Tác giả trên Đồi Lenin, phía dưới là Sân vận động Luznhiki |
Bối cảnh của hai lần đến rõ ràng là rất khác nhau. Hơn 30 năm trước, chúng tôi là những sinh viên gầy gò mang theo đầy hoài bão đến đất nước của những ước mơ. Còn nay, chúng tôi là những nhà báo đã bước vào lứa tuổi trung niên đi theo đoàn công tác của Chính phủ đến xứ sở bạch dương ký các hợp đồng thực tế...
Hoài cổ đôi chút
Ngày đó, chúng tôi đến Moscow vào cuối hè, ngạc nhiên vô cùng khi 10 giờ tối mà trời vẫn còn sáng trưng. Trường Đại học Tổng hợp Lomonoxop (MGU) tấp nập, xung quanh là rừng táo mênh mông... Rồi những tòa nhà cao tầng, đường phố thênh thang, Quảng trường Đỏ đông đúc, Lăng Lenin huyền bí - một thiên đường đối với những tâm hồn non trẻ.
Giờ đây, Moscow đã có nhiều thay đổi, hiện đại hơn, nhưng nhìn chung cảnh trí khu trung tâm vẫn quyến rũ như xưa. Tòa nhà chính MGU nằm trên đồi Lenin sừng sững nhìn từ bốn phía như nhau, liếc xuống chân đồi là Sân vận động Luzhnhiki - nơi thi đấu của đội bóng danh tiếng Spartac Moscow. Phía trước Quảng trường Đỏ vẫn là cửa hàng Bách hóa tổng hợp (GUM) cổ kính, xa hơn chút là Phố Arbat cũ nổi tiếng với nơi ở của Đại thi hào A.Pushkin và nhà thờ, nơi trao nhẫn cưới của nhà thơ Nga S.Exenin. Đại lộ hiện đại bậc nhất Kalinhin khi xưa nay đổi thành Phố Arbat mới. Tiếp đó là Nhà hát Nhỏ, Nhà hát Lớn, nơi những vở ca kịch bất hủ thế giới, những huyền thoại ballet của nước Nga và Liên Xô từng biểu diễn. Rồi những nhà ga tàu điện ngầm sâu dưới lòng đất tráng lệ như những cung điện xa hoa khi xưa.
Tất cả thật tuyệt vời, thậm chí còn đẹp hơn trước rất nhiều. Chính quyền thành phố thường xuyên cho sửa sang diện mạo các phố chính, nhiều trung tâm vui chơi giải trí mua sắm mọc lên. Người dân cũng năng động hơn, chăm đến phòng gym để có thân hình săn chắc như các nhà lãnh đạo của họ và ăn mặc cũng rất thời trang.
Lan man với những ý nghĩ xưa nay, tôi tự hỏi lòng mình có thực sự vui hơn với những biến đổi của thời gian không. Câu trả lời thật khó, nhưng xét cho cùng những cảm nhận của tuổi trẻ vẫn luôn mạnh mẽ, sâu lắng hơn...
Tôi cố tìm ra sự khác biệt sâu thẳm trong tâm hồn để cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Dạo quanh các kí túc xá của trường MGU, MGIMO (trường Quan hệ quốc tế) không còn cảnh tấp nập sinh viên quốc tế và đặc biệt là sinh viên Việt Nam, trên Quảng trường Đỏ thưa thớt bóng dáng trang phục dân tộc của công dân các nước cộng hòa anh em Liên Xô, trong bách hóa GUM, XUM nay vắng như chùa Bà Đanh, các ga tàu điện ngầm ít đi sự hối hả của những người muộn giờ đến công sở. Một sự trống trải mơ hồ...
Niềm tin trở lại
Nhiều giá trị đã thay đổi. Nước Nga đã vượt qua thời điểm khó khăn của những năm cuối của thế kỉ trước để trở lại hùng mạnh. Những năm gần đây, nền kinh tế Nga tiếp tục hồi phục, đời sống người dân được cải thiện và sức mạnh trên trường quốc tế được tăng cường đáng kể.
Trong quan hệ bạn bè truyền thống, hợp tác Việt Nam - Nga trở nên thực tế và bình đẳng hơn cả trước đây. Vào thời kì Chiến tranh Lạnh và cho đến tận năm cuối cùng của thế kỉ 20, chưa từng có nhà lãnh đạo cao nhất của Liên Xô trước đây hay nước Nga sau đó đến thăm chính thức Việt Nam nhưng bắt đầu từ năm 2000, người đứng đầu Điện Kremli đã đến Việt Nam bốn lần. Nếu như trước đây, chúng ta đơn thuần là bên nhận viện trợ, chủ yếu là không hoàn lại, thì nay mối quan hệ là đối tác - bạn hàng như việc Việt Nam mua 6 tàu ngầm do Nga đóng hay đồng ý để Nga đầu tư xây dựng Nhà máy điện hạt nhân số 1. Chiều ngược lại, Nga cho phép Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam liên doanh đầu tư thăm dò và khai thác dầu khí tại Nga và du khách Nga đến Việt Nam hàng trăm ngàn người mỗi năm.
Khi đàn sếu bay qua, Bài ca người lính, Matxcova không tin vào những giọt nước mắt - những bộ phim nằm lòng của bao thế hệ người Nga và cả Việt Nam gần đây phát lại trên truyền hình Việt Nam, vẫn gây xúc động cho nhiều người. Số phận dù rất khắc nghiệt trong các bộ phim trên rồi cũng qua đi để một cuộc sống mới bắt đầu. Khoảnh khắc trống vắng trong tôi khi trở lại Moscow sau một thời gian dài xa cách chỉ là giây lát mà thôi.
Tùng Lâm