Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow, Nga. (Ảnh: TGCC) |
Lên xe về khách sạn ở trung tâm thành phố - cách sân bay gần 40km, tôi thấy đường phố ở Nga rộng thênh thang. Hai bên đường là những cánh rừng bạch dương bạt ngàn đang ngả màu, gợi nhớ tới bức tranh “Mùa thu vàng” của danh họa Levitan (1860-1990).
Xe vào trung tâm thành phố, tôi thấy đường phố, nhà cửa ở Nga cái gì cũng lớn và vững chắc. Chúng tôi qua các tuyến phố Quảng trường Đỏ, Điện Kremlin, kia là sông Moscow, trường Đại học Lomonosov, Nhạc viện Tchaikovsky, phố Puskin, Tượng đài Gorky... những địa chỉ nổi tiếng mà quen thuộc với tôi qua sách báo, phim ảnh.
Về đến khách sạn. Bữa tối điểm tâm nhẹ với bánh mì bơ và phô mai, mỗi người còn có thêm tô phở bò Hà Nội. Tuy không ngon như phở Hà Nội vì bánh phở ở đây là bánh phở khô mang từ Việt Nam sang, nhưng vẫn thực sự là một món quà quý đối với bất kỳ người Việt nào.
Những công trình kì vĩ
Được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, chúng tôi đã có những ngày làm việc liên tục với Bộ Văn hóa Nga, Hội nhạc sĩ, Hội điện ảnh, Hội nhà văn và Học viện viết văn Gorky; chia sẻ về kinh nghiệm quản lý, sáng tác văn học nghệ thuật...
Theo chương trình, chúng tôi dành một ngày để thăm và tìm hiểu kỹ về thành phố Moscow.
Với diện tích gần 900km2, Moscow là một trong những thành phố lớn và đẹp nhất thế giới, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn nhất nước Nga. Đan xen trong thành phố là những cánh rừng xanh bao phủ. Con sông Moscow như một dải lụa từ phía Bắc uốn lượn chảy vào thành phố rồi đổ ra sông mẹ Volga.
Điểm đầu tiên chúng tôi lựa chọn là đến đặt hoa viếng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở quận Akademichesky, công trình được khánh thành ngày 18/5/1990 nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhật Người, tiếp đó là Bảo tàng Lịch sử Chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941-1945.
Tọa lạc trên đồi Poklonaya, một mảnh đất thiêng của Moscow được khánh thành ngày 9/5/1995 nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Phát xít. Phía trước là đài kỷ niệm hình tháp - một thanh gươm khổng lồ bằng đồng đỏ cao 141,8m tượng trưng cho 1.418 ngày đêm của cuộc chiến.
Khu ngoài trời rộng hơn 15,3ha trưng bày hơn 260 loại vũ khí hạng nặng từng tham chiến. Khu tòa nhà 3 tầng rộng hàng ngàn mét vuông, trưng bày hơn 4.000 hiện vật, tư liệu về chặng đường tới chiến thắng vĩ đại của nhân dân Nga.
Tôi thật ấn tượng với danh sách 11.800 anh hùng Liên Xô được khắc bằng vàng vào những phiến đá hoa cương, được xếp cạnh nhau như những trang sử hào hùng của cuộc chiến.
Từ trần nhà, hàng vạn dây pha lê buông xuống pho tượng bi thương lấp lánh như những giọt nước mắt thương tiếc của hậu thế. 1.418 ngày đêm, 27 triệu người ngã xuống (trong đó có 18 triệu dân thường), có lẽ không một đất nước nào có nỗi đau lớn như người dân Xô viết phải chịu đựng.
Tác giả và NSND Chu Thuý Quỳnh tại Quảng trường Đỏ. (Ảnh: TGCC) |
Một dân tộc anh hùng
Rồi chúng tôi đến Điện Kremlin ở nơi trung tâm, là biểu tượng của thành phố. Trong tiếng Nga “Kremlin” có nghĩa là “Nội thành”. Công trình này được xây từ thế kỷ XII, có cấu trúc hình tam giác với diện tích 275.000m2.
Trên đỉnh của 5 ngọn tháp nơi cao nhất được trang trí bằng một ngôi sao 5 cánh làm bằng thạch anh đỏ, có đường kính 6m, dù ngày hay đêm nó luôn lấp lánh trên bầu trời.
Phía sau Điện Kremlin là đại giáo đường thánh mẫu thăng thiên, một kiến trúc nguy nga, lộng lẫy (nơi các Sa Hoàng trước đây cử lễ đăng quang). Phía trước là Quảng trường Đỏ - một quần thể kiến trúc nổi tiếng thời Sa Hoàng, nơi đây dùng để tổ chức các hội chợ và xử án các tử tù.
Sau Cách mạng tháng Mười, quảng trường là nơi duyệt binh, tổ chức các cuộc mít-tinh lớn, nơi tổ chức nghi lễ đặt hoa viếng mộ các anh hùng liệt sĩ vô danh. Trên từng viên đá lát của Quảng trường Đỏ, hằn in dấu tích lịch sử oai hùng của dân tộc Nga.
Mùa Đông năm 1941, khi quân Đức tiến vào của ngõ Moscow, thì sáng 7/11/1941, nhân kỷ niệm 24 năm Cách mạng tháng Mười Nga, một cuộc duyệt binh huyền thoại đã diễn ra, hàng trăm đơn vị Hồng quân, hàng vạn dân quân Moscow duyệt qua lễ đài trước lăng Lenin rồi tiến thẳng ra mặt trận. Trong đoàn quân ấy có cả những chiến sĩ Việt Nam, thuộc trung đoàn quốc tế. Cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc diễn ra trong 1.418 ngày đêm đến khi lá cờ chiến thắng được cắm trên nóc nhà Quốc hội Đức.
Quảng trường Đỏ lại chứng kiến cuộc duyệt binh của những người chiến thắng trở về. Ngày 24/6/1945, 4 vạn chiến sĩ Hồng quân với 1.850 phương tiện quân sự đại diện cho 11 binh chủng tiến vào quảng trường.
Dẫn đầu là hình ảnh lá cờ chiến thắng đang tung bay trên nóc nhà Quốc hội Đức, cùng 200 chiến sĩ khác đem theo 200 lá cờ phát xít Đức chúi mũi xuống đất ném chất đống dưới lăng Lênin. Năm 2001, Tổng thống Putin đã ra sắc lệnh về ngày chiến thắng, 9/5 là ngày lễ thường niên. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm đánh tan quân phát xít Đức bao vây Moscow, ngày 3/2/1966, hài cốt của một chiến sĩ Hồng quân (không có danh tính) hy sinh trong chiến trận bảo vệ thành phố trên xa lộ Lenin Grad, cách Moscow 41km được đặt trên cỗ xe pháo tiến vào thành phố. Khi thi hài chiến sĩ vô danh hạ huyệt dưới chân tường Điện Kremlin, một loạt đại bác tiễn biệt, tất cả mọi hoạt động trên toàn Liên bang Xô viết đều ngừng 3 phút tưởng niệm.
Ngôi mộ chiến sĩ vô danh được làm từ đá hoa cương, trên mặt khắc dòng chữ “Anh là chiến sĩ vô danh nhưng chiến công anh là bất tử”, một ngôi sao 5 cánh được đắp nổi, cháy sáng ngọn lửa vĩnh cửu bên lá cờ chiến thắng, một chiếc mũ sắt, cành nguyệt quế được đúc bằng đồng.
Bên phải ngôi mộ, người ta đặt 10 khối đá hoa cương, trong đó có chiếc lọ đựng đất của 10 thành phố anh hùng được khắc tên: Leningrad, Volgograd, Kiev, Odessa, Sevastopol, Minsk, Kerch, Novorossisk, Tula và Bred - như muốn nói cả Liên Xô và nước Nga ngày nay luôn ở bên cạnh anh.
Đây là nơi diễn ra các hoạt động tưởng niệm các anh hùng chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc Nga. Quảng trường Đỏ cũng là nơi diễn ra các hoạt động làm sống lại những ngày lịch sử của nước Nga vĩ đại. Bên cạnh đó còn có Lăng Lenin, nơi đặt thi hài lãnh tụ Xô viết tối cao. Chúng tôi thấy có nhiều người xếp hàng vào Lăng viếng Người, hai bên lăng mộ là lễ đài, rồi đến phần mộ các nhà lãnh đạo Liên Xô trước đây.
Hiện nay, Điện Kremlin là nơi lưu giữ bộ sưu tập độc nhất vô nhị, những kỷ vật lịch sử, kiến trúc, văn hóa, như nhà thờ Đức Mẹ đồng trinh, nhà thờ Tống Thiên thần Michael, nhà thờ Truyền Tin, nhà thờ Hoàng Gia, nhà chứa vũ khí...
Còn mãi sức mạnh hùng cường
Ký ức và nỗi buồn chỉ là quá khứ, đường phố, quảng trường Moscow vẫn sôi động cả trên và dưới lòng đất, các trung tâm mua sắm vẫn đông vui, tấp nập, các nghệ sĩ vẫn hát tình ca, đọc thơ Puskin... Đó chính là sức mạnh và văn hóa một nước Nga hùng cường.
Chúng tôi xuống tàu điện ngầm cũng là để biết thêm về tàu điện ngầm ở Nga với một mạng lưới dài 200km, 123 trạm và 9 tuyến, cứ 50 giây lại có một chuyến.
CĐiều đáng nói là cứ mỗi trạm lại có một kiểu kiến trúc khác nhau, nó thực sự như một cung điện mỹ lệ dưới lòng đất.
Đến thăm một số nơi khác như Nhà hát Lớn, Nhạc viện Tchaikovsky... rồi thăm trường Đại học Lomonosov, một trong những trường đại học lớn và hiện đại nhất thế giới. Đi trong trường có cảm giác như lạc vào một thành phố mênh mông của văn hóa và tri thức. Phía trước cổng trường là một con kênh đào hai bên có nhiều tượng các nhà khoa học nổi tiếng của Nga, cũng như mỗi góc đường ở Moscow đều có các bức tượng bằng đá cẩm thạch hoặc bằng đồng xanh, như tượng Puskin, Gorky, Tchaikovsky, Gagarin. Tôi đã có nhiều bức ảnh kỷ niệm đẹp đứng bên tượng các nhân vật nổi tiếng của nước Nga...
Moscow còn có hơn 75 trường đại học và cao đẳng khác, 60 viện bảo tàng, hơn 4.000 thư viện. Đời sống văn hóa ở Moscow cũng rất cao, nhất là về âm nhạc và nghệ thuật, có gần 30 viện ca kịch. Nằm ở trung tâm thành phố là một viện kịch và ballet nổi tiếng với hơn 2.000 chỗ ngồi.
Còn rất nhiều và rất nhiều những công trình kiến trúc, lịch sử văn hóa của nước Nga vĩ đại mà không thể kể hết được, mà cũng không thể xem hết, mỗi chúng tôi đều tranh thủ chụp ảnh kỷ niệm.
Chiều dần buông, chúng tôi đi bộ trong phố cổ Arbat sầm uất để mua đồ lưu niệm. Tôi cũng mua một số búp bê Matryoshka các cỡ về làm lưu niệm cho bạn bè.
Đi dọc sông Moscow, tôi lặng ngắm những con tàu trên sông. Phía bên kia bờ sông, gần khu Quảng trường Đỏ, có một vật sơn trắng rất to vừa như máy bay, lại vừa giống quả tên lửa. Hỏi ra, mới biết đó là con tàu vũ trụ đầu tiên của người Nga và cũng là của thế giới đã bay vào vũ trụ và trở về Trái đất an toàn. Người Nga đặt nó ở đó để nhân dân và thế giới chiêm ngưỡng chứng tích, niềm hãnh diện của nước Nga.
Trở về khách sạn thu xếp để tới Ba Lan trong kế hoạch công tác, trên xe tôi ngoái nhìn trung tâm thành phố lung linh trong ánh điện. Quần thể kiến trúc Quảng trường Đỏ với Điện Kremlin nổi bật giữa bầu trời, nơi ấy có ngôi sao 5 cánh thạch anh đỏ rực sáng.
Thầm nghĩ người Italy đã thiết kế và các Sa Hoàng đã xây dựng Kremlin - một công trình kiến trúc vĩ đại từ thế kỷ XV, để giờ đây nó là nơi ở chính thức của Tổng thống Putin - nơi đưa ra những quyết sách quan trọng, vận hành một quốc gia hùng cường, có tầm ảnh hưởng toàn cầu.