Mishima, nhà văn Nhật hiện đại nổi tiếng nhất ở phương Tây. |
Trước đây, tôi có thành kiến với Mishima, nhà văn Nhật hiện đại nổi tiếng nhất ở phương Tây. Có lẽ do ông tự sát một cách hơi “huênh hoang”, dĩ chí “thiếu thẩm mỹ”. Ông cầm đầu một nhóm thanh niên võ trang chiếm đóng Tổng hành dinh của lực lượng tự vệ, kêu gọi xét lại hiến pháp để trả lại cho Nhật hoàng hào quang nguồn gốc thần minh của nghìn xưa và thức tỉnh tinh thần thượng võ chìm đắm trong chủ nghĩa hòa bình từ sau thế chiến II. Khi thất bại, ông mổ bụng tự tử theo đúng nghi lễ “võ sĩ”.
Về sau, tìm hiểu thêm Mishima, tôi thấy vấn đề phức tạp hơn.
Sự kết liễu cuộc sống của ông không logic với bản chất sống của một nghệ sĩ duy mỹ, suốt đời say mê tìm cái đẹp. Tuy có những lúc ông có thái độ “dấn thân” chính trị, từng tham gia chút ít Đảng Cộng sản, trở thành khuynh hữu với ý thức quý tộc, cơ bản ông vẫn là “phi chính trị”. Ông đề cao những người yêu nước cực đoan, trên quan điểm ứng xử đạo đức học hơn là quan điểm chính trị.
Ông tôn sùng Nhật hoàng vì đó là biểu tượng của văn hóa cổ truyền.
Tâm hồn Mishima (1925-1970) rất phức tạp và đầy nghịch lý. Bà nội ông thuộc dòng dõi võ sĩ, đã giáo dục ông một cách độc đoán. Bà gửi cậu bé vào học trường trung học quý tộc. Cậu ốm yếu, lúc đầu không đủ sức khỏe nhập ngũ. Nhưng đến khi được chấp nhận thì chiến tranh đã hết. Cậu rất nhạy cảm và có năng khiếu văn học. Năm 16 tuổi đã có tác phẩm đầu tay được in. Tuy học luật và có thời gian làm công chức, Mishima về sau sống bằng ngòi bút. Ông hiểu biết về văn hóa phương Đông và phương Tây, đặc biệt là cổ Hy Lạp. Sáng tác của ông phản ánh cuộc xung đột giữa ảnh hưởng phương Tây và các giá trị truyền thống phương Đông. Với Kawabata, dĩ vãng là truyền thống nghệ thuật cổ, là sắc thái nữ tính của văn hóa dân tộc (thời Hêian). Còn Mishima lại tìm hứng trong truyền thống chiến chinh, tinh thần thượng võ. Kiệt tác của ông gồm: Tâm sự một cái mặt nạ, 1949, câu chuyện cảm động và mang tính thẩm mỹ về sự thức tỉnh tình dục ở một thanh niên; Đèn lầu vàng, 1956, tiểu thuyết viết về một đạo sĩ trẻ hoang mang không giải quyết được mâu thuẫn giữa cuộc đời và nghệ thuật, bèn đốt ngôi đền tượng trưng cho cái tuyệt mỹ và bộ tiểu thuyết 4 tập Bể phồn thực (1971-1974). Có nhà nghiên cứu cho là toàn bộ sáng tác của Mishima thể hiện sự phân đôi, không thống nhất giữa tâm hồn và thân xác, gốc của mọi tai họa trong nền văn minh hiện đại. Phản ứng với bản chất mình, Mishima đề cao thân thể, chống lại khuynh hướng bảo tồn.
Mishima đã gửi gắm nhiều tâm sự về ý nghĩa cuộc đời, cái sống cái chết, mộng và thực vào những kịch “Nô” ông viết khoảng năm 30 tuổi. Với ý nghĩa tượng trưng cao độ, kịch “Nô” dần trở thành thể loại sân khấu cho một giới thưởng thức hẹp. Mishima có tài canh tân “Nô”, làm cho nội dung dễ hiểu, mượn chủ đề và đề tài cũ áp dụng vào hiện đại, vẫn giữ được tính tượng trưng và không khí thần bí. Thí dụ ông đã thể hiện đề tài “Giấc Nam Kha” trong vở Kantan: một thanh niên nhà giàu được nuông chiều, mới 18 tuổi đã chán ngấy danh lợi, tình duyên. Cậu ta về quê u già chơi, nằm nghỉ gối đầu lên chiếc gối thần gia bảo của gia đình ấy. Cậu mơ một giấc mơ, thấy tất cả cái phù du, vô nghĩa của đời sống hiện đại.
Còn đây là vở Sôtôba Komachi, đã được diễn ở nhiều nơi trên thế giới... gắn cái cũ thời Minh trị với nước Nhật đương đại của gần 100 năm sau. Mishima miêu tả một mỹ nhân nhẫn tâm và con người tìm cái đẹp chỉ là ảo ảnh. Vở kịch này khiến ta nhớ tới vở Chờ đợi Goodot của nhà viết kịch Ailen Beckett: có hai tên cầu bơ, cầu bất nói con cà con kê với nhau khi cùng chờ đợi một người họ không quen biết là Godot ở một nơi vắng vẻ... Rồi hôm sau, cũng lại như vậy, Godot là ai, họ chờ đợi làm gì họ đều không biết! Cứ thế mãi. Nội dung kịch của Beckett nói lên cái vô lý của cuộc đời với một ngôn ngữ tàn nhẫn, khô khan. Vở của Mishima cũng vậy, nhưng dù sao cũng được che phủ bởi chút thơ mộng và bi thương. Phải chăng đó là do quan niệm kiếp người phù du của phương Đông, nhất là đạo Phật, có khác?