📞

Mùa Covid-19, mong một cái Tết bình an

Lưu Đức Bình Minh 07:00 | 11/02/2021
TGVN. Tết Tân Sửu 2021, bình an - ngoài một lời chúc năm mới còn là mong ước mang tính thời sự khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, lây lan trong cộng đồng.
Mùa Covid-19, mong một cái Tết bình an đến với mọi người, mọi nhà. (Ảnh: LĐL)

Bình an là điều mà người ta vẫn thường chúc nhau trong dịp Tết. Nhưng bình an đâu phải tự nhiên mà có. Bình an cũng theo quy luật nhân-quả, mỗi người phải gieo trồng.

Chỉ trong thời gian ngắn, chưa đầy 2 tuần, kể từ 28/1 đến nay (10/2) đã có 484 bệnh nhân được ghi nhận tại 13 tỉnh thành, trong đó có Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Đầu tiên, các ca nhiễm được phát hiện tại Quảng Ninh, Hải Dương, sau đó lan ra nhiều địa phương. Trước thềm năm mới, chỉ trong ngày 27 tháng Chạp, Canh Tý, TP. Hồ Chí Minh có gần 30 ca Covid-19 được ghi nhận. Hiện tại, TP. Hồ Chí Minh có đến 33 điểm bị phong tỏa do có liên quan đến các bệnh nhân Covid-19. Ngay lập tức, nhiều người đã hủy vé, quyết định không về quê đón Tết.

Đó là quyết định khó. Nhưng đó là quyết định mang trách nhiệm cộng đồng, khi dịch bệnh làn này khó chống hơn vì có biến thể mới lây lan nhanh. Chọn không về quê để tránh các rủi ro mang mầm bệnh (nếu có) đi khắp nơi trong mùa di chuyển nhiều này, hẳn nhiều người hiểu được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh sau một năm quan sát thế giới và trong nước.

Theo đó, thế giới ghi nhận hơn 2,2 triệu người chết vì Covid-19 trong khoảng 108 triệu người nhiễm. Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch, tiếp theo là Ấn Độ và Brazil.

Có thể thấy, Việt Nam thành công trong chống dịch một phần nhờ ý thức cá nhân của từng người dân. Tất nhiên, ở đâu đó cũng có những trường hợp chủ quan, gây ra những hậu quả như đã từng xảy ra. Song, những chỉ thị, khuyến cáo từ trung ương tới địa phương cơ bản đã được thực hiện nghiêm, trong đó có nguyên tắc 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế).

Những ngày trước Tết, theo dõi diễn biến dịch cùng các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, lãnh đạo các địa phương, các tôn giáo cũng đã có các thông báo và khuyến cáo người dân, tín đồ giữ khoảng cách, không tụ tập.

Ai cũng biết, những ngày cuối năm, đầu năm, theo truyền thống người Việt là thời điểm đi chùa cầu an, tham gia các lễ hội văn hóa, nhất là ở miền Bắc. Tuy nhiên, vì đại cuộc chống dịch như chống giặc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu các chùa hạn chế các cuộc lễ, tránh tập trung đông người (không quá 20). Hàng loạt các lễ hội ở miền Bắc cũng đã quyết định dừng. Đó là những lễ hội lớn như lễ khai ấn đền Trần, lễ hội chùa Hương, Bái Đính, Tam Chúc...

Có thể thấy, những lễ hội này đều đã chuẩn bị trước đó một thời gian dài nhưng vì dịch, ban tổ chức ở các địa phương, cơ sở thờ tự này đã tuân thủ nguyên tắc an toàn. Suy cho cùng, lễ hội mùa xuân, cầu an, chúc phúc, lộc tết… rốt cuộc cũng để mỗi người có niềm tin, hướng về điều an lành. Tuy nhiên, an lành không phải là cảm nhận viển vông, nó phải được xây trên thực tế. Và một thực tế quan trọng nhất chính là sức khỏe.

Tết bình an đến từ nụ cười trẻ thơ. (Ảnh: LĐL)

Thời điểm này, sức khỏe gắn liền với an toàn trong dịch bệnh. Vì vậy, những lựa chọn ở lại thành phố ăn Tết của nhiều người dân xa quê chính là lựa chọn an lành.

Tất nhiên, ngoài hạn chế di chuyển thì còn hạn chế những cuộc lễ theo khuyến cáo của Giáo hội, các chùa, cơ sở thờ tự. Nếu có tham gia bất kỳ hoạt động nào thì cũng phải nhớ tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.

Thực ra, thời công nghệ này, khoảng cách giữa người với người, giữa mình với quê đã không còn quá xa xôi. Tuy không ở cùng vị trí địa lý, không gian văn hóa nhưng vẫn có thể nhìn thấy nhau một cách dễ dàng. Những cuộc gọi video cập nhật không khí Tết quê nhà chính là giải pháp để đón năm mới an toàn.

Ngành vận tải trong mùa này bị thiệt hại không nhỏ bởi việc dừng bay, trả vé tàu… Có nhiều hãng chấp nhận hoàn lại tiền cho dân vì hoàn cảnh khách quan dịch bệnh. Đó cũng là sự “hi sinh” để giữ an toàn cho mọi người. Như thế, Tết bình an đã được sự chung tay góp sức của nhiều người, nhất là đội ngũ y bác sĩ, những người làm công tác chống dịch. Họ không có Tết và phải căng mình ở những điểm “nóng” để kiềm giữ Covid-19 ngừng lây lan thì không có lý do gì, chỉ vì một chút cảm xúc cá nhân mà mình phá hỏng nhiều nỗ lực khác của cả tập thể lớn.

Nhớ, Tết có nghĩa là bình an, khi đó ta sẽ không còn lang thang đi chỗ này chỗ kia hoặc cố tụ tập trong mùa Covid-19 nữa…