Do kinh tế đang rất khó khăn, lần đầu tiên EU phải thảo luận về việc cắt giảm ngân sách và sự khác biệt trong vấn đề này giữa các thành viên là lý do chủ yếu dẫn đến đổ vỡ của Hội nghị. Dù vậy, tuyên bố chung sau Hội nghị cũng như phát biểu của lãnh đạo EU không tỏ thất vọng, họ cho biết muốn suy nghĩ thấu đáo hơn bởi tính chất quan trọng của MMF trong giai đoạn tới và tin tưởng sẽ giải quyết được vấn đề này tại Brussels vào đầu năm sau. Tuy nhiên, thời gian không còn nhiều, buộc các quốc gia EU phải có những biện pháp cấp bách và thực tế để ổn định tình hình.
Những mục tiêu khác nhau
Các cuộc đàm phán truyền thống của EU về ngân sách giữa một bên đóng góp ngân sách và các đối tượng thụ hưởng thường đi đến thất bại.Nói chung, các nước giàu thường phải đóng góp nhiều hơn, trong khi các nước nghèo lại được nhận nhiều hơn, cũng có một số nằm ngoài quy luật đó. Chẳng hạn, trong khi Bồ Đào Nha, Slovenia và Hy Lạp được thụ hưởng nhiều từ ngân sách EU, thì Luxembourg lại không được nhận bất cứ phần tương xứng nào cho đóng góp của mình.
Bởi thế mà quá trình thảo luận về ngân sách trong lịch sử EU chưa bao giờ dễ dàng, thông thường phải qua 2 hoặc 3 phiên họp cấp cao mới có thể thông qua được ngân sách chung cho giai đoạn 7 năm tiếp theo. Quá trình này càng trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Eurozone, diễn biến tiêu cực của kinh tế châu Âu với dự báo tăng trưởng âm 0,3% năm 2012 và bản thân ngân sách nhiều nước thành viên rất khó khăn. Bên cạnh đó, dự trù ngân sách chung không nhiều, chỉ vào khoảng 1% tổng GNI của châu Âu trong giai đoạn 7 năm và thấp hơn nhiều so với ngân sách hàng năm của nhiều nước thành viên.
Chính vì thế, dư luận chung không bất ngờ về thất bại của Hội nghị. Tuy nhiên, có những diễn biến mới càng cho thấy sự khó khăn trong quá trình trao đổi về dự thảo ngân sách chung. Trong khi nhóm 8 nước đóng góp nhiều cho ngân sách chung châu Âu đi đầu là Anh đòi hỏi một cách quyết liệt phải cắt giảm dự thảo MMF từ 5-10%, thì các nước khác muốn ít nhất giữ nguyên mức ngân sách và tăng chi tiêu cho một số lĩnh vực phù hợp với lợi ích quốc gia, chẳng hạn Pháp muốn tăng trợ cấp nông nghiệp, các nước Đông Âu muốn tăng đầu tư để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi. Thỏa hiệp tạm thời đạt được tại Hội nghị là tăng ngân sách cho nông nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi, giữ nguyên ngân sách cho các cơ quan của châu Âu và giảm ngân sách cho cơ sở hạ tầng, công nghệ vũ trụ, viện trợ phát triển.
Ngoài ra, trong sự việc này đã tỏ rõ liên kết truyền thống Đức-Pháp về ngân sách trở nên lỏng lẻo do khác biệt về lợi ích cũng như cách thức tiếp cận đối với việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công, do vậy, Đức-Pháp không thể hiện được vai trò trung gian để giúp hội nghị đạt được thỏa thuận như Tổng thống Pháp Hollande đã cam kết trước Hội nghị.
Và có vẻ như EU có thể chi tiêu ít hơn hay chi tiêu tốt hơn, nhưng cả hai sự lựa chọn này đều không phải là những gì mà các nhà lãnh đạo châu Âu mong muốn. Có lẽ, đây là điều còn đáng buồn hơn cả cuộc chiến ngân sách hiện nay.
Tính toán của bà Merkel
Tại Hội nghị, mặc dù tất cả các cuộc thảo luận đều tìm cách để thuyết phục Anh - quốc gia muốn phủ quyết ngân sách, song Thủ tướng Đức -Angela Merkel, đã không cô lập Thủ tướng Anh David Cameron nhằm tránh một sự đổ vỡ có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Bà phát biểu: “Tôi muốn tiến tới một thỏa thuận với tất cả 27 quốc gia và không loại trừ bất kỳ một nước nào trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.Tuy nhiên, điều đó thể hiện lợi ích cá nhân của nước Đức và một số quốc gia khác. Các quốc gia này cần một thỏa thuận để đảm bảo việc giảm bớt đóng góp của họ vào ngân sách.
Bà Merkel cũng có một mục tiêu lớn hơn ở châu Âu. Trước hết, bà không muốn Anh rời EU, hoặc bị loại ra khỏi liên minh do sai lầm chính trị. Thứ hai, một cuộc đối đầu căng thẳng với Anh về ngân sách có thể dễ dàng thực hiện tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng tới mà tại đó các nhà lãnh đạo sẽ đồng ý với việc hình thành khung pháp lý cho liên minh ngân hàng của Eurozone. Đây có lẽ là bước quan trọng nhất mà Eurozone đang hướng tới nhằm tạo ra một liên minh tiền tệ mạnh mẽ hơn, trong đó các ngân hàng yếu kém và các quốc gia yếu kém không còn có thể dễ dàng kéo nhau xuống như vậy.
Tình thế cấp bách
Hôm 15/11, Cơ quan thống kê của EU cho biết, tăng trưởng kinh tế (GDP) của 17 thành viên EU giảm 0,1% trong quý 3/2012, sau khi giảm 0,2% trong quý 2/2012, như vậy đây là lần thứ 2 trong 4 năm (kể từ 2009), kinh tế EU chính thức trở lại suy thoái. Khi các lãnh đạo vẫn đang vật lộn với cuộc chiến nợ công, các chính phủ buộc thắt chặt chi tiêu nhằm giảm thâm hụt thì làn sóng biểu tình của người dân lan rộng khắp châu Âu để phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của khủng khoảng nợ công đang “ngấm” như thế nào.
Trước triển vọng ảm đạm, EC chỉ dự báo tăng trưởng kinh tế EU là 0,1% trong năm 2013, so với dự báo 1% trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao kỷ lục 11,2% và nhiều dự báo suy thoái kinh tế EU vẫn sẽ tiếp tục, ít nhất là hết năm 2012 khi kinh tế Đức và Pháp sẽ chính thức “dính đòn” suy thoái.
Minh Anh