📞

Một Việt Nam 'rực sáng' trong cuộc chiến chống dịch Covid-19

Lê Thị Phương 13:32 | 10/10/2020
TGVN. Với những chỉ đạo, giải pháp quyết liệt, cùng sự chung tay, đồng lòng của chính quyền và người dân, đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Tấm gương về phòng chống dịch

Năm 2020 là một năm có nhiều sự kiện đáng nhớ với Việt Nam khi chúng ta chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, đồng thời là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Với 2 vai trò quan trọng này, Việt Nam đã thể hiện là một quốc gia tích cực, có trách nhiệm với ASEAN và cộng đồng quốc tế.

Trong Hội nghị trực tuyến Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó với dịch bệnh Covid-19 vào ngày 14/4, với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Chúng tôi tái khẳng định quyết tâm và cam kết, trên tinh thần một ASEAN “gắn kết và chủ động thích ứng”, duy trì đoàn kết và cùng nhau hành động một cách quyết liệt nhằm kiểm soát sự lây lan, cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với đời sống của người dân, nền kinh tế và xã hội khu vực”.

Và sự thật là ngay từ đầu, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp cách ly nghiêm ngặt và tiến hành theo dõi toàn bộ những người từng tiếp xúc với người nhiễm virus. Bất kỳ ai từ vùng có nguy cơ nhiễm dịch cao tới Việt Nam đều bị cách ly 14 ngày. Tất cả các trường phổ thông và đại học đều phải đóng cửa từ đầu tháng 2 năm nay. Các nước phương Tây như Đức chỉ thống kê những trường hợp nhiễm virus và những người tiếp xúc trực tiếp với họ. Trong khi đó, Việt Nam theo dõi cả những trường hợp tiếp xúc ở cấp độ 2, cấp độ 3 và cấp độ 4 với người nhiễm virus. Tất cả những người này sau đó đều được kiểm soát nghiêm ngặt theo từng cấp độ về quá trình di chuyển và hạn chế tiếp xúc.

Nhận định về công tác chống dịch tại Việt Nam, hãng thông tấn EFE (Tây Ban Nha) cho rằng, với các nguồn lực hạn chế, Việt Nam đã tìm cách ngăn chặn đại dịch Covid-19 bằng cách triển khai các biện pháp phòng ngừa như cách ly hàng loạt và theo dõi triệt để các ca nghi nhiễm.

Hãng EFE dẫn lời một quan chức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Hà Nội - ông Park Kidong cho biết, "giãn cách xã hội", "kích hoạt sớm hệ thống ứng phó" và "cách tiếp cận toàn xã hội dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ" là những lý do dẫn đến sự thành công của Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại.

Báo Mỹ như The New York Times, U.S. News & World Report cũng đã đăng tải, ghi nhận và đánh giá cao các biện pháp của Việt Nam nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 như sớm đình chỉ chế độ miễn thị thực cho công dân một số nước, đóng cửa các trường học, các rạp chiếu phim, câu lạc bộ và quán bar, tiệm massage, phòng karaoke và trung tâm trò chơi trực tuyến trong khu vực đô thị... Tất cả cho thấy Việt Nam đã nỗ lực chống dịch trên mọi mặt trận.

Trang Asia Times đăng bài phân tích của nhà báo David Hutts nhận định, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được sự hoan nghênh ở cả trong và ngoài nước khi có những quyết sách nhanh chóng, hiệu quả và minh bạch để kiềm chế dịch Covid-19. Những biện pháp quyết liệt của Việt Nam đã truyền đi tinh thần quyết tâm với sự đồng lòng của cả nước.

Dẫn lời Giáo sư Carl Thayer, Asia Times nhấn mạnh, lãnh đạo Việt Nam “đã chủ động trong hành động”, với việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lập ra một ban chuyên trách theo dõi tình hình các cấp gồm quốc gia, tỉnh và địa phương; Chính phủ Việt Nam triển khai chiến dịch truyền thông nhằm khuyến cáo người dân về những gì họ nên làm nhằm làm chậm sự lây lan của Covid-19.

Hãng tin Bloomberg thì đặc biệt lưu ý đến biện pháp mở rộng diện tích cách ly để dành cho những người Việt trở về nước từ các quốc gia khác. Theo đó, Quân đội Việt Nam đã dành các cơ sở có sức chứa 60.000 người để phục vụ biện pháp cách ly, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Còn một bài viết trên tạp chí Financial Times (Anh) thì cho hay, cách ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam rất “ấn tượng”. Thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát Covid-19 phụ thuộc một phần vào việc huy động lực lượng quân đội, y tế, giám sát và mạng lưới cung cấp thông tin quốc gia.

Truyền thông Việt Nam liên tục phát đi thông điệp, các nhà chức trách minh bạch về dịch bệnh. Bộ Y tế Việt Nam thường xuyên gửi tin nhắn về các thông tin liên quan tới dịch Covid-19 và các hướng dẫn giữ gìn sức khỏe.

Financial Times cũng đề cập một cuộc khảo sát gần đây của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen Vietnam cho thấy, phần lớn những người được hỏi đều có “nhận thức cao” về các triệu chứng của Covid-19. “Nỗ lực của Chính phủ để chiến đấu với Covid-19 đã nhận được sự ủng hộ của người dân, thể hiện qua các bài viết trên mạng xã hội nhằm cổ vũ các nhân viên y tế, hay chia sẻ thông điệp tuyên truyền: Ở nhà là yêu nước”, bài viết phản ánh.

Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, ngay từ đầu năm 2020, Việt Nam đã phải đối diện với nhiều khó khăn để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, với những chỉ đạo, giải pháp quyết liệt, cùng sự chung tay, đồng lòng của chính quyền và người dân, đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc kiểm soát dịch bệnh. Chúng ta đã hành động kịp thời từ Trung ương đến địa phương với nhiều biện pháp toàn diện và triệt để, trong đó có việc nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng, đề cao vai trò của người đứng đầu.

Chỉ đạo quyết liệt

Ngày 28/1/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra. Tại các cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt sâu sắc tinh thần "chống dịch như chống giặc", đề cao cảnh giác, không được lơ là, chủ quan.

Nhận định tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Công văn số 79-CV/TW gửi các tỉnh ủy, thành ủy; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương về việc phòng, chống dịch Covid-19.

Để chủ động phòng, chống dịch, Ban Bí thư yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.

Dù điều kiện của Việt Nam còn khó khăn nhưng có thể trở thành “tấm gương” cho nhiều quốc gia khác về cách thức dập dịch đạt hiệu quả cao nhất với mức chi phí tối thiểu.

Các cấp ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân khẩn trương thực hiện quyết liệt các biện pháp do Chính phủ và các bộ, ngành đề ra, huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, quyết tâm kiểm soát, không để dịch lây lan, bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội, trật tự, an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp thành công.

Người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch; chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho việc dự phòng, cách ly, điều trị; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc men y tế, trang bị phòng hộ cho nhân dân; bảo đảm đủ kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch theo phương châm "Bốn tại chỗ": Dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ.

Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến địa phương có trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch; phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe của mình và cộng đồng.

Với những chỉ đạo kiên quyết, sâu sát tới từng địa phương, đến nay, theo nhận định của nhiều chuyên gia y tế trong và ngoài nước, tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt.

Việt Nam triển khai chiến dịch truyền thông nhằm khuyến cáo người dân về những gì họ nên làm nhằm làm chậm sự lây lan của Covid-19.

Phát huy vai trò của người đứng đầu

Đương đầu với một dịch bệnh “dễ lây nhưng khó phòng”, trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Chính phủ liên tục có các cuộc họp để chỉ đạo các biện pháp chống dịch.

Người đứng đầu Chính phủ đã quán triệt dứt khoát: “Các ngành, địa phương phải vào cuộc tích cực, không được chủ quan. Đồng chí nào chủ quan phải bị xử lý nghiêm túc. Đừng thấy dịch bệnh là bình thường, phải thấy đây là vấn đề rất nóng”.

Thực tế đã có những trường hợp người đứng đầu bị điều chuyển hoặc kiểm điểm do lơ là, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng dịch. Tại tỉnh Đắk Nông, do không quyết liệt chống dịch, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh bị điều chuyển công tác. Ở Thanh Hóa, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thị xã Bỉm Sơn bị yêu cầu kiểm điểm vì vắng mặt trong buổi họp về phòng, chống dịch Covid-19.

Tại Hải Phòng, khi đi kiểm tra đột xuất một số doanh nghiệp và trường học trên địa bàn, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã yêu cầu điều chuyển công tác Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận Dương Kinh) vì lơ là trong công tác phòng, chống dịch.

Tại Bắc Ninh, trong một cuộc họp mới đây, bên cạnh việc yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong tỉnh cần tiếp tục tăng cường triển khai các giải pháp và chủ động các phương án, kịch bản ứng phó với dịch bệnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang khẳng định: “Nếu chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh có thể bị xem xét kỷ luật”…

Những động thái, chỉ đạo kiên quyết như trên thể hiện vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc góp phần cùng cả nước chung tay kiểm soát dịch bệnh. Triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương đã quyết liệt vào cuộc.

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với 93 triệu người, vừa thoát khỏi chiến tranh gần 50 năm trước, đang tiến hành các biện pháp đơn giản song triệt để nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và đến nay đã khống chế được dịch bệnh, Việt Nam đã nhiều lần đối mặt với thiên tai, dịch bệnh song có lẽ đây là lần đầu tiên việc phòng bệnh diễn ra trên diện rộng với quy mô rất lớn.

Tinh thần của chỉ đạo mạnh mẽ, kiên quyết từ người đứng đầu Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh đã được lan tỏa và thể hiện trong hoạt động của từng cấp, ngành và người dân để vừa chống dịch, vừa bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng cũng như phát triển kinh tế - xã hội; duy trì sự ổn định của mỗi địa phương.

Các biện pháp mà Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng và kiên quyết thực hiện bao gồm đóng cửa tất cả các trường học; đình chỉ toàn bộ các chuyến bay; cách ly bắt buộc 14 ngày với tất cả những người từ nước ngoài trở về; cách ly những người nhiễm bệnh và theo dõi tất cả những trường hợp có tiếp xúc với người bệnh.

Dù điều kiện của Việt Nam còn khó khăn nhưng có thể trở thành “tấm gương” cho nhiều quốc gia khác về cách thức dập dịch đạt hiệu quả cao nhất với mức chi phí tối thiểu. So với các quốc gia láng giềng giàu có khác ở châu Á, Việt Nam không thể xét nghiệm cho tất cả người dân. Thay vào đó, Việt Nam tập trung vào các biện pháp cơ bản như xét nghiệm có chọn lọc, kiểm soát tình hình và cách biện pháp này đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc kiểm soát dịch Covid-19 nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, những chỉ đạo cụ thể kịp thời, giải pháp quyết liệt của Chính phủ, cùng sự chung tay, đồng lòng của chính quyền và người dân.