Đêm nhạc "Hà Nội và em khi thu chớm đông sang". |
Tôi đã đi nhiều nước, nhiều thủ đô trên thế giới. Có thể chủ quan nói rằng, chưa có một thành phố nào trên thế giới lại có nhiều bài hát về thủ đô của mình như Hà Nội. Đã có đến hàng nghìn tác phẩm viết về Hà Nội. Phải chăng, vì Hà Nội là vùng đất linh thiêng?
Sáu mươi năm qua, trước tôi đã có nhiều nhạc sỹ tên tuổi viết những bài hát hay về Hà Nội như nhạc sỹ Văn Cao với bài hát Tiến về Hà Nội, nhạc sỹ Hoàng Dương với bài hát Hướng về Hà Nội. Gần đây, tôi thấy có một số các tác phẩm của các bạn trẻ viết về Hà Nội như Nồng nàn Hà Nội của nhạc sỹ trẻ Nguyễn Đức Cường… Tôi không có khái niệm nhạc sỹ già hay trẻ trong sáng tác, mà là tác phẩm sáng tác đó có hay hay không hay mà thôi.
Tuổi thơ tôi gắn bó với Hà Nội. Cái thời đánh bi đánh đáo, tiếng leng keng tàu điện. Nhà tôi ở Khâm Thiên nên thường thích ra Văn Miếu - Quốc Tử Giám chơi. Vẫn còn nhớ như in bài thơ Ông đồ già của Vũ Đình Liên với những câu thơ: Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Trên phố đông người qua… Những kỷ niệm ấy đã ăn sâu trong tâm hồn. Xa Hà Nội, những hình ảnh từ nhỏ nhất tôi đều cảm nhận rõ nét. Có lần tôi còn ghen với những người Hà Nội không phải đi xa. Vì như thế, họ sẽ không phải nhớ cái nỗi nhớ quay quắt ấy. Nhưng rồi sau lại nghĩ lại, những người Hà Nội, hãy có cơ hội đi xa Hà Nội dù một lần, để có được nỗi nhớ đó để cảm nhận những gì thân thương, nhớ được những điều nhỏ nhất, bình dị nhất.
Những tác phẩm của tôi sáng tác đều xuất phát từ tình yêu chân thành với Hà Nội. Tôi yêu Hà Nội và có thể nói rằng: Đó là “một thứ tình yêu không bao giờ ly dị”. Ngày nay, cuộc sống sôi động hơn. Người khác viết về Hà Nội trực diện hơn với nhiều góc độ cảm nhận về Hà Nội. Dù Hà Nội đổi thay và phát triển, tôi cũng như bao người nghệ sỹ khác luôn ước ao có những tác phẩm sáng tác về Hà Nội bằng tình yêu chân thành.
Nhạc sỹ Phú Quang và tác giả. |
Khi tôi ra nước ngoài, có người sau khi nghe bài hát về Hà Nội đã nói: Chỉ muốn bỏ hết mọi thứ để trở về Hà Nội. Chứng tỏ người ta yêu Hà Nội lắm chứ… Tôi cũng chỉ là người có tình yêu Hà Nội như vậy. Một tình yêu thật lòng, dung dị nhưng chỉ khác, tôi là nghệ sỹ và có thể thể hiện tình yêu đó qua tác phẩm.
Có lần gặp Hội đồng hương Hà Nội ở Berlin. Mọi người cứ mãi băn khoăn: Người Hà Nội phải là người sinh ra ở Hà Nội. Người Hà Nội là cần phải sống có một thời gian dài sống ở Hà Nội… Cuối cùng, các anh ấy hỏi tôi: Nhạc sỹ là người Hà Nội, vậy theo nhạc sỹ, thế nào mới đủ tiêu chuẩn là người Hà Nội?
Tôi chia sẻ đơn giản rằng: "Người Hà Nội tức là ai đã từng ở Hà Nội, từng biết yêu Hà Nội thì tôi coi đó là người Hà Nội". Tôi cười và nói đùa thêm rằng: Nếu xét phải sinh ra ở Hà Nội và phải sống bao nhiêu năm ở Hà Nội thì ngay cụ Lý Công Uẩn, ông làm Vua ở Hoa Lư, Ninh Bình. Sau đi qua Đại La (Thăng Long) thấy vùng địa linh nhân kiệt mà rời đô về Thăng Long. Cụ đã yêu Hà Nội thế đấy kia mà! Nếu xét ở góc độ phải bao nhiêu năm thì chắc cụ cũng không đủ tiêu chuẩn. Tôi biết nhiều người là người Nghệ An, Hà Tĩnh chỉ đi qua Hà Nội, ở Hà Nội một thời gian ngắn thôi. Nhưng khi đi xa, hay sống ở nước ngoài, mỗi khi nói đến Hà Nội lúc nào cũng rưng rưng.
Sáu mươi năm là một quãng đường dài với bao vui, buồn được, mất. Ngày kỷ niệm này có ý nghĩa lắm. Thời trẻ tôi ở Hà Nội, sau vào TP. Hồ Chí Minh sống. Hai mươi năm sống ở TP. Hồ Chí Minh, tôi rất cảm ơn thành phố này. Nhưng cũng ngần ấy năm, chưa bao giờ tôi nguôi nhớ về Hà Nội và năm nào tôi cũng có chương trình cho riêng mình ở Hà Nội. Rất mừng là chương trình "Hà Nội và em khi thu chớm đông sang" của tôi lại gần ngày kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô. và tôi cảm nhận được sự trìu mến thân thương của các khán giả với Hà Nội. Lần này Thành phố trao tặng danh hiệu cho tôi là sự cảm thông và động viên tôi. Tôi rất hạnh phúc, không chỉ cho cá nhân mà còn cho nhiều người khác. Sự động viên là hạnh phúc cho những người dâng hiến.
Hòa Bùi (ghi)