Nhỏ Bình thường Lớn

Một thoáng văn học Đan Mạch [Kỳ 2]

Đầu thế kỷ XIX, văn học Đan Mạch chuyển hẳn sang chủ nghĩa lãng mạn bởi trận thủy chiến năm 1801 trong cuộc chiến với Anh làm tinh thần dân tộc bùng lên và một triết gia trẻ du nhập chủ nghĩa lãng mạn Đức vào Đan Mạch.

Giai đoạn hình thành và trưởng thành

Thời Trung cổ: Từ thế kỷ VIII đến thế kỷ X, những tộc người Bắc Âu nói chung, được gọi là Viking (nghĩa là vua chúa, chiến sĩ biển khơi) đã di dân từ bán đảo Scandinavia xuống mé bờ biển ở phía dưới, tung hoành trên biển, có khi cả hàng trăm chiếc thuyền. Họ là hải tặc, lái buôn, khám phá, chiếm đất, có thể đổ bộ sang cả châu Mỹ. Những cuộc phiêu lưu ấy được phản ánh trong những bản hùng ca (Saga) của văn học truyền miệng.

Sau khi Kitô giáo du nhập (thế kỷ IX-X), mãi đến thế kỷ XII, nhà sử học Saxo Grammaticus mới ghi lại bằng tiếng Latinh trong tập Gesta Danorum những câu chuyện trên, đề cao lòng dũng cảm, sự thẳng thắn và tính giản dị của người Viking.

Do ảnh hưởng của Kitô giáo, một nền văn học tiếng Latinh phát triển, trước hết phục vụ tôn giáo (thánh ca, truyền đời các thánh), nhà vua (pháp luật, biên niên sử). Đến thế kỷ XVI-XVII, cải cách tôn giáo đưa vào Bắc Âu đạo Tin lành (Tân giáo), văn học tôn giáo không ngừng phát triển (thánh ca, bài hát dân gian), cũng như trước tác lịch sử. Thơ thế tục nghèo nàn.

Sang thế kỷ XVIII, ở Bắc Âu, Đan Mạch có vai trò quan trọng nhất vì giàu có, đất tốt, vị trí sát châu Âu lục địa nhất và có cùng chế độ xã hội (chế độ phong kiến nông nô mà ở Thụy Điển và Na Uy hầu như không có), công thương khởi sắc, thị dân có vai trò tích cực. Thủ đô Copenhagen lớn nhất (khi đó là thủ đô chung của Đan Mạch và Na Uy sáp nhập).

Thời kỳ này, nhà văn, nhà viết kịch L. Holberg (1684-1754) là đại diện tiêu biểu cho phong trào Ánh sáng ở Bắc Âu, ông tổ nền văn học Đan Mạch, người sáng lập hài kịch Đan Mạch (chịu ảnh hưởng của văn học Pháp).

Nửa sau thế kỷ XVIII, ảnh hưởng văn học Đức nổi trội hơn, nhất là do sự có mặt của nhà thơ Đức Klopstock được triều đình ưa chuộng, do đó, văn học Đan Mạch quay về nguồn gốc và huyền thoại thời Bắc Âu Germatic. Điển hình cho thời kỳ ấy là nhà thơ trữ tình lớn J. Ewald (1743-1781), ông viết hai vở kịch.

Sau một cuộc khủng hoảng tôn giáo, thơ ông thâm thúy hơn. Trong vở opera Dân chài, có một điệu nhạc được sử dụng làm bài ca của Hoàng gia Đan Mạch. Vào cuối thế kỷ, bắt đầu có khuynh hướng tiền lãng mạn (tinh thần yêu nước, say mê thiên nhiên).

Đầu thế kỷ XIX, văn học Đan Mạch chuyển hẳn sang chủ nghĩa lãng mạn bởi trận thủy chiến năm 1801 trong cuộc chiến với Anh làm tinh thần dân tộc bùng lên và một triết gia trẻ du nhập chủ nghĩa lãng mạn Đức vào Đan Mạch. Văn học trở lại nguồn gốc, huyền thoại Bắc Âu cổ để tìm đề tài sáng tác, để canh tân hình thức (hình ảnh, nhịp điệu của thi ca dân gian).

Thế hệ lãng mạn thứ nhất: Tác giả tiên phong là A. Oehlenschlaeger (1779-1850) với tập thơ Những chiếc sừng vàng, sử dụng thể thơ “romancero” trữ tình - hùng ca. Bi kịch của ông lấy đề tài trong huyền thoại Bắc Âu. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là vở kịch Cây đèn Aladin, dựa vào câu chuyện cổ tích Arab. Trong chuyến thăm Thụy Điển, ông được tôn là “vua của những thi sĩ phương Bắc”.

Mục sư N. Grundtvig (1783-1872) là nhà thơ tôn giáo lớn nhất thời ông. Ông muốn kết hợp truyền thống Bắc Âu với đạo Kito tinh thần dân tộc và văn học dân gian. Những thánh ca của ông hiện vẫn được sử dụng. Ông có sáng kiến lập ra những “học đường bình dân” rất có ảnh hưởng ở Bắc Âu.

Mục sư S.S. Blicher (1742-1848) có tư tưởng cải cách theo quan điểm triết học Ánh sáng. Ông làm thơ và viết văn. Truyện ngắn của ông miêu tả dĩ vãng và hiện tại quê hương Jutland.

Nhà văn Hans Christian Andersen.
Nhà văn Hans Christian Andersen.

Thế hệ lãng mạn thứ hai: Sau một sự bồng bột của thế hệ thứ nhất là sự bình thản hơn của thế hệ thứ hai. Văn học thị dân (bourgeois) đến độ trưởng thành, với một số nét đặc thù: ý thức về cái thân thương tình cảm mơ mộng, sự lịch thiệp. Tên tuổi L. Heiberg, nhà phê bình viết kịch, nổi lên.

Không những vào thời kỳ ấy mà cho đến nay, không nhà văn Đan Mạch nào nổi tiếng trong và ngoài nước bằng Hans Christian Andersen (1805-1875).

Tính đến năm 1987, ông là một trong số tác giả được xuất bản nhiều nhất thế giới. Ông đặc trưng cho những nét dân tộc nhất của người Đan Mạch. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là tập Truyện kể cho trẻ con gồm trên 164 truyện.

Ông mượn cốt truyện ở huyền thoại, truyện cổ tích, truyện dân gian, lịch sử, có hư cấu trên cơ sở cuộc sống hàng ngày. Truyện của ông có hai bình diện: bình diện hấp dẫn tức khắc do cốt truyện có kịch tính, bình diện sâu lắng hơn do tính chất tế nhị nên thơ, toát ra một tấm lòng ưu ái, mẫn cảm, đôi khi ngây thơ mà vẫn chinh phục được lòng người.

Phong cách của ông gắn liền thơ mộng với thực tế, mỉa mai với tình cảm, luôn luôn có những liên tưởng bất ngờ thú vị, cơ bản là lạc quan. Giới thiệu bản dịch tiếng Anh Truyện Andersen xuất bản năm 1999 ở quê hương tác giả - được đánh giá là bản lột tả được nguyên gốc nhất.

Giáo sư E. Bredsdroff phàn nàn là các bản dịch các ngữ trên thế giới phần nhiều phạm hai khuyết điểm: thứ nhất, coi Andersen là tác giả viết cho thiếu nhi nên các tuyển tập chỉ chọn những truyện cho trẻ con. Rất nhiều truyện có triết lý sâu sắc chỉ người lớn mới hiểu được bị bỏ. Thứ hai, các bản dịch có khi không lột tả được phong cách Andersen.

Hai nhận xét này cũng đúng với các bản dịch tiếng Việt, phần nhiều dịch qua bản tiếng Pháp. Tôi có dịp so ba bản tiếng Việt với bản tiếng Anh 1999 (in ở Odense) thì thấy đúng là thiếu những truyện cho người lớn, văn dịch cốt Việt hóa nên không đúng phong cách Andersen. Tệ hơn nữa là, có khi người dịch chỉ cốt dịch cho hiểu truyện, từ ngữ khó thì bỏ, có chỗ dịch ngược ý.

Một thoáng Đan Mạch

Một thoáng Đan Mạch

Cảnh sắc Đan Mạch hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Thủ đô Copenhagen là hòn ngọc trên đảo Seeland. Copenhagen có lẽ là ...

Đan Mạch: Đất nước 'bé hạt tiêu'

Đan Mạch: Đất nước 'bé hạt tiêu'

Nước Đan Mạch ở tít phương trời Bắc Âu có thể được gọi là đất nước kỳ diệu hoặc đất nước “nhỏ mà to lớn”. ...

Một thoáng văn học Thụy Điển: Swedenborg, vị tiên tri phương Bắc [Kỳ cuối]

Một thoáng văn học Thụy Điển: Swedenborg, vị tiên tri phương Bắc [Kỳ cuối]

Swedenborg thấy Thượng đế ở khắp nơi. Sự sinh tồn, theo ông, là sự vươn lên cao của linh hồn, từng giai đoạn một tiến ...

Một thoáng văn hóa Nhật Bản: Thiên nhiên đất nước mặt trời mọc

Một thoáng văn hóa Nhật Bản: Thiên nhiên đất nước mặt trời mọc

Thiên nhiên nghiệt ngã, “dữ dội”, nhưng có lẽ không có dân tộc nào gắn bó với thiên nhiên một cách mật thiết như dân ...

Cuộc thi Đan Mạch trong mắt em 2023: Cùng trẻ em Việt Nam vẽ về một 'Tương lai xanh'

Cuộc thi Đan Mạch trong mắt em 2023: Cùng trẻ em Việt Nam vẽ về một 'Tương lai xanh'

Cuộc thi vẽ tranh hàng năm 'Đan Mạch trong mắt em 2023' đã chính thức được phát động với chủ đề 'Tương lai xanh'.