📞

Một tiếng chuông cảnh tỉnh

13:42 | 16/09/2017
Sự ra đời của bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam đầu tiên gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận về bức tranh giáo dục đại học. Báo TG&VN đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện kinh tế và thương mại quốc tế - Đại học Ngoại thương về vấn đề này.

Theo bà, bảng xếp hạng này đã mang tính khách quan và chuẩn mực quốc tế hay chưa?

Tôi được biết, những người trong nhóm đều có am hiểu về lĩnh vực này, có chuyên môn tốt, được đào tạo bài bản và hết lòng với giáo dục nước nhà. Bởi vậy, tôi rất tin tưởng chất lượngcông việc của họ.

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện kinh tế và thương mại quốc tế - Đại học Ngoại thương về vấn đề này.

Tuy nhiên, giáo dục là một bức tranh vô cùng phức tạp. Vì thế, không có bảng xếp hạng nào có thể bao quát toàn bộ các tiêu chí của chất lượng một trường đại học. Bảng xếp hạng cũng chỉ nói lên một số tiêu chí mà thôi.

Trong buổi công bố, các tác giả cho biết không thể trực tiếp đến khảo sát mà dựa vào hai nguồn thông tin là báo cáo Ba công khai và website của nhà trường, không hề “chế biến” gì thêm.

Thực tế cho thấy, kỹ năng về tổng hợp và minh bạch hóa thông tin của các trường đại học, nhất là các trường công của Việt Nam còn rất yếu. Nhóm không thể khẳng định độ chính xác của những thông tin nhận được.

Hiện nay, Việt Nam chưa có chuẩn mực nào về công bố thông tin. Sau bốn năm nghiên cứu, làm việc với hơn 100 trường đại học, cuối cùng, nhóm chỉ thu được đủ dữ liệu để đánh giá 49 trường. Nhóm cũng công nhận các bảng xếp hạng của thế giới có những chuẩn mực mà Việt Nam không có. Tiêu chí đầu tiên của hai bảng xếp hạng nổi tiếng thế giới (Đại học Thượng Hải và Time Higher Education) là cựu sinh viên và giáo viên của trường có giải Nobel, giải Fields hay đoạt giải quốc tế chưa? Nếu kiếm tìm những tiêu chí đó ở Việt Nam chẳng khác nào “hái sao trên trời”.

Thế giới phân ra hai loại trường là trường nghiên cứu và trường giảng dạy. Ở Việt Nam, trường nào cũng muốn công bố là trường nghiên cứu nhưng tiêu chí để đánh giá các trường ở Việt Nam lại là điểm đầu vào cao hay thấp, tức là của trường giảng dạy.

Vì thế, nhóm phải lập ra bảng tiêu chí riêng kết hợp cả yêu cầu của quốc tế và đặc thù của Việt Nam. Kết quả của nghiên cứu quốc tế và giảng dạy đều chỉ căn cứ dựa trên nghiên cứu Ba công khai và tự công bố của nhà trường rất khó kiểm định lại. Thế nên, để hướng tới chuẩn mực quốc tế, tôi nghĩ còn xa lắm.

Ngày 6/9, nhóm gồm sáu chuyên gia độc lập đã công bố bảng xếp hạng 49 trường đại học Việt Nam. Đáng chú ý, trong Bảng này, các trường đại học vốn được đánh giá cao lại ở vị trí thấp, như Đại học Y Hà Nội (xếp thứ 20), Đại học Ngoại thương (23), Đại học Kinh tế quốc dân (thứ 30), Học viện Tài chính (thứ 40), Học viện Ngoại giao (45)…

"Văn hóa xếp hạng" dường như chưa được đón nhận ở nước ta?

Tôi nghĩ, đây là căn bệnh không riêng gì của các trường đại học, bởi tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy”. Trong buổi công bố, tôi thấy bất ngờ vì đại diện của một số trường đứng lên tranh cãi tay đôi tại sao lại xếp hạng trường mình thấp. Ngay từ đầu, nhóm nghiên cứu đã cho biết kết quả xếp hạng dựa trên thông tin do chính nhà trường cung cấp, nếu không hài lòng thì cần trách trường mình không công bố đầy đủ số liệu chứ không nên trách nhóm nghiên cứu hoặc có thể góp ý bổ sung tiêu chí cho lần sau.

Chúng ta phải có những hoạt động tích cực ủng hộ nhóm nghiên cứu bởi bốn năm vừa qua, họ hoàn toàn nghiên cứu bằng chính chi phí của bản thân, không có bất kỳ nguồn tài trợ và lời khích lệ nào. Đến khi đưa ra kết quả, họ lại phải nhận vô số “gạch đá”.

Tham dự buổi công bố, trường Đại học Ngoại thương có bốn cán bộ, giảng viên. Không ai hiểu nổi tại sao Đại học Ngoại thương Hà Nội lại có thể đứng sau cả Đại học Công nghiệp vốn là trường mới nâng cấp từ Cao đẳng. Tuy nhiên, không ai trong chúng tôi phàn nàn. Theo tôi, bảng xếp hạng là nỗ lực đáng trân trọng của nhóm nghiên cứu và là tiếng chuông cảnh tỉnh để các trường kịp thời đổi mới. Các trường nên nhân cơ hội để nhìn lại xem mình thực sự đang đứng ở đâu?

“Những kết quả nghiên cứu, đề xuất chưa được xây dựng trên nền tảng vững chắc chỉ nên trao đổi với nhau trong giới học thuật. Tự do học thuật, tự do thể hiện quan điểm khoa học là quyền của các nhà nghiên cứu”.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT.

Nhiều ý kiến cho rằng bảng xếp hạng đã bỏ qua những yếu tố quan trọng như việc làm của sinh viên sau khi ra trường và sự hội nhập quốc tế. Bà có đồng ý với quan điểm này?

Theo chỗ tôi biết, hai bảng xếp hạng đại học (Đại học Thượng Hải và Time Higher Education) đều không quan tâm đến chuyện việc làm của sinh viên. Nhưng rõ ràng, trong thời buổi toàn cầu hóa, tính hội nhập quốc tế bao gồm tỷ lệ giảng viên và sinh viên nước ngoài tham gia giảng dạy và học tập ở trường là yếu tố quan trọng không thể bỏ qua. Tuy nhiên, tiêu chí này lại không có trong bảng xếp hạng, đó là thiếu sót. Ở khía cạnh này, các trường đại học Việt Nam nói chung chưa làm tốt vì các chương trình dạy bằng tiếng Anh ở nước ta còn ít, đặc biệt là nội dung không tương thích với đào tạo ở nước ngoài. Chính vì thế, các trường đại học ở nước ta nên nhanh chóng cải tiến nếu muốn hội nhập quốc tế.

Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, các tiêu chí đánh giá trong bảng đã phù hợp với xu hướng thế giới và các nước trong khu vực hay chưa?

Với hệ tiêu chí đánh giá mà nhóm nghiên cứu công bố, rõ ràng các tiêu chí của bảng xếp hạng này không tương quan với thế giới và các nước trong khu vực. Trong khi nguồn thông tin đầu tiên của xếp hạng là từ website của trường, đòi hỏi website bằng tiếng Anh phải tốt, nhưng ngay cả trường Đại học Ngoại thương vốn được cho là có giảng viên và sinh viên có trình độ tiếng Anh khá nhưng website tiếng Anh của nhà trường cũng không được đánh giá cao. Cho nên, chúng ta chưa thể tính đến chuyện tương quan trong khi vấn đề ngôn ngữ chưa đạt chuẩn.

Xin cảm ơn bà!

Nội dung Báo cáo Ba công khai, theo quy định của Bộ GDĐT phải đảm bảo các thông tin:

- Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế.

- Công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục.

- Công khai tài chính.

(thực hiện)