Nhỏ Bình thường Lớn

Mùa hẻo lánh của những Cánh diều

Trong khi ban giám khảo các hạng mục phim truyền hình của giải Cánh diều 2009 đang than khóc vì nỗi lo so bó đũa nhưng không tìm nổi cột cờ, thì ban giám khảo hạng mục phim truyện nhựa, linh hồn của giải Cánh diều, lại phải chấm giải trong một không khí quạnh quẽ hiếm thấy.
Đẹp từng centimet đã đại thắng với doanh thu hàng chục tỉ đồng trong mùa Tết vừa qua.

Lỡ hẹn…

 

Tính đến cuối ngày 10/2 khi hết hạn đăng kí, chỉ có vẻn vẹn 6 phim nhựa sẽ chính thức tham dự giải thưởng thường niên lớn nhất của ngành điện ảnh Việt Nam. Đó là: Trăng nơi đáy giếng (Giải phóng), Giải cứu thần chết (Thiên Ngân), Đẹp từng centimet (BHD), Cú và chim se sẻ (Chánh Phương), Huyền thoại bất tử (Phước Sang) và Chuyện tình xa xứ (Thần đồng). Đây cũng là con số trùng với con số phim thực chất của năm 2008, tức là duyệt phổ biến trong năm và trình chiếu cũng trong năm luôn, trong đó không bao gồm Cú và chim se sẻ đã chiếu trước Tết năm ngoái, nhưng vẫn trở lại tranh giải Cánh diều năm nay.

 

Một trông chờ lớn đặt vào Đừng đốt, trong đó đã có lửa, bộ phim được nhà nước đầu tư kinh phí lớn nhất năm vừa qua (11 tỉ, quá nửa của toàn bộ kinh phí làm phim năm 2008 của nhà nước). Nhưng theo thông báo của đại diện Hãng phim Hội Điện ảnh, bộ phim lỡ hẹn do vướng phần hậu kì đang làm tại Thái Lan. Trên thực tế, phần hậu kì này đã được bắt đầu từ cuối năm ngoái và không phải là bất khả thi để hoàn tất sớm hơn cho kịp trình chiếu phim vào “mùa gặt” dịp Tết vừa qua. Nhưng có lẽ, doanh thu bán vé chưa phải là quan tâm lớn của hãng phim này.

 

Một hi vọng khác dành cho Chơi vơi với màn chiếu nhiều “sao” khi Phạm Linh Đan về nước vào vai người phụ nữ đau khổ vì cô bạn đi lấy chồng, còn Đỗ Hải Yến có ngoại hình mong manh hấp dẫn nhưng vào vai chưa bao giờ đạt cũng được hứa hẹn sẽ lột xác để diễn rất “ngọt” trong phim này. Nhưng Chơi vơi, sau quãng đường khúc khuỷu từ những cái tên Mãi không tới biển rồi lại Đi mãi rồi cũng quay về, lận đận đủ nơi mới xin được tiền dựng phim, cuối cùng vẫn “chơi vơi” vì không kịp làm hậu kì để dự giải lần nay.

 

Cố gắng lớn nhất có lẽ là của bộ phim Việt kiều Chuyện tình xa xứ. Vừa ra mắt được ít ngày, hãng Thần đồng đã phải bấm bụng để “lọt” 4 suất công chiếu miễn phí phim này cho khán giả theo yêu cầu của Hội Điện ảnh, nhằm chen chân dự giải.

 

Lép vế…

 

“Trăng nơi đáy giếng” là hi vọng lớn nhất của khối phim nhà nước, cũng bởi vì nó là duy nhất. Các phim dự giải còn lại, khác với mọi năm, đều là phim tư nhân. Điều gây chú ý của đại diện duy nhất của phim nhà nước này có lẽ là sự năng nổ xuất hiện ở một số Liên hoan phim như Busan, Rotterdam, Dubai… (cho dù những liên hoan phim nói trên không phải là các tên tuổi có “vai vế” trong làng điện ảnh thế giới). Một điều gây chú ý khác, tuy mang chuông đi đánh khắp nơi, nhưng bộ phim này lại chưa được phát hành tại Việt Nam.

 

Sự khác biệt cũng dành cho Cú và chim se sẻ, bộ phim độc lập duy nhất dự giải. Vì là phim độc lập cho nên phim không có đại cảnh hùng tráng, không có diễn viên nổi tiếng, cảnh quay gồ ghề với máy quay di động đôi khi làm khán giả thấy nhức mắt. Cũng vì là phim độc lập cho nên đạo diễn của phim (Stephane Gauger, người Mỹ với 50% dòng máu Việt) phải đôn đáo chạy khắp nơi giới thiệu phim và tìm kiếm cơ hội cho bản thân mình. Nhờ đó, Cú và chim se sẻ từng thành công ở các liên hoan, như Liên hoan phim châu Á tại Dallas, Liên hoan phim Mỹ gốc Á tại San Francisco, Liên hoan phim Los Angeles, Heartland, Rotterdam…

 

4 phim còn lại, Giải cứu thần chết, Đẹp từng centimet, Huyền thoại bất tử và Chuyện tình xa xứ đều là các phim hướng chủ yếu vào mục tiêu bán thật nhiều vé cho khán giả và được phát hành cách nhau không mấy ngày kể từ dịp Tết năm nay. Theo thông báo (chưa ai kiểm chứng) từ các nhà sản xuất thì Giải cứu thần chết  và Đẹp từng centimet của hai đạo diễn thân thiết Quang Dũng – Ngọc Đãng đã đại thắng với doanh thu hàng chục tỉ đồng mỗi phim trong mùa Tết năm nay. Còn nhà sản xuất Huyền thoại bất tử (nghe nói) đã hướng về mục tiêu xây dựng một phim nghệ thuật kiểu như Áo lụa Hà Đông, khiến khán giả xem hết phim ra khỏi rạp ngẩn ngơ vì những tình tiết vô lí được tự an ủi rằng có lẽ là tại mình chưa đủ sức cảm thụ nghệ thuật. Chuyện tình xa xứ, là phim duy nhất được phát hành nhằm vào dịp lễ Tình yêu năm nay, trước đó không muốn dự thi, sau rồi lại mang phim đến.

 

An ủi và kỳ vọng

 

Gánh nặng đặt vào vai những người làm phim trong năm 2009 xem ra sẽ nặng thêm, sau một năm cánh đồng điện ảnh không mấy hoa trái. Quỹ Phát triển điện ảnh chưa được thành lập, còn kế hoạch cổ phần hóa các hãng phim nhà nước vẫn đang nằm im. Rắc rối quanh Thái tổ Lý Công Uẩn và Trần Thủ Độ đã chính thức thông báo sự vắng mặt của ngành điện ảnh trong đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

 

Hy vọng được đặt ở một nguồn khá lớn các kịch bản vừa tham dự cuộc thi Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội: Tổng cộng 79 kịch bản phim truyện nhựa, trong đó không ít kịch bản khá mới mẻ. Một hy vọng khác là, với điện ảnh Việt Nam, hết một năm “bĩ cực” thì năm tới thường sẽ “thái lai”. Hy vọng, những Cánh diều sẽ lại tung bay đầy trời!

 

Hằng Nguyễn