Một hình thức truyền thông sáng tạo về nghệ thuật hát bội của nhóm Hiếu Văn Ngư - Cultura Fish. |
Từ câu chuyện của nhóm Hiếu Văn Ngư
Vừa trở về từ Liên hoan sân khấu trẻ châu Á 2025 (Asian Youth Theatre Festival) tại Chiang Mai (Thái Lan) cách đây ít ngày, Lục Phạm Quỳnh Nhi (Trưởng nhóm Hiếu Văn Ngư - Cultura Fish) hào hứng chia sẻ trên trang mạng xã hội cá nhân về “những nỗ lực của đoàn Việt Nam đã khiến bạn bè từ 16 quốc gia cảm động vì sự chân thành và ý chí đưa văn hóa truyền thống song hành với hiện đại”.
Được thành lập vào tháng 12/2020, nhóm Hiếu Văn Ngư là những người trẻ đến từ nhiều chuyên ngành khác nhau (sư phạm, truyền thông, IT, kế toán, hội họa...) nhưng có cùng ý chí “mong muốn tiếp cận di sản văn hóa phi vật thể, làm nguồn “nguyên liệu” để ứng dụng phù hợp với bối cảnh nhịp sống đương đại”.
Mong nguyện là cầu nối, đóng vai trò “trung gian” giữa giới học thuật và công chúng, nhóm Hiếu Văn Ngư đã miệt mài xây dựng thiết kế và tổ chức các dự án lưu trữ, truyền thông online, workshop, lớp thưởng thức nghệ thuật, talkshow. Tập trung vào các di sản văn hóa phi vật thể ở khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ như diễn xướng dân gian, sân khấu truyền thống, phong tục tập quán địa phương, sau hơn ba năm hoạt động, nhóm Hiếu Văn Ngư đã định hình thương hiệu với hàng loạt dự án gây tiếng vang như Hát bội 101, Phong hoa ca vịnh, Ca biện phấn hành.
Đặc biệt, từ gợi ý của nhà nghiên cứu Vương Hoài Lâm (cũng là một thành viên của nhóm), dự án lưu trữ “Mô hình nhân vật trong nghệ thuật hát bội Việt Nam” đã được nhóm thực hiện trên ichLinks (www.ichlinks.com) - nền tảng thông tin về di sản văn hóa phi vật thể tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tiếp đó, tháng 5/2023, các bài viết, hình ảnh, video về mô hình các nhân vật trong nghệ thuật Hát Bội Việt Nam cũng được trưng bày tại Triển lãm “Alternative Identities: Masks of ASEAN & Korea” (Những danh tính khác: Mặt nạ ở Đông Nam Á và Hàn Quốc) ở thành phố Busan (Hàn Quốc) do ICHCAP-UNESCO và KF ACH đồng thực hiện.
Đến dự án phát triển văn hoá quốc gia
Từ câu chuyện “đưa hát bội lên sân khấu quốc tế” của nhóm Hiếu Văn Ngư cho thấy, công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống và rộng hơn là phát triển văn hóa trong bối cảnh toàn cầu, hội nhập, chuyển đổi số hiện nay, rất cần tính chiến lược của những người làm văn hóa, mang trong mình niềm đam mê, sức sáng tạo, chứ không phải hoàn toàn phụ thuộc vào vấn đề tài chính.
Mới đây, Quốc hội vừa phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Theo nghị quyết, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình tối thiểu 122.250 tỷ đồng. Chủ trương đúng đắn, kịp thời, nhưng hiện thực hóa chủ trương là một thách thức không nhỏ. Chúng ta cần có một chiến lược tổng thể để đảm bảo nguồn vốn được phân bổ hợp lý, phát huy tối đa tác dụng, để giá trị nguồn vốn về tài chính trở thành giá trị văn hóa bền vững. Và quan trọng hơn hết vẫn là vấn đề nguồn nhân lực. Thành công của nhóm Hiếu Văn Ngư là minh chứng sinh động, thuyết phục cho thấy tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong phát triển văn hóa.
Theo kinh nghiệm từ Hàn Quốc - một trong những quốc gia đi đầu về công nghiệp văn hóa, để có được sự phát triển quyền lực mềm văn hóa như hiện nay, Hàn Quốc đã cử hàng nghìn sinh viên đến Mỹ đào tạo cách đây hàng chục năm trước. Sau này, họ trở thành những lực lượng chuyên gia, phát triển văn hóa nước nhà.
Thế nên, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố không thể thiếu để khai thác hiệu quả khoản đầu tư 122.250 tỷ đồng vào văn hóa. Các chính sách đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn hóa nghệ thuật cần được triển khai đồng bộ, từ các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp đến các trung tâm văn hóa địa phương.
Ngoài ra, chính sách đãi ngộ đối với các nghệ sĩ, chuyên gia văn hóa cũng cần được chú trọng để thu hút và giữ chân người tài.
| Lễ hội Tết Việt Saitama 2025: Phát huy giá trị văn hóa truyền thống và gắn kết tinh thần dân tộc Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nỗi nhớ quê nhà da diết lại trào dâng trong ... |
| Israel phát hiện quần thể tâm linh thời tiền sử niên đại 35.000 năm Trong một tuyên bố chung ngày 10/12, Cơ quan Quản lý cổ vật Israel và 3 trường đại học tại nước này nhấn mạnh, các ... |
| Xây dựng, phát triển con người Cà Mau giàu bản sắc, hội nhập bền vững Công tác xây dựng và phát triển văn hoá, con người Cà Mau luôn được chú trọng nâng cao trong thời kỳ hội nhập. |
| Khơi dậy niềm tự hào về ngành giải trí Việt Sự xuất hiện của những chương trình giải trí chất lượng cao được tổ chức tại Việt Nam cho thấy ngành công nghiệp biểu diễn ... |
| Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO vinh danh: Nhân thêm niềm vui di sản Được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam mang ... |