📞

Mùa lễ hội 2017: Vẫn còn nhiều phản cảm

14:33 | 12/02/2017
Mùa lễ hội 2017 đã chính thức bắt đầu với hàng loạt lễ hội lớn, nhỏ diễn ra trên khắp các vùng miền.Văn hóa đi lễ được đề cập đến nhiều nhưng vẫn chưa có nhiều thay đổi tích cực. Tình trạng chen lấn, xô đẩy, cướp lộc và tranh giành nhau vẫn thường xuyên diễn ra ngay tại lễ hội.

Nóng chuyện "biến tướng" lễ hội

Ngày mùng 6 tháng Giêng (2/2) là thời điểm khai hội của rất nhiều lễ hội lớn như Lễ hội chùa Hương, đền Gióng, đền Hai Bà Trưng, Cổ Loa…Và những hình ảnh xấu xí, phản cảm như chen chúc, dẫm đạp để giành lộc, vứt xả rác bừa bãi, cờ bạc, ném tiền cho người nhặt… lại xuất hiện tràn ngập trên các phương tiện truyền thông đại chúng với mức độ ngày càng “kinh dị” hơn.

Vừa qua, tại đền Gióng Sóc Sơn, ở nghi thức giành giật các giò hoa tre, ngay sau khi lực lượng bảo vệ hô “cướp’ theo tục lệ truyền thống, hàng trăm người ùa vào vài mét vuông sân đền Hạ, đền Mẫu để tranh “cướp lộc” này. Nhiều người dân bơ phờ sau trận chiến “cướp lộc”, một vài người bị xây xát nhẹ.

Tại lễ hội chùa Hương, một trong những lễ hội lớn nhất miền Bắc, xảy ra sự việc hi hữu, ngay trong sáng khai hội, màn “cướp lộc” đã diễn ra một cách bất ngờ ngoài dự kiến. Vì lượng người quá đông, thay vì trực tiếp trao những chiếc vòng (đeo tay để lấy may) cho du khách, một nhà sư đã có sáng kiến đứng lên cao và tung những chiếc vòng tay cho khách thập phương. Rất nhanh, biển người tại chùa Hương đã xô vào giành giật, tranh cướp những chiếc vòng này và tạo ra cảnh hỗn loạn trong gần 30 phút đồng hồ. Điều đáng nói ở đây là chính sư thầy lại tạo tham di ân cho người đi ngược giáo lý của đạo Phật.

Cảnh tượng chen chúc, hỗn loạn khi sư thầy tung vòng đeo tay cho khách thập phương đi lễ tại chùa Hương. (Nguồn: Zing)

Ông Nguyễn Chí Thanh,Trưởng Ban quản lý di tích chùa Hương cho biết, việc "tung lộc" như vậy là hành động tự phát của phía nhà sư, chứ không hề nằm trong kịch bản của lễ hội. Trong vài năm qua, việc nhà chùa tặng cho một số du khách những chiếc vòng đeo tay vẫn diễn ra nhưng không theo hình thức "tung lộc" mà thường trao tay nên ít được dư luận chú ý.

Có lẽ “điểm đen” nhất trong đầu mùa lễ hội năm nay chính là lễ hội chọi trâu được tổ chức trong 2 ngày mùng 4 – 5 tháng Giêng (31/1 - 1/2), tại thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Mặc dù không được cấp phép nhưng lễ hội vẫn diễn ra sôi nổi, hàng vạn người dân từ các nơi nô nức đổ về lễ hội.

Một bãi đất rộng được quây kín có cổng kiểm soát, khán giả đã chật cứng, giá vé được ấn định là 60.000 đồng/người. Lượng người xem rất đông, nhưng lực lượng quản lý trật tự lại mỏng nên đôi lúc khán giả ùa cả vào trong sân đứng ngay sát những “hung thần” sừng nhọn, vô cùng nguy hiểm. Phản cảm hơn nữa là màn xẻ thịt trâu ngay tại lễ hội với giá bán cắt cổ, ít nhất 1.000.000 đồng/kg.

Được biết, hồi tháng 11/2016 khi diễn ra vòng loại của lễ hội chọi trâu này đã bị phạt 7 triệu đồng. Dù vậy, nhiều người cho rằng, mức phạt như vậy chưa đủ sức răn đe khi nhiều người sẵn sàng chịu phạt tiền triệu để thu lại hàng trăm triệu đồng.

Có thể dẹp bỏ những lễ hội biến tướng

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, tình trạng lạm dụng lễ hội đã trở nên đáng báo động ở rất nhiều lễ hội, biểu hiện ở nhiều mặt khác nhau, cả ở phía người tổ chức, chủ thể lễ hội và cả ở khách đi hội. Điều đó làm cho những ý nghĩa tích cực của lễ hội bị lu mờ, các hành vi tiêu cực bùng phát.

Ông Vĩ lý giải, nguyên nhân dẫn đến những biến tướng trong các kỳ lễ hội trước tiên phải kể đến sự mê tín. Chính tư tưởng mê tín đã tạo nên hiện tượng "buôn thần bán thánh" nở rộ, các hoạt động như bói toán, xóc thẻ, xin xăm, viết sớ, đốt mã...có dịp bùng nổ, thu hút số lượng lớn người đến lễ bái, góp phần tạo nên sự quá tải của không gian lễ hội.

Tiếp đến, nhiều người cũng vì lòng tham mà tranh thủ kiếm tiền từ những người dự lễ hội. Hiện tượng chặt chém tại các lễ hội thường xuyên diễn ra, từ vật phẩm cúng dường đến tiền gửi xe, tiền đò giang, tiền sắp lễ, tiền cơm nước... bất chấp qui định của Ban tổ chức.

Không ít người tranh thủ mỗi năm một lần nhặt nhạnh cái gọi là “lộc thánh”, gây ra những tranh cãi, đôi co, thậm chí là bạo lực ở những chốn đáng lẽ dành cho tín ngưỡng thiêng liêng, chốn giao tiếp lịch sự, thân ái, vui vẻ. Nhiều không gian lễ nghi lại đặt đầy những hòm công đức để tận thu tín tâm của người hành hương. Một số ban tổ chức còn đấu thầu các dịch vụ lễ hội rất cao để làm kinh tế, ông Vĩ bức xúc.

Khai ấn Đền Trần (Nam Định) là một trong những lễ hội có nhiều hành vi phản cảm của du khách nhất (Nguồn: Zing)

Còn theo nhà sử học Dương Trung Quốc, trên thực tế, lễ hội, dù có tính bạo lực hay không bạo lực thì vẫn là một nét văn hóa truyền thống. Tuy nhiên những người tổ chức lễ hội đã quên mất những khuôn khổ và sự phù hợp mà nhìn thấy cơ hội làm ăn nhiều hơn.

“Ngay cả với việc tranh lộc tại lễ hội… ban đầu vốn là một yếu tố không thể thiếu của lễ hội, vì nó mang ý nghĩa giải tỏa bức xúc của con người. Nhưng với việc tranh đoạt đó, ngày xưa nó mang giá trị văn hóa còn ngày nay nó mang giá trị tận hưởng”, ông Quốc phân tích.

Tuy nhiên, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho rằng, những lễ hội bạo lực, biến tướng hoàn toàn có thể dẹp bỏ nếu đủ kiên quyết.

“Đã đến lúc chúng ta phải giải quyết các vấn đề xấu xí của lễ hội, như đúng tinh thần của Chính phủ. Xử lý người chịu trách nhiệm là một, hai là đặt ra một quá trình đối với người dân: đưa các quy định vào khuôn khổ pháp luật và giám sát thực thi nghiêm túc, đồng thời giáo dục người dân và song song đó tạo ra môi trường lễ hội lành mạnh để đáp ứng cho nhu cầu của người dân. Điều chỉnh các điểm xấu xí của lễ hội không khó, chỉ là chúng ta có kiên quyết làm hay không mà thôi”, ông Quốc cho hay.

Các cơ quan chức năng dự báo, từ nay đến hết tháng Hai, sẽ còn nhiều lễ hội tiếp tục diễn ra. Vì vậy, công tác đảm bảo an toàn cho người dân tiếp tục được các cơ quan chức năng chú trọng.

Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ đã cho thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra để phát hiện các tồn tại; đồng thời hướng dẫn chỉ đạo các địa phương có biện pháp khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn.