung chuyển hết hạn. Transnistria chuyển sang sử dụng than để vận hành nhà máy điện Kuciurgan - cơ sở sản xuất điện lớn nhất của Moldova được đặt tại Transnistria.
| Làn sóng đầu tư vào Đông Triều, Quảng Ninh vẫn tiếp tục tăng cao với nhiều dự án 'triệu USD' Với quan điểm hạ tầng đi trước một bước, Đông Triều đã đầu tư, hoàn thành một số tuyến giao thông mang tính kết nối ... |
| Lộ diện 9 thành viên đối tác mới của BRICS, có hai nước Đông Nam Á Brazil chính thức đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) từ ngày ... |
| 5 'hòn đá tảng' với kinh tế Thái Lan, 'người ốm' có vực dậy trong năm 2025? Ông Aat Pisanwanich, chuyên gia về kinh tế quốc tế và các vấn đề ASEAN kiêm cố vấn tại Intelligence Research Consultant Co Ltd nhận ... |
| Báo Trung Quốc: BRICS không chống phương Tây, không ‘chọn phe’, chỉ theo đuổi quyền tự chủ Tờ Globaltimes của Trung Quốc đăng bài bình luận về một nhánh phát triển mới của BRICS, theo đó, quan hệ đối tác mới của ... |
| 'Cỗ máy' kinh tế Việt Nam năm 2025 đã sẵn sàng tăng tốc, bứt phá Sự quyết tâm của Việt Nam được thể hiện ở việc Thủ tướng Chính phủ phát đi thông điệp mạnh mẽ tại Công điện 137/CĐ-TTg ... |